![Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ về nhận trở lại công dân bị trục xuất - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/13/tta7031-1-1-17394473262081600983367.jpg)
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng tại họp báo thường kỳ ngày 13-2 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Phối hợp chặt chẽ vấn đề người nhập cư bị trục xuất
Tại họp báo thường kỳ ngày 13-2, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự phối hợp của Việt Nam và Mỹ khi Tổng thống Donald Trump có các biện pháp trục xuất người nhập cư và người phạm tội, trong đó có người Việt Nam, người phát Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói:
"Thời gian qua việc tiếp nhận công dân Việt Nam bị Mỹ trục xuất được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận nhận trở lại công dân đã được ký kết giữa hai nước. Hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng và kịp thời về vấn đề này".
Bà khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ về nhận trở lại công dân trên tinh thần các thỏa thuận đã ký.
Đồng thời mong muốn Mỹ tạo điều kiện cư trú thuận lợi cho công dân Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của Mỹ; góp phần tích cực vào quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ và tạo điều kiện để công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp sở tại và quốc tế.
"Chúng tôi mong muốn phía Mỹ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam tại Mỹ hội nhập và đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng của Mỹ, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ hai nước theo đúng tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện", bà nói.
Tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh
Chính phủ Việt Nam vừa ban hành nghị quyết số 11 về việc miễn thị thực với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh cho công dân ba nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ vào Việt Nam du lịch, không phân biệt loại hộ chiếu, trên cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định pháp luật Việt Nam.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết chính sách này có hiệu lực từ ngày 1-3-2025 và đến hết ngày 31-12-2025. Quyết định này theo khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025.
Cũng theo bà Hằng, trong các buổi hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam khi thăm chính thức Czech, Ba Lan và thăm, làm việc tại Thụy Sĩ, lãnh đạo của các nước này đánh giá rất cao các quyết định trên của Việt Nam.
Tại họp báo, trả lời đề nghị cho biết Việt Nam có đang nghiên cứu miễn thị thực cho công dân của những nước nào khác không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định:
"Chủ trương của Việt Nam là tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt nam, qua đó góp phần phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế xã hội Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, Việt Nam có rất nhiều biện pháp, giải pháp thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nâng cao chất lượng ngành du lịch và tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam.
Các chính sách về thị thực Việt Nam cho người nước ngoài được sửa đổi theo hướng nâng thời hạn và mở rộng điều kiện cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực.
Chính phủ Việt Nam mong muốn thiết lập các cơ chế phù hợp trên cơ sở có đi có lại về xuất nhập cảnh hoặc miễn thị thực song phương với các nước đối tác, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân Việt Nam và người dân của nước đối tác".
Đường sắt kết nối Việt Nam và Trung Quốc có lợi cho cả khu vực
Chiều 13-2, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhận được câu hỏi từ báo nước ngoài, đề nghị cho biết vì sao Việt Nam quyết định làm các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc.
Đáp lại, bà Hằng cho biết việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn này là góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại và là một trong ba đột phá chiến lược phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tăng cường kết nối các nền kinh tế, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, kết nối logistics là đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển trong thời đại mới.
“Các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam và Trung Quốc sau khi hoàn thành sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động giao lưu đi lại của người dân cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch không chỉ giữa hai nước mà còn trong khu vực”, bà Hằng khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận