Đoạn clip cho thấy các tàu du lịch xả nước thải chưa xử lý ra biển được lan truyền trên TikTok - Nguồn: TikTok/tokshopit
Gần đây một video lan truyền trên TikTok cho thấy nhiều tàu du lịch đang xả nước thải chưa qua xử lý ra biển bằng những đường ống khổng lồ.
Video xuất hiện lần đầu vào ngày 19-3-2025 do kênh @tokshopit đăng tải trên TikTok, kèm dòng chú thích "Cái gì đang được thải ra biển?" (What Is being dumped Into the ocean?) - ám chỉ rằng các tàu du lịch đang gây ô nhiễm đại dương nghiêm trọng.
Tính đến ngày 19-5, đoạn video đã thu hút gần 23 triệu lượt xem và hàng trăm ngàn lượt tương tác.
Tuy nhiên theo phân tích của nhiều công cụ phát hiện trí tuệ nhân tạo (AI), video này được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Đoạn video cũng chứa nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy là sản phẩm của AI, như các chi tiết bị trộn lẫn vào nhau và những đặc điểm kỳ quái trên các đường ống.
Công cụ phát hiện nội dung AI - AI Hive - xác định video này có 99,3% khả năng là sản phẩm được tạo bằng AI hoặc công nghệ deepfake.

Công cụ phân tích AI Hive kết luận có đến 99,3% đoạn video được tạo bằng AI hoặc deepfake - Ảnh: LEAD STORIES
Ngoài ra các công cụ phân tích video từ phòng thí nghiệm pháp y truyền thông tại Đại học Buffalo (UB) cũng phát hiện nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy video không có thật.
Phòng thí nghiệm pháp y truyền thông UB là một phòng nghiên cứu liên ngành trực thuộc Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng, đại học tại Buffalo - Đại học Bang New York. Phòng thí nghiệm này trực thuộc bộ môn khoa học máy tính và kỹ thuật, đồng thời có liên kết với Viện Trí tuệ nhân tạo.
Các chuyên gia cũng phát hiện nhiều chi tiết phi lý: một đường ống có lan can nhô ra; ống xả đang chảy xiết bỗng được buộc thêm một tàu nhỏ nào đó; mái vòm radar mọc ra từ một đường ống nổi; và những sợi dây điện, dây cáp được kết nối kỳ lạ không theo quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra có cả một số chi tiết và đường nét trên bầu trời dường như biến hình thành một con tàu có lan can nằm trên nóc những chiếc tàu khác.

Những chi tiết bất thường trên video được các chuyên gia phân tích - Ảnh: LEAD STORIES
Trang kiểm chứng thông tin Les Surligneurs của Pháp cũng đã kiểm tra đoạn video và khẳng định đây là sản phẩm do AI dựng nên, không phải sự thật.
Sự việc một lần nữa cảnh báo người dùng mạng xã hội cần thận trọng với các nội dung hình ảnh, video lan truyền, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ AI phát triển nhanh chóng và ngày càng khó phân biệt thật - giả bằng mắt thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận