Bộ Công an chỉ ra 7 kiểu lừa đảo trực tuyến nhắm vào người Việt Nam
Trước thực trạng các phương thức lừa đảo trực tuyến càng diễn ra phổ biến và tinh vi. Tại sự kiện tuyên truyền chống lừa đảo của Bộ Công an phối hợp cùng Google đã chỉ ra 7 thủ đoạn lừa đảo mạng phổ biến tại Việt Nam hiện nay.
7 phương thức lừa đảo phổ biến:
1. Mạo danh nhân viên cơ sở giáo dục
Đây là thủ đoạn được ghi nhận nhiều thời gian gần đây. Các đối tượng giả danh giáo viên, cán bộ nhà trường gọi điện hoặc nhắn tin cho phụ huynh, thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu hoặc đang cần đóng học phí gấp, thông báo đủ điều kiện nhận học bổng du học, hoàn học phí...
Chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền gấp để làm thủ tục cấp cứu cho con, chứng minh tài chính để đăng ký học bổng, click vào link để điền thông tin… để trục lợi từ phụ huynh
2. Lừa đảo “thu hồi vốn treo”
Dễ nhận thấy nhất của các đối tượng này là tự xưng công an, hội luật sư, viện kiểm sát liên hệ để giúp lấy lại tiền của người dân bị lừa qua mạng trước đó. Kẻ gian còn giả danh ngân hàng, tổ chức tín dụng, gọi điện thông báo người dân còn “khoản tiền treo” hoặc “tài khoản cũ chưa tất toán”.
Tất cả nhằm mục đích lừa người dùng truy cập vào đường link giả mạo hoặc cung cấp thông tin cá nhân, OTP để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
3. Lừa đảo thanh toán dịch vụ
Tuy không mới, nhưng việc đánh vào tâm lý người dân bằng những lời hù dọa sẽ cắt các dịch vụ quan trọng trong cuộc sống như điện, nước, viễn thông. Các đối tượng giả danh nhân viên điện lực, cấp nước, mạng Internet yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thanh toán gấp. Các đối tượng này thậm chí còn có những website giả mạo được làm giao diện giống gần như thật để tiện cho việc thực hiện lừa đảo.
4. Lừa đảo mua bán và du lịch trực tuyến
Lợi dụng nhu cầu du lịch, hay mua sắm online đối tượng lập các website giả, fanpage rồi rao bán hàng giá rẻ, tour du lịch giá tốt, yêu cầu chuyển khoản đặt cọc; Sau khi nhận tiền, đối tượng chặn liên lạc hoặc biến mất
Đặc biệt thời gian vừa qua, nhiều tổ chức du lịch hay các resort cao cấp cũng bị giả mạo, thậm chí các trang giả mạo còn được cấp tích xanh, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.
5. Lừa đảo mạo danh cơ quan tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án)
Đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, thông báo nạn nhân liên quan đến vụ án hình sự hoặc rửa tiền.
Nạn nhân được thông báo mình bị phong tỏa tài sản, bắt giữ, yêu cầu giữ bí mật; Yêu cầu chuyển toàn bộ tiền vào “tài khoản tạm giữ” để kiểm tra; tạo dựng các giấy tờ, quyết định giả mạo, thậm chí, để tăng độ tin cậy, các đối tượng này còn mặc sắc phục, dựng phông nền giống với nơi làm việc tại các cơ quan thẩm quyền, sau đó video call với nạn nhân.
6. Lừa đảo tình cảm, trục lợi tài chính
Thông qua các ứng dụng mạng xã hội, hẹn hò, các đối tượng lừa đảo kết bạn với nạn nhân, trò chuyện, giả vờ yêu đương, hứa hẹn cưới xin hoặc gửi quà có giá trị từ nước ngoài.
Sau thời gian tạo dựng tình cảm, bịa ra lý do gặp khó khăn, nhờ chuyển tiền giúp đỡ; hoặc giả vờ gửi quà, yêu cầu nạn nhân nộp phí hải quan, thuế; Mục tiêu thường là những người sống một mình, trung niên, dễ tin người.
7. Lừa đảo đầu tư trên nền tảng giả tạo
Lợi dụng tâm lý làm giàu nhanh, đối tượng mời gọi đầu tư vào tiền ảo, chứng khoán, sàn giao dịch ngoại hối… với cam kết lợi nhuận cao.
Dùng ứng dụng hoặc website giả mạo để tạo giao diện đầu tư chuyên nghiệp; Can thiệp vào các thuật toán để nạn nhân được dễ dàng thắng trong giai đoạn đầu, cho nạn nhân rút tiền để tạo niềm tin, sau khi “dính bẫy”, người chơi sẽ nạp tiền nhiều hơn đến khi số tiền đủ lớn, chúng sẽ lấy lý do như bảo trì sàn, báo lỗi giao dịch, gian lận nên khóa tài khoản và yêu cầu tiếp tục nạp tiền để mở khóa. Cứ như thế, nhiều người đã mất số tiền khổng lồ, có khi lên đến hàng tỷ đồng.
Việc đối phó với lừa đảo trực tuyến đòi hỏi sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp công nghệ và ý thức cảnh giác của mỗi người dân. Môi trường số an toàn là nền tảng thiết yếu cho quá trình chuyển đổi số bền vững.
Xem ngay: Đi ngủ cũng bị trừ tiền, cảnh báo ‘giao dịch ma’ bạn cần kiểm tra điện thoại ngay
Xem ngay: Lợi dụng sáp nhập để lừa đảo, chiêu trò mới người dân cần cảnh giác
Xem ngay: Những cách nhận biết các cuộc gọi lừa đảo mà bạn nên biết sớm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận