Read this on Tuoitrenews.vnViệt Nam kiện Mỹ ra WTO
Phóng to |
Thu hoạch tôm sú tại Bạc Liêu - Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ |
Phán quyết đưa ra tại Geneve (Thụy Sĩ) đã ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam trong vụ kiện Mỹ do đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TTXVN, Ban hội thẩm của WTO cho rằng Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 (hay còn gọi là zeroing) để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO. Đây là khiếu kiện trọng tâm của Việt Nam, vì việc sử dụng phương pháp này đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Mức thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với hầu hết nhà xuất khẩu tômViệt Nam được ấn định từ 4,13%- 25,76%.
Theo AFP, Ban hội thẩm cho rằng Mỹ đã “hành động không nhất quán với các điều khoản của Thỏa thuận chống phá giá và GATT" - những thỏa thuận chính của WTO, và Mỹ nên đưa các phương pháp tính phù hợp với hai thỏa thuận trên.
Phương pháp zeroing được Bộ Thương mại Mỹ sử dụng áp cho nhiều loại hàng khác nhau, đã bị nhiều nước chỉ trích, cho rằng không công bằng. Argentina, Brazil, Canada, Ecuador, Liên minh châu Âu, Nhật, Mexico, Hàn Quốc và Thái Lan đều đã thắng trong các vụ kiện Mỹ liên quan tới zeroing ở WTO, và vào tháng 1-2011 Mỹ hứa với các đối tác thương mại là nước này sẽ thay đổi phương pháp.
Tuy nhiên, vào tháng 3-2011 Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã bỏ phiếu tiếp tục thuế nhập khẩu thêm năm năm nữa với tôm từ Thái Lan - nhà cung cấp chính cho Mỹ, cũng như Trung Quốc, Việt Nam, Brazil và Ấn Độ.
Trong phán quyết ngày 11-7, WTO cũng ủng hộ khiếu kiện chính thứ hai của Việt Nam chống lại Mỹ với phán quyết nêu rõ Mỹ sử dụng kết quả tính theo phương pháp quy về 0 để tính mức thuế suất chung trong các đợt rà soát lần 2 và lần 3 là trái với quy định của WTO.
Thuế suất toàn quốc mà Mỹ và các nước áp đặt đối với các doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam và Trung Quốc là mức thuế áp đặt chung cho các doanh nghiệp không đạt các tiêu chuẩn về hoạt động theo kinh tế thị trường mà các nước đề ra. Mức thuế này thường cao hơn rất nhiều so với cách tính thông thường theo quy định của WTO, gây thiệt hại các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ban hội thẩm cũng kết luận việc Mỹ sử dụng những dữ liệu có sẵn để tính thuế suất toàn quốc trong các đợt rà soát lần 2 và lần 3 là trái với quy định của WTO. Tuy nhiên, Ban hội thẩm quyết định việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện, ám chỉ các đợt rà soát lần 4, 5 và rà soát cuối kỳ, không nằm trong phạm vi thảo luận của ban hội thẩm. Đây là một điểm không có lợi cho Việt Nam, vì như vậy sẽ không thay đổi được kết quả rà soát lần 4, 5, đặc biệt là rà soát cuối kỳ.
Theo quy định của WTO, sau phán quyết này của ban hội thẩm, hai bên có thời hạn 60 ngày để kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm của WTO.
TTXVN cho biết theo Hiệp hội Các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các luật sư tư vấn, nếu Việt Nam thắng kiện sẽ mang lại lợi ích to lớn cho khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh Việt Nam trên thị trường Mỹ - do không phải đặt cọc tiền chống bán phá giá, và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do ba lần rà soát liên tục có kết quả 0%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận