15/11/2003 09:31 GMT+7

Nghe trình hai dự án luật, một dự thảo nghị quyết

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT (Hà Nội) - Chiều qua 14-11, Quốc hội (QH) lại trở về chương trình làm luật: nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật phá sản doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; nghe tờ trình và dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát năm 2004 của QH.

Dự kiến giám sát 17 nội dung quan trọng

“Năm 2004, ngoài việc giám sát thông qua hình thức xem xét báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và chất vấn tại hai kỳ họp, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2004) QH sẽ nghe Chính phủ và các cơ quan hữu quan báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân từ khi Luật khiếu nại, tố cáo có hiệu lực đến hết quí I năm sau”. Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh đã cho biết như vậy khi đọc dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát năm 2004 của QH.

Theo đó, QH dự kiến giao Ủy ban thường vụ QH, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH và các đoàn đại biểu QH tiến hành giám sát 17 nội dung và báo cáo kết quả với QH. Đáng chú ý là tám vấn đề:

Một, kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về một số công trình quan trọng quốc gia (Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chương trình 5 triệu ha rừng, chương trình khí điện đạm Bà Rịa - Vũng Tàu). Hai, về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Ba, vấn đề thí điểm dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện. Bốn, việc sử dụng và quản lý đất đai trong kế hoạch năm năm (2001-2005). Năm, kết quả sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Sáu, việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách nhà nước và tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài. Bảy, việc thực hiện Hiệp định biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc bộ. Tám, việc thực hiện chế độ cử tuyển, đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số.

Không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật phá sản

“Chín năm qua toàn ngành tòa án chỉ thụ lý có 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp (DN), trong đó chỉ tuyên bố được 46 DN bị phá sản”. Số liệu do chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đưa ra cho thấy: Luật phá sản đã gần như bị... phá sản. Vì thế dự luật sửa đổi lần này không những “làm lại” hầu hết các điều của luật hiện hành mà còn bổ sung mới tới 47 điều.

Thẩm tra dự luật, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Đặng Văn Thanh cho biết: một số ý kiến muốn Luật phá sản “mở ra” cho cả cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. “Ủy ban Kinh tế và ngân sách đề nghị dự luật nên giới hạn phạm vi áp dụng đối với các doanh nghiệp và hợp tác xã. Còn cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh nếu mất khả năng thanh toán thì áp dụng thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế” - ông Thanh nói.

Cần bỏ qui định chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước

Trình QH dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy nhìn nhận thực tế hiện nay vẫn còn nhiều qui định thể hiện sự can thiệp ở mức độ không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động nghiệp vụ của TCTD, làm chậm cơ hội kinh doanh và đôi khi không đảm bảo tính chủ động trong kinh doanh của các TCTD.

“Ủy ban Kinh tế và ngân sách nhất trí với các nội dung sửa đổi để giảm bớt thủ tục phiền hà, không cần thiết trong hoạt động kinh doanh, tạo quyền chủ động cho các TCTD” - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Dương Thu Hương cho hay. Để tạo sự bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế, tiếng nói chung của cơ quan thẩm tra là phải loại bỏ qui định chính sách tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên