29/04/2025 11:42 GMT+7

Tương đồng kinh tế, chung văn hóa, Long An sáp nhập Tây Ninh có GRDP hơn 312.000 tỉ

Ngày 29-4, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Long An khóa X đã thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính Long An và tỉnh Tây Ninh, trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của hai tỉnh.

Long An - Ảnh 1.

Hai tỉnh Tây Ninh và Long An đều đang ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Trong ảnh phía bên trái là khu công nghiệp thuộc tỉnh Tây Ninh, bên phải là cánh đồng lúa tỉnh Long An. Ở giữa có cầu Tây Long trên đường Hồ Chí Minh sắp bắc qua ranh giới hai tỉnh - Ảnh: SƠN LÂM

Theo đề án, Long An và Tây Ninh đều từng là một phần của phủ Gia Định, quá trình hình thành và phát triển cả hai đều trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính.

Điểm chung của cả hai tỉnh là đều nằm gần biên giới Campuchia, giữ vai trò là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á qua đường bộ.

Với vị trí trung gian giữa vùng cao nguyên và vùng đồng bằng, địa hình của Tây Ninh và Long An tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa, cây công nghiệp và chăn nuôi. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, góp phần tạo nên điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cơ cấu kinh tế tương đồng

Cả hai đều có tỉ lệ nông, lâm, ngư nghiệp đạt trên 15%. Tỉ lệ công nghiệp, xây dựng đạt trên 45%. Tỉ lệ dịch vụ đạt trên 26%.

Khi thành lập, tỉnh mới có đường biên giới dài gần 373km, sẽ là tiền đề thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp lớn cũng như thế mạnh về sản xuất và chế biến nông sản như cao su, điều, hồ tiêu.

Trong những năm qua, cả hai tỉnh đều có sự vươn mình mạnh mẽ trong nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, mang tiềm năng kinh tế lớn và những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch.

Hiện hai tỉnh có địa giới giáp ranh có chiều dài khoảng 33,5km (Tây Ninh các huyện giáp ranh là Bến Cầu, Trảng Bàng; Long An có các huyện giáp ranh là Đức Huệ, Đức Hòa). Trong những năm qua, cả hai tỉnh đều quan tâm đến việc đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh.

Các tuyến đường như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825 đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Tây Ninh với các huyện Đức Hòa, Bến Lức của Long An, giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa các khu công nghiệp của hai địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Tính trong năm 2024, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) chung cả hai tỉnh là hơn 312.000 tỉ đồng (Long An hơn 188.000 tỉ, Tây Ninh hơn 123.000 tỉ). Tổng thu ngân sách gần 40.000 tỉ đồng (Long An hơn 26.000 tỉ, Tây Ninh hơn 13.000 tỉ).

Đều mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ

Điều này thể hiện qua các giá trị như tính hào sảng, nghĩa tình, gắn kết cộng đồng và tinh thần tự do, cởi mở. Đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật truyền thống Nam Bộ - hiện diện đậm nét ở cả Tây Ninh và Long An, được xem như linh hồn trong sinh hoạt văn hóa dân gian.

Bên cạnh đó cả hai địa phương đều có tín ngưỡng dân gian phong phú, cùng tồn tại đa dạng các tôn giáo như Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, trong đó đạo Cao Đài phát triển mạnh ở Tây Ninh nhưng cũng có cộng đồng tín đồ lớn ở Long An.

Hiện tại cả hai tỉnh đều chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, việc duy trì 2 đơn vị hành chính riêng biệt dẫn đến làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng của các địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn.

Việc Long An và Tây Ninh là hai tỉnh có cơ cấu kinh tế tương đồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh nhau và cùng là tỉnh biên giới giáp với Campuchia, khi sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tên gọi mới sau sáp nhập là tỉnh Tây Ninh, diện tích tự nhiên 8.536,44km2, quy mô dân số 3.254.170 người. Dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 82 xã. Trong đó có 19 xã biên giới giáp Campuchia.

Nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới tại TP Tân An, Long An hiện nay. Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.

Đồng thời bố trí số lượng hợp lý cán bộ, công chức làm việc tại TP Tây Ninh (hiện là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Tây Ninh - cơ sở 2) để bảo đảm công tác quản lý tại các địa bàn của tỉnh Tây Ninh hiện nay và giảm bớt khó khăn việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu hợp nhất.

Tương đồng kinh tế, chung văn hóa, Long An sáp nhập Tây Ninh có GRDP hơn 312.000 tỉ - Ảnh 5.Vành đai kinh tế Tây Ninh - Long An hiện ra sao trước khi chốt phương án sáp nhập?

Theo quy hoạch của Long An, sẽ có hàng loạt đường mở mới trong khu vực giáp ranh tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2050, đây sẽ là vùng sôi động chuyển tiếp từ TP.HCM đến Campuchia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên