Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Thuyên |
Nàng cũng không chú ý tới những kẻ hành khất đang chìa những chiếc đĩa tráng men năn nỉ, những chiếc xe đạp bán cà rem bóp kèn ầm ĩ. Khi người đàn ông đứng sau nàng chạm nhẹ vào lưng nàng và hỏi: “Cô có tiền lẻ đổi không? Hai đồng 10 xu Mỹ lấy 20 naira” thì nàng mới giật mình. Nàng nhìn ông ta chòng chọc mất một lúc, để kịp tập trung đầu óc, để nhớ lại xem nàng đang ở đâu, trước khi nàng lắc đầu và đáp “Không”.
Bầu không khí quanh nàng nặng trĩu bởi cái nóng ẩm ướt, bởi những con ruồi kêu vù vù và những nỗi lo âu. Bầu không khí ấy đè nặng lên đầu nàng, khiến nàng khó giữ cho trí nhớ của nàng trống rỗng. Giữ cho ký ức trống rỗng tới mức tối đa là phương cách duy nhất giúp nàng giữ được sự minh mẫn - hôm qua bác sĩ Balogun nói với nàng như vậy. Bác sĩ từ chối không cho nàng thêm bất kỳ thuốc an thần nào vì nàng cần tới sự tỉnh táo trong cuộc phỏng vấn xin thị thực nhập cảnh.
Giữ cho trí nhớ trống rỗng - dễ nói quá! Cứ như thể việc đó ở trong khả năng của nàng, như thể chính nàng đã rước vào đầu mình hình ảnh thân thể bụ bẫm của Nnamdi bị nát bấy, hình ảnh vết đỏ loang lổ trên ngực thằng bé - đỏ đến độ nàng suýt bật cười và bảo nó đừng có nghịch dầu cọ nàng cất trong bếp. Nhưng thằng bé không thể với tới cái giá nơi nàng cất những thứ dầu ăn và gia vị, nó cũng không thể vặn nắp cái chai nhựa đựng dầu cọ. Nnamdi mới lên ba tuổi.
Người đàn ông phía sau khẽ chạm lưng nàng lần nữa. Giật mình quay người lại, nàng suýt nữa hét lên vì cơn đau buốt chạy dọc sống lưng. Cơ khớp bị trật, bác sĩ Balogun nói, vẻ mặt kinh hãi của ông khiến nàng hiểu rằng sau cú nhảy từ trên bancông xuống, đối với nàng chẳng có cái gì có thể gọi là nghiêm trọng.
- Xem tên lính kia đang làm gì kìa - người đàn ông sau lưng nàng vừa nói vừa chỉ.
Nàng chậm rãi xoay cả người để nhìn sang bên kia con phố. Một tên lính đang vung roi đánh một người đàn ông đeo kính, sợi roi da dài xoắn lại trong không khí trước khi quất xuống cơ thể người đàn ông nọ. Một đám đông nhỏ xúm xít. Ngọn roi đập vào mặt hay vào cổ người đàn ông - nàng không chắc vì ông ta giơ cả hai tay lên như để che chắn mình khỏi sợi roi. Nàng thấy cặp kính của ông ta tuột ra và rơi xuống đất. Nàng thấy gót chiếc giày ống của tên lính giận dữ nghiền nát cái gọng bằng nhựa, đôi tròng kính nhuộm màu trà.
- Bọn lính này quen coi người ta như trâu ngựa còn chúng là những kẻ chăn dắt - người đàn ông phía sau nàng nói.
Nàng biết ông ta đang tự hỏi có điều gì không ổn với nàng, tại sao nàng không bắt chuyện với ai trong hàng, tại sao nàng để mặc bầy ruồi bu lên mái tóc mà không thèm đuổi, tại sao hai tay nàng khư khư co trước ngực. Những người đứng xếp hàng ở đây trở nên thân tình với nhau nhờ những lời than thở về những chuyện khó chịu mà họ từng trải qua.
|
- Nhìn mặt ông ta kìa, bị roi cắt trông sợ quá - người đàn ông phía sau nàng nói.
Nàng không nhìn vì nàng biết máu chắc chắn có màu đỏ tươi, giống màu dầu cọ mới ép. Thay vào đó, nàng ngước mắt nhìn những đám đông trên phố Eleke Crescent - một con phố ngoằn ngoèo như bao con phố khác trong khu Victoria Island sang trọng của Lagos, nơi các tòa nhà sứ quán với những bãi cỏ tươi tốt trong khuôn viên được xây thành hàng.
Ngày hôm qua, nàng chôn con nàng trong nghĩa trang Ikoyi và cả ngày của nàng trôi qua trong sự bao bọc của những người bạn mà bây giờ nàng không nhớ nổi họ là những ai. Ngày hôm kia, giấu chồng trong cốp xe, nàng đánh chiếc Peugeot 504 đưa anh tới nhà một người bạn của anh nhờ ông bí mật đưa chồng nàng ra khỏi đất nước.
Trước đó một ngày, cuộc sống của nàng diễn ra bình thường. Trong lúc lái xe từ trường tiểu học nơi nàng dạy về nhà, nàng khẽ hát theo một ca khúc của Majek Faskek đang được phát qua radio. Nếu một trong những lão thầy bói - cánh này hay gõ cửa các xe hơi đậu trên đường phố Lagos với hi vọng múa mép kiếm 10 naira - nói cho nàng biết rằng trong vòng hai ngày nữa nàng sẽ phải chạy trốn sang Mỹ thì nàng sẽ cười phá lên.
- Xem người ta nài xin bọn lính kìa - người đàn ông đứng sau nàng lại lên tiếng - Dân ta đâm ra đã quá quen thói nài xin bọn chúng
Nàng muốn ông ta im miệng lại. Những lời lẽ của ông ta khiến nàng càng khó giữ cho trí nhớ trống rỗng, thoát khỏi Nnamdi. Nàng nhìn qua bên kia phố lần nữa: tên lính đang bỏ đi nhưng thậm chí từ chỗ đang đứng nàng vẫn có thể nhìn thấy ánh mắt trừng trừng đầy trịch thượng trên mặt hắn - ánh mắt trừng trừng của một kẻ đã trưởng thành đủ khả năng, nếu hắn muốn, dùng roi đánh đập một người trưởng thành khác. Không biết nàng đang tưởng tượng hay đó chính là ánh mắt trừng trừng của một trong những kẻ cách nay hai đêm đã phá cửa sau xông vào nhà nàng?
- Thằng chồng mày đâu? Nó đâu? - Chúng phá toang các tủ quần áo trong hai căn phòng, thậm chí lục soát các ngăn kéo. Lẽ ra lúc đó nàng nên nói với chúng rằng chồng nàng cao hơn mét tám nên anh không thể trốn trong ngăn kéo. Ba gã đàn ông đó mặc đồ đen. Người chúng bốc ra mùi rượu, mùi súp hồ tiêu. Sau này, khi ôm cơ thể cứng đờ của Nnamdi, nàng hiểu rằng trong đời nàng sẽ không bao giờ có thể nếm qua món súp hồ tiêu được nữa.
- Chồng mày trốn đâu? Nó đâu? - Chúng dí súng vào đầu nàng, còn nàng đáp: “Tôi không biết. Anh ấy mới đi hôm qua”. Nàng vẫn đứng yên, bất chấp dòng nước âm ấm chảy nhỏ giọt xuống theo hai ống chân nàng.
Một gã trong bọn chúng, cái gã đội mũ bêrê xanh lá cây và bốc mùi rượu sặc sụa nhất, có cặp mắt đỏ như lửa. Thét lác to mồm nhất bọn, hắn vung chân đá chiếc máy truyền hình, xé vụn đống giấy tờ để trên bàn - những bài kiểm tra của học trò mà nàng đang chấm điểm.
- Mày biết bài báo thằng chồng mày viết chứ? Mày biết nó là thằng nói láo hay không? Mày có biết rằng những thằng như nó đáng phải ngồi tù vì chúng làm loạn, vì chúng không muốn nước Nigeria này tiến bộ?
Hắn ngồi xuống chiếc ghế bành - chỗ chồng nàng thường ngồi xem chương trình tin tức buổi tối - rồi kéo nàng ngồi lên đùi hắn, tay hắn thộp lấy vú trái của nàng: “Một con đàn bà đẹp. Tại sao mày lại đi lấy một thằng phiến loạn?”. Nàng kinh hãi vì bàn tay cứng ngắc của hắn. Ngửi mùi men chua chua trong hơi thở của hắn, nàng cố nín thở để khỏi ói mửa.
- Để nó đấy - một gã khác có cái nốt ruồi trắng trên má trông như hột trái cây nói - Chúng ta đi thôi.
Nàng đứng dậy khỏi chiếc ghế bành. Vẫn ngồi trên ghế, gã đội mũ bêrê xanh phát mạnh mông nàng. Nnamdi khóc ré lên và chạy về phía mẹ. Gã đàn ông vừa khua khẩu súng lục vừa cười nham nhở chê vú nàng nhão quá. Nnamdi thét thất thanh - chưa bao giờ Nnamdi thét thất thanh khi nó khóc, nó không phải là đứa trẻ như vậy. Rồi súng nổ và một vệt dầu cọ loang lổ xuất hiện trên ngực Nnamdi.
- Cô nếm thử cam ở đây đi - người đàn ông đứng phía sau nàng nói và chìa bao nhựa đựng sáu trái cam đã lột vỏ mời nàng. Nàng không để ý ông ta mua chúng lúc nào.
- Cảm ơn ông - nàng lắc đầu.
- Cô cứ cầm lấy một trái, tôi thấy suốt buổi sáng nay cô chưa ăn gì.
- Không, xin cảm ơn - nàng đáp và lắc đầu lần nữa. Cơn đau vẫn âm ỉ đâu đó, trong khoảng giữa hai mắt nàng. Làm như cú nhảy của nàng từ bancông xuống đã đánh bật cái gì đó trong đầu nàng ra khỏi vị trí của nó và bây giờ nó đang khua lách cách làm nàng đau đớn.
Ba gã đàn ông mãi to tiếng cãi nhau cách che giấu sự thật, còn nàng vẫn cố tin, dù chỉ trong chốc lát, rằng tiếng nổ mới đây không phải là tiếng súng lục của gã đàn ông nọ. Có lẽ đó là tiếng sấm rì rầm thường xuất hiện vào đầu mùa gió Harmattan. Còn vết đỏ loang lổ thực ra là dầu cọ do Nnamdi, không biết bằng cách nào, đánh đổ lên ngực. Rồi những tiếng cãi cọ của ba gã đàn ông kéo nàng trở về thực tại, khiến nàng đứng chết lặng: Đây là một tai nạn. Ý mày là sao? Mày nghĩ con đàn bà đó sẽ nói với mọi người rằng đây là một tai nạn? Oga đâu có ra lệnh chúng ta làm việc này. Ôi, một thằng nhóc! Chúng ta sẽ phải khử con mẹ đó. Phải đấy. Đừng. Mụ sẽ kể ráo mọi chuyện, nhưng nếu chúng ta xử mụ, chẳng còn ai nữa mà kể. Không nên. Làm thôi.
Nàng lao qua chiếc mùng khiến nó rách toang và chạy ra phía bancông. Trong nháy mắt nàng đã ở bên ngoài cánh cửa nàng mở từ trước để hứng lấy ít khí trời ban đêm. Một lúc lâu sau, nghe tiếng xe jeep rồ máy bỏ chạy, nàng lần theo cầu thang lên gác, người còn bốc mùi lá chuối thối rữa trong thùng rác mà nàng rơi lọt vào. Nàng ôm thân thể Nnamdi trong lòng, áp má nàng vào lồng ngực bất động của thằng bé. Nàng chợt nhận ra rằng chưa bao giờ nàng cảm thấy hổ thẹn đến thế. Nàng đã không bảo vệ được con mình.
- Cô lo lắng về cuộc phỏng vấn hả? - người đàn ông đứng sau nàng hỏi.
Nàng nhún vai, nhẹ thôi, để hai vai nàng không bị đau, và cố rặn một nụ cười trống rỗng.
- Tôi cũng hồi hộp. Nhưng cô nhớ nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn khi người ấy hỏi cô. Thậm chí nếu cô có lỡ nói sai cũng đừng sửa lại, họ sẽ cho là cô nói dối. Tôi có nhiều người bạn bị họ từ chối cấp thị thực chỉ vì những lý do nhỏ nhặt.
Nàng quay người, dời ánh mắt khỏi người đàn ông để tránh đôi mắt sốt sắng của ông ta, để tránh những lời nói có dụng ý giúp đỡ nhưng thật ra lại đang thiêu đốt nàng. Tiếng nói của ông ta giống hệt tiếng nói của những người đã ở bên nàng để giúp nàng chôn cất Nnamdi, y như giọng của những người đã chở nàng tới sứ quán, không khác gì giọng của những người đã giúp chồng nàng chạy trốn - những giọng nói quen thuộc của những người mà nàng không còn nhớ họ là ai.
Nhớ nhìn vào mắt nhân viên cấp thị thực - những giọng nói đó từng khuyên nàng như vậy. Đừng ngập ngừng, hãy kể hết cho họ nghe mọi chuyện về Nnamdi, nhưng đừng nói quá lên, bởi vì ngày nào cũng có người bịa ra cái chết của những người thân không hề có trên đời hòng xin tị nạn. Hãy chứng tỏ Nnamdi là có thật. Nhớ khóc nhé. Cứ như thể người ta đang dạy nàng những qui tắc nói chuyện với Thượng đế vậy.
- Cô nộp đơn xin nhập cư hay đi du lịch? - người đàn ông hỏi.
- Xin tị nạn - nàng đáp nhưng không nhìn mặt ông ta. Tuy nhiên, nàng cảm nhận được sự ngạc nhiên của ông ta.
- Tị nạn? Khó chứng minh đấy.
Nàng tự hỏi ông ta có đọc tờ Nước Nigeria Mới hay không, ông ta có biết chồng nàng hay không. Bất cứ người nào ủng hộ báo chí dân chủ đều biết chồng nàng, biết anh dũng cảm ra sao, biết rằng bốn năm trước anh đã viết một bài báo về những kẻ vận chuyển cocain cho “Thủ lĩnh quốc gia”. Những tên lính chở tất cả các bản in của số báo hôm đó đi trên một chiếc xe tải màu đen. Nhưng những bản sao chụp bằng một cách nào đó xuất hiện và lưu hành khắp Lagos, cuối cùng chúng được dán lên những bức tường, những cây cầu, cạnh những tấm apphích quảng cáo cho các cuộc lạc quyên của nhà thờ hay những bộ phim mới phát hành.
Bọn lính giam giữ chồng nàng một tuần, đánh anh bằng báng súng toác da trán, tới bây giờ anh vẫn còn sẹo hình chữ L. Lúc đó nàng đã cấn thai, anh sợ nàng vì lo lắng mà để mất đứa bé nên anh ngưng viết báo và chấp nhận chân giảng viên tạm thời tại Đại học Lagos cho tới khi Nnamdi chào đời. Tuy vậy, thời kỳ đó nàng không quá lo lắng, kể cả khi bí thư Liên minh Dân chủ - một người quen của chồng nàng - bị bắn chết trong xe hơi của ông ta. Có cái gì đó ngoan cường toát ra từ chồng nàng, từ đôi vai vuông vức của anh, từ đôi mắt giễu cợt và cái miệng như đang mỉm cười.
Thậm chí nàng cũng không lo lắng nhiều lắm về bài báo cuối cùng của anh trong đó liệt kê 45 cái tên của những người đã bị giết theo lệnh của “Thủ lĩnh quốc gia”. Có lẽ chúng sẽ đóng cửa tờ báo. Có thể chúng sẽ nhốt anh ít ngày. Tất cả những cái đó sẽ qua đi. Người Nigeria sẽ làm như không biết gì về những vụ mất tích, về những người bị quăng xuống Đại Tây Dương, về những cái huyệt đào vội được rảy nước kiềm để xác người mau rữa.
Nhưng chỉ một ngày sau khi báo ra, Đài BBC đưa bài báo vào chương trình thời sự và phỏng vấn một người Nigeria lưu vong. Vị giáo sư môn chính trị này nói chồng nàng xứng đáng được trao giải thưởng nhân quyền. “Bằng ngòi bút ông ấy đấu tranh chống lại sự đàn áp. Ông ấy nói thay cho những người không nói được, ông cho cả thế giới biết sự thật ở Nigeria”. Những lời lẽ đó làm người nàng tràn ngập cảm giác xấu hổ đến tê cóng, khiến nàng giận dữ - hệt như khi người ta chỉ bảo nàng cách nói chuyện với Thượng đế ở trong sứ quán Mỹ.
Chồng nàng cố giấu nàng nỗi lo sợ của anh khi thấy bài báo gây to chuyện. Nhưng tối đó, sau một cú điện thoại nặc danh được gọi tới, anh không nén nổi sự sợ hãi và để mặc cho nàng thấy hai tay anh run rẩy. “Thủ lĩnh quốc gia” nổi cơn giận dữ, người gọi điện nói với anh như vậy. Bọn lính đang trên đường tới bắt anh. Theo lời của người này, đây có thể là lần cuối cùng anh bị bắt giam, anh sẽ không bao giờ được trở về nhà.
Chỉ vài phút sau cú điện thoại, chồng nàng trèo vào trong cốp xe hơi, nhằm mục đích để những người gác cổng có thể thật thà khai báo, nếu họ bị tra hỏi, rằng họ không biết chồng nàng trốn đi vào lúc nào. Mặc chồng thúc hối, nàng tranh thủ rảy nước vào cốp xe, không hiểu sao nhưng nàng cho rằng như thế sẽ mát hơn, anh sẽ dễ thở hơn. Nàng lái xe đưa chồng tới nhà của vị đồng chủ bút tờ báo nơi anh làm việc.
Ngày hôm sau, từ Togo anh gọi điện về cho nàng. Vị đồng chủ bút kia có những người quen và họ đã bí mật đưa anh trốn qua biên giới. Thị thực nhập cảnh vào Mỹ của anh vẫn còn hiệu lực. Nàng dặn anh đừng lo lắng, nàng và Nnamdi sẽ ổn, nàng sẽ xin thị thực khi học kỳ kết thúc, chỉ còn ba tuần nữa thôi họ sẽ đoàn tụ với nhau ở nước Mỹ.
Đêm đó Nnamdi bồn chồn không ngủ được và nàng để mặc nó thức chơi với những chiếc xe hơi đồ chơi trong lúc nàng ngồi bên bàn ăn sửa bài tập của học trò. Khi ba gã đàn ông xông vào nhà qua cửa bếp, nàng đâm hối tiếc là đã không ép Nnamdi đi ngủ.
- Khối người nộp đơn xin thị thực nhập cảnh nhưng không được - người đàn ông đứng sau nàng nói. Hình như ông ta nói không nghỉ từ nãy tới giờ.
- Ông có đọc báo Nước Nigeria Mới không?
- Có. Sao, cô muốn mua báo à? Những người bán rong có lẽ còn báo đấy.
- Không. Tôi chỉ hỏi thế thôi.
- Tờ báo cô vừa nhắc tới đọc được lắm. Hai vị chủ bút là những người nước Nigeria chúng ta đang cần. Họ mạo hiểm mạng sống của mình để hằng tuần nói cho chúng ta biết sự thật. Những người dũng cảm!
- Như thế gọi là dũng cảm? - nàng quay cả người lại để nhìn vào mắt ông ta.
- Tất nhiên. Đâu có phải bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể làm được chuyện đó.
Người đàn ông nhìn nàng một lúc lâu bằng ánh mắt thẳng thắn và ngờ vực. Dường như ông ta đang ự hỏi không biết nàng có phải là người biện hộ cho chính phủ, là một trong những người chỉ trích phong trào đòi dân chủ, là người khăng khăng cho rằng ở Nigeria chỉ có chế độ quân sự mới có thể làm việc hữu hiệu.
Nàng quay mặt đi. Cơ ở lưng nàng co giật, mồ hôi đọng lại dưới vú nàng thành những vũng nhỏ. Ông ta đâu biết nàng không phải là người biện hộ cho chính phủ, cũng không phải là người ủng hộ dân chủ. Nàng chẳng là cái gì hết, mặc dù không phải lúc nào nàng cũng như vậy. Nàng đã từng là một phụ nữ khao khát có đứa con, đã từng gặp hàng lô bác sĩ trị vô sinh để xin thăm khám, đã từng mừng rỡ phát điên khi nghe rằng nàng có thể sẽ có một cơ hội: một đứa con.
Đứng không, nàng hết theo dõi những kẻ hành khất lượn lờ dọc hàng người chờ sứ quán mở cửa, lại ngắm nghía những đám đông xúm xít trên phố. Một cặp vợ chồng mù dò dẫm theo bước đứa con gái đang dắt họ, mấy cái mề đay Đức mẹ Maria ban phước lành màu xanh da trời treo lủng lẳng dưới cổ áo rách bươm.
Nàng tiến về phía vợ chồng mù, thò tay vào túi xách mò tìm một tờ giấy 20 naira. Khi nàng thả tờ bạc vào cái tô, vợ chồng mù cất giọng trầm bổng cầu nguyện, thoạt tiên bằng tiếng Anh bồi, sau đó bằng tiếng Igbo, rồi tiếng Yoruba:
- Xin Chúa ban phước lành cho bà. Bà sẽ có tiền. Bà sẽ có một người chồng tốt. Bà sẽ có việc làm.
Nhìn theo gia đình mù dắt nhau đi, nàng gượng đau đưa tay lên quệt nước mắt. Vợ chồng mù nọ không nói với nàng “Bà sẽ có nhiều đứa con khỏe mạnh”. Thế mà nàng đã nghe thấy họ nói câu đó với một người đàn bà khác ở phía trước hàng.
Hai cánh cửa tòa đại sứ lúc lắc mở ra, một người đàn ông mặc đồng phục màu nâu hô lớn:
- Năm chục người xếp hàng đầu tiên. Mời vào điền mẫu giấy tờ. Tất cả những người còn lại xin quay trở lại vào ngày mai. Hôm nay sứ quán chỉ có thể tiếp năm chục người.
- Chúng ta may quá - người đàn ông sau lưng nàng nói.
Nàng quan sát viên chức phỏng vấn đang ngồi phía sau tấm kính lạnh lẽo, ngắm nghía mái tóc vàng hoe mềm rũ đang cạ vào cái cổ có ngấn, theo dõi đôi mắt xanh nhìn qua phía trên cái gọng màu bạc - làm như đôi mắt kính đâm thừa - để săm soi mớ giấy tờ của nàng.
- Bà có thể nói lại lần nữa không? Bà chưa cho tôi biết chi tiết nào cả - viên chức phỏng vấn nói với một nụ cười khuyến khích.
Nàng quay mặt đi trong giây lát và nhìn sang bên cạnh. Một người phụ nữ mặc chiếc áo choàng rộng màu xanh nước biển nhạt tì sát vào tấm kiếng, với vẻ cung kính như thể bà ta đang cầu xin viên chức phỏng vấn. Giá như nàng được chết trước khi kể lể về Nnamdi với người đang phỏng vấn nàng hoặc bất kỳ người nào của sứ quán Mỹ. Trước khi nàng rao bán Nnamdi lấy tấm vé an toàn cho bản thân.
Con trai nàng bị người ta giết, đó là toàn bộ những gì nàng sẽ kể. Bị giết. Chỉ có thế thôi. Không đả động một lời tới tiếng cười tí tách như bọt rượu vang của thằng bé, tới cách nó ngọng nghịu gọi kẹo và bánh qui là “kiki”. Không nhắc tới chuyện nó ôm ghì lấy cổ nàng mỗi khi nàng bồng nó lên, hay chuyện chồng nàng tiên đoán lớn lên thằng bé sẽ làm họa sĩ vì nó không chịu ráp những mảnh Lego thành khối mà sắp chúng thành từng mảng màu riêng biệt trên sàn nhà. Họ không xứng đáng biết những chuyện này.
- Bà nói do chính phủ...?
Không phải chính phủ. Chính phủ là một cái nhãn lớn quá lớn, nó cho người ta không gian để lươn lẹo, để bào chữa và đổ trách nhiệm. Chỉ là ba gã đàn ông.
- Vâng. Họ là nhân viên chính phủ - nàng đáp.
- Bà chứng minh được chứ? Bà có chứng cớ nào không?
- Có. Nhưng tôi đã chôn nó hôm qua. Xác con tôi ấy.
- Thưa bà, tôi rất buồn về chuyện con trai bà. Tôi hình dung được nỗi đau mất con - viên chức phỏng vấn nói và bà ta chậm rãi lắc đầu - Nhưng tôi cần bà cung cấp vài chứng cớ cho thấy trong vụ này có bàn tay chính phủ. Ở đây có những cuộc giao tranh giữa các bộ tộc, có các vụ ám sát cá nhân. Tôi cần một số chứng cứ về sự dính líu của chính phủ và tôi cần chứng cớ cho thấy bà sẽ bị nguy hiểm nếu bà ở lại Nigeria.
Nàng ngó đôi môi tô son hồng đã phai màu đang chuyển động theo câu nói để lộ những chiếc răng nhỏ xíu. Cặp môi lợt màu son trên bộ mặt lạnh lùng phủ đầy tàn nhang. Một bộ mặt đang quan tâm tới nàng theo cái cách tưởng là sâu nhưng té ra nông cạn. Một bộ mặt mà nàng có thể thuyết phục để kiếm cho mình một con dấu thị thực nhập cảnh Mỹ nếu nàng nói nhiều hơn, nếu nàng chịu duỗi hai cánh tay co quắp, nếu nàng kể lể về chồng mình, về Nnamdi, và nếu nàng chịu khóc lóc.
- Thằng bé lên ba tuổi - nàng thốt lên.
- Thưa bà, tôi muốn giúp bà. Bà cũng phải giúp tôi, tôi mới giúp bà được. Bà cần kể chi tiết hơn.
Bất chợt, nàng bị thôi thúc bởi ý nghĩ muốn hỏi nữ viên chức phỏng vấn: Liệu những bài báo trên tờ Nước Nigeria Mới có xứng đáng để đổi lấy sinh mạng của một đứa trẻ? Những gì chồng nàng đã làm có thực là sự dũng cảm hay chỉ là một sự liều lĩnh tầm thường? Nhưng rồi nàng im lặng. Nàng hoài nghi. Chắc gì viên chức phỏng vấn nàng biết đến những tờ báo thân với phe đòi dân chủ. Chắc gì bà ta biết tới dòng người mệt mỏi bên ngoài cổng sứ quán - dòng người dài được bao bọc bởi hàng rào cảnh sát, nơi ánh nắng mặt trời chói chang tạo nên cả tình bạn lẫn những vấn đề hắc búa, thậm chí nỗi tuyệt vọng.
- Bà nghe tôi nói chứ? Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tạo cơ hội cho nạn nhân của các vụ truy bức chính trị có một cuộc sống mới, tuy nhiên cần phải chứng minh...
Một cuộc sống mới. Nàng muốn trồng hoa ixora trong nghĩa trang Ikoyi, thứ hoa có cuống giống cây kim khâu mỏng manh mà hồi bé nàng thường mút lấy mật. Một cây là đủ - nấm mồ của con trai nàng nhỏ quá. Khi cây trổ hoa mời gọi lũ ong kéo tới, nàng sẽ ngắt một nắm hoa, ngồi bệt xuống đất và bỏ chúng vào miệng mút. Rồi sau đó nàng sẽ xếp những bông hoa vừa mút cạnh nhau hệt như Nnamdi từng làm với những miếng xếp hình Lego của nó. Cuộc sống mới mà nàng ước ao là như thế.
- Bà có nghe tôi nói không? Thưa bà?
Không rõ là nàng tưởng tượng hay thật sự là mối thương cảm đang tan khỏi gương mặt của viên chức phỏng vấn nàng. Nàng thấy bà ta hất mạnh mái tóc màu vàng rộm như trái bắp ra phía sau mặc dầu nó chẳng quấy rầy gì bà ta. Lặng lẽ, món tóc nằm lại trên cổ bà ta, tạo đường viền bao lấy bộ mặt trắng nhợt. Tương lai của nàng được phó thác cho gương mặt đó. Một gương mặt không hiểu gì về nàng, một khuôn mặt có lẽ chưa bao giờ nấu ăn bằng dầu cọ hoặc không hề biết rằng dầu cọ mới ép có màu đỏ thắm, khi không còn tươi sẽ đông lại thành những cục lổn nhổn màu cam.
Nàng từ từ quay người và hướng ra cửa.
- Bà...? - nàng nghe sau lưng tiếng viên chức phỏng vấn - Nếu bà quyết bỏ đi bây giờ, ngày mai bà sẽ phải nộp đơn lại từ đầu và chờ một cuộc phỏng vấn khác đấy.
Nàng không quay lại. Bước ra khỏi sứ quán Mỹ, nàng mặc đám người ăn xin vẫn đang lượn lờ qua lại với những chiếc đĩa tráng men trong tay, và bước vào xe hơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận