
Những nhân vật kỳ dị trong vũ trụ "thối não" - Ảnh minh họa
Trào lưu “thối não” bắt nguồn từ đâu?
Trào lưu “thối não” trên TikTok bắt nguồn từ loạt nhân vật do AI tạo ra - thường là sự pha trộn phi lý giữa con người, động vật và các vật thể vô tri. Những cái tên như Ballerina Cappuccina (vũ công ba lê đầu tách cà phê), Tralalero Tralala (cá mập ba chân mang giày Nike đi bộ dưới biển), hay Tung Tung Tung Sahur (khúc gỗ có mắt mũi miệng) đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với giới trẻ.
Trào lưu này bắt đầu bùng nổ từ TikToker người Romania tên Susanu Sava-Tudor, người tạo ra Ballerina Cappuccina và đăng tải lên TikTok vào tháng 3-2025. Video gốc hiện đã thu hút hơn 45 triệu lượt xem. Hashtag #italianbrainrot hiện đã vượt 3 tỉ lượt xem trên nền tảng.
Sức hút của trào lưu này đến từ cảm giác “ai hiểu thì hiểu” với tính chất giải trí phi logic. Không chỉ dừng lại ở việc xem, người dùng TikTok còn tham gia mở rộng vũ trụ nhân vật bằng cách sáng tạo thêm hậu truyện, mối quan hệ và các phiên bản mới.
Khi lan sang Việt Nam, trào lưu tiếp tục phát triển với các biến thể bản địa như quái vật bánh mì, quái vật học hay quái vật matcha latte…

Không chỉ xem, nhiều bạn trẻ còn hưởng ứng trào lưu "thối não" bằng cách thử thách nhau hay tạo ra những nhân vật mới - Ảnh minh họa: KIM SÁNG
Tìm đến những điều vô tri để… giảm áp lực cuộc sống
Trào lưu “vũ trụ thối não” không chỉ lan rộng trên TikTok toàn cầu mà còn nhanh chóng được giới trẻ Việt Nam hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ tham gia bằng cách thử thách nhau đọc đúng tên nhân vật, xếp hạng “quái vật” mạnh nhất hay sáng tạo thêm tình tiết mới. Dù không mang nhiều nội dung sâu sắc, trào lưu này lại được xem là một hình thức giải trí đơn giản, giúp giảm căng thẳng sau những giờ học tập, làm việc.
Phúc Lê (21 tuổi, Dĩ An, Bình Dương) kể: “Ban đầu mình cũng không hiểu rõ trend này là gì, chỉ thấy mấy đứa cháu hay lặp lại mấy câu ‘tung tung tung’ nghe buồn cười. Sau khi thấy trên TikTok nhiều hơn, mình bắt đầu hiểu và bị cuốn vào lúc nào không hay. Trên lớp, tụi mình còn hay đố nhau tên nhân vật và bình chọn xem con nào mạnh nhất”.
Còn với Bảo Hân (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM), trào lưu này mang tính “ám ảnh nhẹ”. Nhiều khi đầu óc trống rỗng, Hân lại lẩm nhẩm mấy cái tên kỳ quặc như bánh mì ram ram hay Tralalero Tralala.
“Mình không hiểu hết ý nghĩa của trend, chỉ biết đó là các con vật hư cấu do AI tạo ra, nhưng thấy cũng vui và ‘bánh cuốn’ lắm”, Hân cho hay.
Vương Phạm (28 tuổi, TP.HCM) thì tiếp cận trend này từ con. “Gần đây, con trai hay đố tôi tên các quái vật có mấy cái tên Ý kỳ lạ. Để hiểu và chơi cùng con, tôi đã tìm hiểu và cảm thấy nó không có gì đáng lo, giống như xem hoạt hình nhưng được sáng tạo thêm bối cảnh, nhân vật vậy”.
Với Thanh Linh (20 tuổi, TP.HCM), sự hấp dẫn của trào lưu nằm ở chỗ... chẳng cần hiểu gì cả. “Ngày xưa còn trẻ con mình cũng mê Baby Shark, Gummy Bear, giờ có thêm Tung Tung Tung Sahur, Tralalero Tralala…", Linh cười. Bạn trẻ này cho rằng đi học, đi làm cả ngày mệt rồi, tối về xem mấy thứ vô tri vô hại, chẳng cần suy nghĩ gì như vậy lại thấy nhẹ đầu, đỡ căng thẳng.
“Thối não” là gì?
Năm ngoái, Oxford University Press đã chọn “brain rot” (tạm dịch: thối não) là từ của năm. Thuật ngữ này mô tả tác động tiêu cực từ việc cuộn xem liên tục những nội dung dễ dãi, vô thưởng vô phạt trên mạng. Nó vừa chỉ quá trình thoái hóa nhận thức, vừa ám chỉ chính những nội dung gây ra điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận