21/12/2022 08:25 GMT+7

VinFuture 2022: Tôn vinh sứ mệnh khoa học phụng sự nhân loại

THANH HÀ - DUY LINH
THANH HÀ - DUY LINH

"Không chỉ là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hóa những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại".

VinFuture 2022: Tôn vinh sứ mệnh khoa học phụng sự nhân loại - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng chính của VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD cho các nhà khoa học vì các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định như vậy tại lễ trao giải VinFuture 2022 diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội tối 20-12.

Hiện thực hóa những khát vọng khoa học lớn lao

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự trân trọng biết ơn vì cống hiến, phụng sự cho nhân loại của tiến sĩ Katalin Karikó, giáo sư Pieter Cullis và giáo sư Drew Weissman, các nhà khoa học là tác giả của công trình phát triển công nghệ mRNA, nền tảng của vắc xin COVID-19 đã được vinh danh với Giải thưởng chính giải thưởng VinFuture lần thứ 1.

Ông Huệ cho rằng: "Nếu bảo vệ sức khỏe là thách thức của nhân loại năm 2021 thì "Tái thiết và hồi sinh" chính là vấn đề cấp thiết mà thế giới phải đối mặt năm 2022 và nhiều năm tiếp theo. Đây cũng là chủ điểm mà VinFuture 2022 đặt ra hậu đại dịch COVID-19, thể hiện tầm nhìn và sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" của VinFuture".

Đánh giá cao sáng kiến cũng như những nỗ lực của Quỹ VinFuture và người sáng lập là chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương, phu nhân của ông Vượng, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ:

"Tôi tin rằng Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture với việc tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai, đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình.

Không chỉ là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hóa những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại.

Đúng như tiến sĩ Katalin Kariko, một trong những chủ nhân của Giải thưởng chính VinFuture lần thứ 1, đã nói: Từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu biết hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế".

Với định hướng "Hồi sinh và tái thiết", giải thưởng VinFuture năm 2022, một trong những giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất trên toàn cầu, hướng tới những lĩnh vực khoa học, sáng tạo công nghệ mang đến sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của con người và tạo ra sự phát triển bền vững cho tương lai.

VinFuture 2022: Tôn vinh sứ mệnh khoa học phụng sự nhân loại - Ảnh 2.

Bốn nhà khoa học bắt tay nhau khi nhận Giải thưởng chính của VinFuture 2022 tối 20-12 tại Hà Nội. Tiến sĩ Robert Elliot Kahn vắng mặt vì lý do sức khỏe - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Vinh danh các phát minh vì cộng đồng

Năm nhà khoa học Timothy John Berners-Lee, Robert Elliot Kahn, Vinton Gray Cerf, David Neil Payne và Emmanuel Desurvire đã được trao giải thưởng chính năm 2022 trị giá 3 triệu USD của VinFuture.

Các nhà khoa học được vinh danh vì những công trình nghiên cứu, sáng tạo đã biến Internet và mạng lưới toàn cầu thành hiện thực. Những công trình này thay đổi mãi mãi cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc, đồng thời đặt nền móng cho sự tiến bộ của nền kinh tế - xã hội hiện đại.

World Wide Web, Internet và Internet cáp quang trở thành công cụ giao tiếp thống trị trên toàn thế giới, được hàng tỉ người sử dụng để lấy thông tin, trao đổi và kết nối dễ dàng, biến đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.

Giải thưởng được trao cho Timothy John Berners-Lee, người đã phát minh ra World Wide Web; cho Robert Elliot Kahn và Vinton Gray Cerf, người đã thiết kế ra Internet; David Neil Payne và Emmanuel Desurvire, người phát triển Internet cáp quang, xương sống của mạng viễn thông và Internet.

Ngoài ra, giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trị giá 500.000 USD được trao cho GS Thalappil Pradeep (khoa hóa học, Viện Công nghệ Madras, Ấn Độ) vì đã phát triển hệ thống lọc nước chi phí thấp nhất trên thế giới để loại bỏ asen, chất gây ô nhiễm môi trường khỏi nước ngầm, mang lại cơ hội được sử dụng nước sạch, an toàn cho hàng triệu người.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ trị giá 500.000 USD được trao cho giáo sư Pamela C. Ronald (ĐH California, Davis, Mỹ) vì những đột phá trong việc phát triển các giống lúa năng suất cao chịu được điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là giống lúa chịu ngập nước.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới trị giá 500.000 USD được trao cho Demis Hassabis (phó chủ tịch kỹ thuật tại Google DeepMind), nhà sáng lập Công ty DeepMind,

cho vai trò khởi xướng AlphaFold; John Jumper, nhà nghiên cứu cao cấp của DeepMind, vì đã phát triển AlphaFold - một hệ thống trí tuệ nhân tạo dự đoán chính xác cấu trúc 3D của protein - giúp giải quyết một trong những vấn đề sinh học thách thức nhất là "bài toán cách gấp protein" có ý nghĩa quan trọng đối với cả nghiên cứu cơ bản và điều chế thuốc.

Đây là những công trình được hội đồng giải thưởng lựa chọn từ 970 đề cử đến từ 71 quốc gia, ở cả sáu châu lục trên thế giới. Giáo sư Sir Richard Henry Friend, chủ tịch hội đồng giải thưởng VinFuture, cho biết: Không chỉ tăng về số lượng đề cử, tăng gấp 1,5 lần so với năm đầu tiên, chất lượng các đề cử mùa giải 2022 đều rất tốt.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học khắp thế giới

Một trong những điểm khác biệt nổi bật của VinFuture là tác động lan tỏa toàn cầu và truyền cảm hứng tới cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới. Điều này đã được thể hiện rõ rệt ở mùa giải lần thứ 2. Đó là sự gia tăng của tỉ lệ đối tác đề cử đến từ các nhà khoa học châu Á với 34,6%.

Đặc biệt, tỉ lệ đối tác đề cử đến từ châu Phi lên đến 12,4%, tăng hơn sáu lần so với năm 2021, không chỉ cho thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng, mà còn mang tới cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao về những công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn được khởi tạo từ khoa học và công nghệ.

* Sir TIMOTHY JOHN BERNERS-LEE - Giải thưởng chính: Sinh năm 1955, nhà khoa học máy tính người Anh nổi tiếng với tư cách là nhà phát minh ra World Wide Web. Timothy Berners-Lee đã được vinh danh rộng khắp vì những công trình và sự đóng góp của ông cho web.

* ROBERT ELLIOT KAHN - Giải thưởng chính: Sinh năm 1938, người Mỹ tiên phong trong Internet, kỹ sư và nhà khoa học máy tính, người cùng với Vint Cerf đã phát minh ra giao thức điều khiển truyền dẫn (TCP) và giao thức Internet (IP), tạo nên kiến trúc cơ bản ở trung tâm của Internet.

* VINTON GRAY CERF - Giải thưởng chính: Sinh năm 1943, nhà khoa học máy tính người Mỹ, người được coi là một trong những "cha đẻ của Internet".

* Sir DAVID NEIL PAYNE - Giải thưởng chính: Sinh năm 1944, nhà nghiên cứu tiên phong nổi tiếng quốc tế về quang tử, ông đã hoạt động trong lĩnh vực này hơn 50 năm.

* EMMANUEL DESURVIRE - Giải thưởng chính: Sinh năm 1955, cố vấn khoa học tại Công ty nghiên cứu và công nghệ Thales (TRT) - Pháp sau khi đã dẫn dắt nhóm nghiên cứu này trong liên tiếp năm năm.

* GS Vinton Gray Cerf (một trong những người được vinh danh là "cha đẻ của Internet", đồng tác giả của Giải thưởng chính VinFuture 2022):

Tầm nhìn của Việt Nam với thế giới

VINTON GRAY CERF - 1(Read-Only)

Với Giải thưởng VinFuture, tôi không chỉ ấn tượng về quy mô của giải thưởng mà còn ngạc nhiên về tuyên bố của người Việt Nam thông qua giải thưởng này.

Đó là sẵn sàng ghi nhận những đóng góp từ bên ngoài Việt Nam, dù không phải do người Việt Nam tạo nên. Đó là một thế giới quan mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Đó là tuyên bố nổi bật về góc nhìn của VinFuture đối với công nghệ - khoa học, cũng như phạm vi toàn cầu của nó.

Giải thưởng chính là tuyên bố của Quỹ VinFuture về tầm nhìn đối với thế giới là vinh danh những thành tựu, bất kể xuất phát từ đâu, bất kể ai là người dẫn dắt nên những thành công ấy.

Tuyên bố sứ mệnh của giải thưởng rất tuyệt vời và không phải ai cũng có thể đi theo triết lý này. Theo tôi, đây là một giá trị có sức nặng không kém, và độc lập với giá trị vật chất của giải thưởng. Điều quan trọng hơn cả là giải thưởng đến từ Việt Nam.

* GS Pamela Ronald (người được trao Giải thưởng đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ):

Truyền cảm hứng nông nghiệp bền vững đến giới trẻ

319816735_682373454776_2685239408834617791_n 1(Read-Only)

Đối với tôi, thật đặc biệt khi được đến Việt Nam. Tôi luôn muốn đến đây vì Việt Nam là một vùng trồng lúa rất quan trọng. Đây thực sự là một trải nghiệm đầy hồi hộp với tôi.

Chúng ta cần phát triển những loại cây trồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Một vấn đề sẽ xuất hiện trong tương lai chính là việc phần lớn các cánh đồng có thể bị ngập sâu dưới nước.

Điều đó đặt ra một thách thức rất lớn đối với nông dân ở những khu vực nhiệt đới như Nam Á và Đông Nam Á. Những giống lúa thông thường sẽ chết chỉ sau ba ngày ngập nước. Những giống lúa có thể chống chịu ngập nước trong hai tuần là một khám phá rất quan trọng vì lúa gạo là lương thực thiết yếu cho hơn một nửa dân số thế giới.

Một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta đang phải đối mặt chính là làm thế nào để sản xuất đủ thực phẩm cho loài người nhưng không phá hủy môi trường thêm. Đó là một thách thức rất lớn trong thời đại ngày nay bởi chúng ta sẽ cần phải sử dụng ít đất, nước hơn và ít sử dụng những sản phẩm phục vụ nông nghiệp độc hại hơn.

Cần rất nhiều yếu tố để làm nông nghiệp trở nên bền vững, đặc biệt là vấn đề kinh tế, nhằm đảm bảo người nông dân có đủ khả năng chi trả. Những biện pháp được sử dụng cũng phải thân thiện với môi trường. Chúng tôi thực sự muốn nó có tác động rộng lớn và có lợi đối với xã hội.

Tôi mong muốn truyền cảm hứng về phát triển nông nghiệp bền vững, để từ khóa này trở nên hấp dẫn hơn với giới trẻ thông qua những nỗ lực nhằm làm cho nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn, với sự tham gia của các công nghệ mới.

* TS Emmanuel Desurvire (đồng tác giả của Giải thưởng chính VinFuture 2022):

Tăng cường nhận thức của thế giới với khoa học công nghệ

316717746_1145760242751991_6847217181450182272_n 1(Read-Only)

Giải thưởng VinFuture không chỉ vinh danh các chủ nhân giải thưởng, những người đã góp phần vào những lĩnh vực quan trọng, đóng góp cho nhân loại, mang lại lợi ích, mà còn là góp phần gây sự chú ý, tăng cường nhận thức hơn nữa của thế giới đối với vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển bền vững, tăng cường nhận thức và còn là phương hướng dẫn lối cho chúng ta trong tương lai.

* GS Thalappil Pradeep (người được trao Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển):

Sứ mệnh với nước sạch

GS Thalappil Pradeep 2(Read-Only)

Tôi quyết tâm đảm bảo rằng thế giới an toàn về nước. Điều quan trọng là nó tác động tới tất cả mọi người.

Nước sạch là nhu cầu quan trọng và cơ bản nhất liên quan đến mọi khía cạnh cuộc sống, chẳng hạn như giáo dục, sinh kế, sức khỏe và hạnh phúc. Do đó, bất cứ điều gì chúng tôi làm liên quan đến vấn đề nước sạch đều tác động đến mọi người.

Tôi tin vào công việc tôi đang làm. Tôi tin vào khoa học. Khoa học cho bạn giải pháp. Cả thế giới sẽ không là gì nếu không có khoa học. Khoa học là công việc khó khăn, vì vậy tôi tin vào nó và quyết tâm làm việc chăm chỉ. Chúng tôi muốn cung cấp nước sạch cho mọi vòi nước vào năm 2024.

Đó là một sứ mệnh to lớn. Tuy nhiên, cần làm gì để có một hệ sinh thái nước sạch cho toàn thế giới? Chi phí đó được ước tính là khoảng 50.000 tỉ USD. Nó quá lớn đến nỗi làm thế nào chúng ta có thể có những nguồn tài nguyên như vậy và làm gì trong tương lai gần để đảm bảo rằng nước sạch có sẵn cho tất cả mọi người?

Hôm nay là nước, ngày mai là gạo vì asen trong nước này dẫn đến asen trong gạo, và asen trong gạo sẽ ảnh hưởng đến bạn. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu điều này và phát hiện ra rằng chúng ta có asen trong máu hoặc thứ gì đó khác trong máu, cùng với thuốc trừ sâu và nhiều thứ khác đòi hỏi chúng tôi tiếp tục phải tìm tòi, nghiên cứu ra những công nghệ tiên tiến.

Nhìn từ góc độ rộng hơn, điều này là cần thiết, các quốc gia có thể đầu tư vào điều đó ở mức độ nào tùy thuộc vào nguồn lực của quốc gia và trình độ công nghệ.

Những công nghệ này, về cơ bản dựa trên khoa học, không nên có bất kỳ ranh giới quốc gia nào. Tôi không tin vào hộ chiếu trong khoa học. Không có hộ chiếu cho công nghệ.

THANH HÀ ghi

Các Các 'huyền thoại Internet' thắng giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture 2022

Năm nhà khoa học phát minh và phát triển mạng Internet chính là chủ nhân của Giải thưởng chính, trị giá 3 triệu USD của giải thưởng VinFuture năm 2022, vì những gì họ tạo ra đã làm thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta sống, giao tiếp và làm việc.

THANH HÀ - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên