Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Nhật ký Mùa hè xanh"
Phóng to |
Các thí sinh tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sáng 1-11-2003 - Ảnh: Q.Linh |
Chiến sĩ “mẹ” và chiến sĩ “con”
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật đáng yêu. Con lẳng lặng gửi bài thi trước khi lên đường đi chiến dịch, mẹ “không biết con có kịp thi không nên mẹ gửi bài thi hộ vậy”. Và hai mẹ con đã xuất hiện trên cùng một số báo. Hôm nay, hai mẹ con lại dắt tay nhau cùng bước lên nhận chung giải khuyến khích của cuộc thi với chùm bài “Con: Đến với một học kỳ xanh; Mẹ: Mùa hè của con trai tôi”.
Đó là trường hợp khá đặc biệt của chiến sĩ Phan Cao Vinh (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) và mẹ - cô Nguyễn Thị Huyền Ngân.
Bài viết là những cảm xúc được chính “cậu bé” Vinh mang từ Bến Tre về sau chiến dịch Mùa hè xanh 2001 qua sự cảm nhận của một người mẹ luôn dõi theo con mình qua từng hoạt động. Cô Ngân bảo: “Hầu như chưa hoạt động nào có con tham gia mà mình lại không theo cùng”. Bởi với cô: “Ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ nên phải sống sao cho đừng hoài phí tuổi trẻ của mình”...
Đinh Phương Thảo đã không nén được xúc động khi nhắc đến người cha trong bài viết của mình. “Ba, tôi và bốn mùa chiến dịch” đoạt giải ba cuộc thi đã như một món quà Thảo dành tặng riêng ba.
Cô cựu SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày ấy vẫn chưa quên cái cảm giác của lần trốn nhà đi chiến dịch tại vùng biên giới Tây Nam năm nào. Tới mặt trận, Thảo mới gọi điện báo cho gia đình biết mình tham gia Mùa hè xanh. Và không chỉ dõi theo, ba trở thành người đồng hành cùng Thảo với mỗi mùa chiến dịch.
Ngay trong lễ kết nạp Đảng của Thảo, người “chỉ rõ những khiếm khuyết cần khắc phục và giao nhiệm vụ khó khăn nhất” cho đảng viên mới không phải chi bộ mà chính là... người cha kính yêu của Thảo.
Với yêu cầu bài viết tối đa không quá 1.000 chữ, cuộc thi “Nhật ký Mùa hè xanh” diễn ra từ 14-7 đến 30-9-2003 đã nhận được 86 bài dự thi của các đối tượng là HSSV, quí phụ huynh, thầy cô giáo gửi về tham dự. Ban tổ chức đã trao một giải nhất, một giải nhì, hai giải ba và ba giải khuyến khích. |
Một mùa hè mà ở đó mỗi bạn trẻ đều cho rằng mình đã khám phá một cách phong phú cảm xúc của “lần đầu tiên”. Lần đầu tiên họ được nhìn ngắm, được trải qua, được chạm vào để thấy cuộc đời này rộng lớn.
Gương mặt đoạt giải nhất cuộc thi - Lương Ngọc Tiên, cựu SV Trường CĐ Hải quan - kể rằng mình viết bài “Đất” trong bốn giờ liền, viết khi kết thúc chiến dịch trở về thành phố; mùa hè nơi cao nguyên xa xôi đó, kỳ lạ thay, lại làm cô nhận ra trong mình một tình yêu mới mẻ dành cho chính thành phố mà cô đang sống.
Chàng “công tử” Phạm Duy Phúc - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giải nhì với “Những ngôi sao mùa hè” - kể về lần đầu tiên đi xa để biết thế nào là cây kơnia, là hoa dã quì vàng. Những ánh sao của Phúc là ký ức về những ngôi sao của một đêm trung thu chưa từng có mà Phúc cùng đồng đội đã mang đến cho trẻ thơ Gia Lai, trong những cảm xúc tuổi trẻ lung linh đó, mỗi một SV tình nguyện đã biết cách để trở thành những ánh sao trên bầu trời rộng.
Phúc tự dưng biết làm thơ “tuôn trào”, thành “biên tập viên” bản tin hằng ngày của đội, bạn còn viết “chính luận” tựa đề “Con sâu” để phê bình một chỉ huy chiến dịch tại địa phương luôn “chỉ tay năm ngón” và kết quả chỉ huy ấy bị khiển trách. Sau Mùa hè xanh ấy, Phúc trở thành người tiên phong trong nhiều hoạt động xã hội khác. Tháng 5-2003, Phúc đã vinh dự được kết nạp Đảng - như một ghi nhận cho sự trưởng thành từ những mùa hè tình nguyện.
Cuộc thi khép lại, Mùa hè xanh cũng đã khép lại, nhưng sẽ tiếp tục mở ra những chân trời mới. Anh Dương Thành Truyền - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cũng tin như thế: “Mỗi người trong đời hãy dấn thân để sống với một cảm xúc lớn lao, để khám phá ý nghĩa của cuộc sống và nhận diện được chính bản thân mình...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận