25/07/2016 15:02 GMT+7

Vợ chồng già 70 tuổi oằn mình nuôi 3 đứa con tâm thần

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Về thôn Đông Hòa, xã Sông Phan (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Năm, bất kỳ người dân nào cũng biết, bởi ít có nhà nào lại có hoàn cảnh bi đát đến như thế.

3 người con tâm thần của vợ chồng ông Nguyễn Năm và bà Tô Thị Giỏi - Ảnh: PHAN TUYẾT

Ông bà Năm có 7 người con. Ngoài con gái đầu lòng, họ còn có hai con song sinh Nguyễn Thị Hằng - Nguyễn Thị Nga. Khi học đến lớp 5, Hằng bỗng nhiên ít nói cười mà hay ngồi trầm tư một chỗ, rồi bỏ nhà đi lang thang. Thời gian này, ông bà sinh thêm cô con gái út Nguyễn Thị Huệ.

Có 3 đứa con gái bị bệnh tâm thần, nhưng sóng gió vẫn chưa thôi đổ xuống gia đình ông Năm - bà Giỏi khi cách đây không lâu người con trai cùng hai cháu nội của ông bà lại bị tàu tông chết ngay trước cổng nhà.

Sau một trận sốt ác tính, Huệ bị liệt nửa người và cũng có những triệu chứng giống chị. Ông bà đã tận tình thuốc thang nhưng bệnh tình của Huệ chưa thuyên giảm thì cô em song sinh của Hằng cũng có triệu chứng của bệnh tâm thần.

Dù nghèo khổ nhưng ông bà vẫn quyết đem con đi khám nhiều nơi tuy nhiên cũng chẳng biến chuyển gì. Tiền đi lại, thuốc thang cứ mỗi ngày một chồng chất. Nghe ai nói có thầy hay, thầy giỏi họ cũng mang con tới chữa với hi vọng cứu được những đứa con.

Bà Tô Thị Giỏi, vợ ông Năm, nói: “Nhìn con đứt từng khúc ruột, nên lại cố vay mượn gửi chúng vào Bệnh viện Thần kinh trung ương rồi trở về quê lo làm lụng kiếm tiền gửi vào”. Thấy bệnh tình của con không thuyên giảm, ông bà đành đưa các con trở về quê để tự chăm sóc.

Sóng gió vẫn chưa thôi đổ xuống gia đình khi người con trai cùng hai cháu nội bị tàu tông chết ngay trước cổng nhà. Bà Giỏi nói mình như không còn sức lực để sống nhưng buộc phải gượng dậy. “Tôi chết rồi ai sẽ lo cho ba đứa con ngớ ngẩn này, nên không cho phép mình gục ngã”, bà nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Đang nói chuyện, bỗng bà gọi giật ông: “Ông ơi, chạy tìm con Nga, nó vừa chạy ra ngoài đó. Nhanh lên không kịp mất”. Ông già 70 tuổi hốt hoảng lật đật chạy đuổi theo tìm con.

Bà nói tiếp: “Nó chạy ra đường tàu đứng, nhiều lần họ phát hiện kịp nên không sao. Mình thiệt mạng đã đành còn gây nguy hiểm cho người khác. Hết ra đường tàu lại chạy tới phá phách các quán bán đồ của làng xóm. Gia đình tôi phải xích con cả ngày, vừa mở ra để ăn trưa là nó chạy liền. Nhiều lần nó đi lạc, thương con gia đình lại đi khắp nơi tìm kiếm. Giờ thì phải xăm số điện thoại trên cánh tay để đi lạc mọi người còn biết mà gọi về báo”.

Dẫn con về, ông bà lại xích con vào góc giường. Thấy người lạ nhìn, cô gái cúi mặt cười cười khiến ai thấy cũng không thể cầm lòng.

Khác với Nga, Huệ có khuôn mặt trẻ, được ở riêng một phòng nơi cuối vườn vì từ việc ăn uống, đi vệ sinh đều tại chỗ. Hằng ngày dù làm vất vả đến đâu bà Giỏi cũng tranh thủ về bón cơm cho con, dọn vệ sinh vì “nó trây trét khắp người, khắp giường không thể nào chịu nổi”.

Vừa nói bà vừa đưa tay quẹt dòng nước mắt đang nhòe trên khuôn mặt gầy nhom khắc khổ. Bà chia sẻ tiếp: “Ba đứa con tâm thần mỗi đứa biểu hiện một kiểu nên đôi khi mệt mỏi vô cùng”. Rồi bà chỉ vào chiếc giường trong góc nhà nơi cô chị cả đang ngồi: “Nó luôn tay bứt quần áo, chỉ may lại thôi cũng đã đủ mệt rồi”.

Vì ông bà thường đi làm thuê nên để nhà cho 3 cô con gái tâm thần, đã không ít lần ba cô bị xâm hại tình dục, sợ con mang bầu trong điên dại nên gia đình đã chích thuốc ngừa thai cho các con.

Hai ông bà độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng hằng ngày vẫn chang chang ngoài vườn bòn mót mấy trái đào hay đi giúp việc cho ai đó vừa kiếm tiền mưu sinh, vừa chăm sóc ba đứa con tâm thần mỗi đứa hành một kiểu. Ông bà nói mình như kiệt sức nhưng chẳng biết làm sao.

Nói đoạn, bà tâm tư: “Số tiền mượn xóa đói giảm nghèo đã đến hạn chưa trả được mà lại tới đợt lấy thuốc cho con, biết xoay xở ra sao lúc này? Nhiều lúc thấy con tỉnh táo gọi hai tiếng mẹ ơi, hay biết pha ly nước chanh mời mẹ uống, tôi cũng thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để gắng sức chạy chữa cho con thuyên giảm bệnh tình”.

Căn nhà chật chội, ọp ẹp như gồng mình chở che ba cô gái thần kinh và hai ông bà già đã quá tuổi lao động. Mới đây, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hàm Tân đã hỗ trợ 10 triệu đồng để gia đình sửa sang lại nơi ở.

Ông Lê Văn Thiều, cán bộ UBND xã Sông Phan, cho biết: "Gia đình ông Năm có hoàn cảnh bi đát, hai ông bà đã lớn tuổi nhưng vẫn phải lao động vất vả để nuôi con”. 

Chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này.

Thông tin giới thiệu gửi qua email: [email protected] hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

“Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ.

Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Điện thoại: (08) 39973838.

Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054.

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên