05/04/2025 10:46 GMT+7

Vì sao ly hôn tập trung ở thành phố lớn?

Theo báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê vừa được công bố cho thấy TP.HCM có tỉ lệ ly hôn, ly thân cao nhất cả nước với 263.000 người, đứng sau là Hà Nội với hơn 146.000 người.

ly hôn - Ảnh 1.

Tỉ lệ ly hôn ở người trẻ ngày càng gia tăng tại Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vì sao tỉ lệ ly hôn, ly thân lại tập trung ở những thành phố đông dân cư nhất cả nước, nơi có trình độ học vấn cao.

Thời của… vội vã ly hôn

Chị T. (38 tuổi, TP.HCM) chia sẻ chị cùng chồng bằng tuổi, kết hôn sau khi vừa mới học đại học xong.

Sau 3 năm, cả hai sinh được hai cô con gái. Những tưởng cuộc sống vợ chồng mãi hạnh phúc, thế nhưng áp lực cuộc sống, nuôi dạy con cái, chi phí sinh hoạt đội lên khiến cả hai không thể chia sẻ.

Đỉnh điểm, chồng chị T. mất việc làm trong thời gian dài dẫn đến mâu thuẫn ngày càng lớn, không có điểm dừng.

"Càng sống lâu với nhau chúng tôi càng phát hiện bản thân có nhiều điểm không hợp nhau từ chuyện ăn uống đến chăm sóc và nuôi dạy con cái. 

Nhất là khi chồng thất nghiệp, các chi phí sinh hoạt, tiền trả góp nhà liên tục đè lên vai, gánh nặng tiền bạc dẫn đến mâu thuẫn phải ly hôn", chị T. cho hay.

Theo chị T., áp lực kinh tế gia đình chính là mấu chốt khiến hôn nhân không chỉ riêng gia đình chị mà nhiều người quen chị đổ vỡ. Khi áp lực kinh tế đè nặng lên vai một người, rất khó để gồng gánh, nhất là ở những TP lớn chi phí giáo dục, nhà ở, sinh hoạt đắt đỏ.

Còn chị H.Ngọc (40 tuổi, Hà Nội) đã ly hôn 5 năm nay. Chị Ngọc nói cuộc sống hiện đại có rất nhiều vấn đề phát sinh trong gia đình, hôn nhân. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là sự mất kết nối của vợ chồng dần khiến tình cảm đi vào "vực thẳm".

"Cả hai vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng, cuộc sống, kinh tế, con cái đều được coi là mẫu hình lý tưởng. Thế nhưng, ai cũng có những lý tưởng riêng về công việc, những bữa ăn gia đình ít đi, những câu chuyện gia đình chỉ còn xoay quanh việc học của con.

Dần dần cả hai cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, không còn cảm xúc với nửa kia. Chồng tôi cũng phát sinh tình cảm bên ngoài và cuối cùng phải dừng lại cuộc hôn nhân của mình", chị Ngọc bộc bạch.

Vì sao tỉ lệ ly hôn cao?

Năm 2024 tỉ trọng người góa và ly hôn trên toàn quốc tăng khoảng 1,3 điểm phần trăm, tương ứng tăng khoảng 1,3 triệu người.

Theo thống kê, tỉ trọng ly hôn có sự khác biệt theo giới tính, tình trạng "ly hôn" của nữ được tìm thấy luôn cao hơn so với nam cho mọi nhóm tuổi quan sát. Trên phạm vi cả nước, tỉ trọng dân số góa và ly hôn chiếm 9,3% dân số từ 15 tuổi trở lên.

Còn thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân.

Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.

Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Thị Thúy, chuyên gia tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cho rằng hiện nay tỉ lệ ly hôn cao nguyên nhân có phần do áp lực công việc và kinh tế.

Điển hình như khi phí sinh hoạt ngày càng cao khiến các cặp vợ chồng phải làm việc nhiều, dẫn đến thiếu thời gian chăm sóc gia đình. Mối quan hệ vợ chồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không có thời gian cho nhau, chất lượng hôn nhân giảm sút.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội cũng góp phần vào tỉ lệ ly hôn cao. Nhiều người thường ưu tiên dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, trên mạng xã hội, thay vì quan tâm đến gia đình. Do vậy, khiến mối gắn kết vợ chồng khó bền vững.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, thành viên Hội Tâm lý Việt Nam, thứ nhất cặp vợ chồng trẻ ly hôn là do họ thiếu kỹ năng sống.

Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế… và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình.

Người trẻ còn quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân.

Hai là do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái.

Còn một số nguyên nhân khác như: do tư tưởng lạc hậu; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn...

Để gìn giữ gia đình, TS Thúy cho rằng mỗi cá nhân cần cân bằng giữa công việc, hôn nhân gia đình, nhất là coi trọng giá trị của gia đình đối với sự phát triển xã hội.

Các cặp vợ chồng nên suy nghĩ kỹ, tìm giải pháp thay vì vội vã ly hôn, nếu cần hãy gặp các chuyên gia tâm lý tham vấn hôn nhân.

Người trẻ ưu tiên cho sự nghiệp và tự do cá nhân

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tỉ lệ ly hôn/ly thân của TP.HCM có sự gia tăng rõ rệt, trong giai đoạn 10 năm (từ năm 2010: 170.000 người lên hơn 257.000 người vào năm 2020).

Chính điều này phản ánh về thay đổi trong quan điểm hôn nhân và việc thực hiện, vận động chính sách về gia đình hoặc có sự thay đổi trong chính sách ly hôn.

Những năm gần đây, mặc dù có tăng số lượng hộ gia đình nhưng giảm quy mô hộ gia đình, điều này cho thấy xu hướng độc thân và hộ ít người tăng.

Phản ánh sự thay đổi nhận thức xã hội về hôn nhân và gia đình, khi nhiều người trẻ ngày nay càng ưu tiên cho sự nghiệp và tự do cá nhân.

Giai đoạn từ năm 2010 đến 2024, sự bùng nổ của khoa học công nghệ cùng với quá trình đô thị hóa và toàn cầu hóa đã tạo ra sự đa dạng trong cấu trúc gia đình. Các mô hình đơn thân, gia đình đồng giới và các hình thức khác ngày càng trở nên phổ biến.

Hãy nghĩ đến con trẻ khi quyết định ly hôn

Theo TS Hoàng Trung Học - Học viện Quản lý giáo dục, ly hôn của cha mẹ có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Theo nghiên cứu của Amato, trẻ em từ gia đình ly hôn thường trải qua cảm giác trầm cảm và lo âu, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về tâm lý.

Từ phương diện của cha mẹ, hãy chỉ nghĩ đến ly hôn như giải pháp cuối cùng trong việc giải quyết mâu thuẫn, vì ly hôn trong hoàn cảnh nào cũng sẽ để lại những hậu quả tiêu cực cho trẻ em.

Vì sao ly hôn tập trung ở thành phố lớn? - Ảnh 2.Tỉnh nào có số người ly hôn nhiều nhất Việt Nam?

Tỉ lệ ly hôn, ly thân có gia tăng tại Việt Nam những năm gần đây. Trong đó, nam ở độ tuổi 40-44 có tỉ lệ ly hôn, ly thân cao nhất và nữ là từ 40-49 tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên