Những cách chứng minh cư trú, nhân thân hợp pháp nếu bị kiểm tra
Sổ hộ khẩu giấy đã không còn được sử dụng trong các thủ tục hành chính. Vậy khi cơ quan yêu cầu xác minh thông tin cư trú hoặc nhân thân thì cần sử dụng giấy tờ chứng minh nào? Dưới đây là 5 phương thức thay thế cho hộ khẩu giấy
5 cách chứng minh cư trú, nhân thân hợp pháp thay thế xuất trình sổ hộ khẩu
1. Sử dụng thẻ CCCD gắn chip/Thẻ Căn cước
Căn cứ theo Luật Căn cước công dân 2014 và Luật Căn cước 2023 quy định:
- CCCD và Thẻ Căn cước là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của một người (thêm thông tin về nhân thân và sinh trắc học đối với căn cước).
- Khi công dân xuất trình thẻ CCCD/Thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD/Thẻ căn cước.
- Trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.
Do đó, công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip/thẻ căn cước để chứng minh nhân thân và nơi thường trú. Hiện có 3 cách để xác minh thông tin qua CCCD:
- Kiểm tra trực tiếp thông tin trên thẻ: Các thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, nơi thường trú... được in trên bề mặt thẻ.
- Quét mã QR Code trên thẻ: Mã QR chứa đầy đủ thông tin cá nhân, có thể quét bằng ứng dụng trên điện thoại hoặc thiết bị chuyên dụng.
- Khai thác dữ liệu từ chip trên thẻ: Các cơ quan chức năng có thiết bị đọc chip trên CCCD/thẻ Căn cước có thể xác thực thông tin chính xác và đầy đủ.
2. Tra cứu trực tiếp trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư
Để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng cách:
- Bước 1: Công dân truy cập trang web Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.
- Bước 2: Đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử VNeID
- Bước 3: Tại trang chủ, ấn chọn vào tên cá nhân ở góc màn hình, ấn chọn ‘Tra cứu thông tin công dân’.
- Bước 4: Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: Họ tên; Giới tính; Tình trạng hôn nhân; Ngày sinh; Quốc tịch; Dân tộc; Tôn giáo; Nhóm máu; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Nơi ở thường trú; Nơi ở tạm trú; Nơi ở hiện tại; Nơi khai báo tạm vắng; Thông tin gia đình; Thông tin hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
3. Sử dụng ứng dụng VNeID
Để sử dụng VNeID thay thế sổ hộ khẩu và các giấy tờ cá nhân, thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Mở ứng dụng VNeID, đăng nhập bằng tài khoản cá nhân.
- Bước 2: Chọn mục ‘Ví giấy tờ’, sau đó bấm ‘Xuất trình giấy tờ’.
- Bước 3: Nhập mã passcode, sau đó chọn loại giấy tờ cần xuất trình như CCCD, thông tin cư trú, bảo hiểm y tế... . Để chứng minh thông tin cư trú, bạn chọn 'Thông tin cư trú'.
4. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú
Trong trường hợp cần chứng minh nơi cư trú nhưng không có CCCD gắn chip/Thẻ Căn cước hoặc không thể truy cập dữ liệu điện tử, công dân có thể xin Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Có hai cách để yêu cầu cấp giấy này:
- Trực tiếp: Công dân đến cơ quan đăng ký cư trú bất kỳ trên cả nước (không phụ thuộc vào nơi thường trú) để đề nghị cấp giấy xác nhận.
- Trực tuyến: Gửi yêu cầu qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID hoặc dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật
Giấy xác nhận này có giá trị thay thế sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự khi cần xác minh nơi cư trú.
5. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư
Bộ Công an đã cấp Thông báo số định danh cá nhân cho những người chưa có CCCD để sử dụng trong các thủ tục hành chính. Các thông tin trên Thông báo số định danh cá nhân có đầy đủ các thông tin như trên.
Xem thêm: Chú ý cấm đường tại trung tâm TP.HCM từ 31-3, người dân đi lại theo hướng dẫn sau
Xem thêm: Luật sư giải đáp: Có được thuê xe cấp cứu để đi lại, quảng bá sự kiện không?
Xem thêm: Người bị liệt có thể điều khiển cánh tay robot chỉ bằng ý nghĩ thông qua AI?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận