
Không đơn thuần chỉ là một tờ báo được cả gia đình tôi yêu thích, Tuổi Trẻ là một phần không thể thiếu trong bức tranh tuổi thơ và cả hành trình trưởng thành của tôi - Ảnh LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Ký ức đầu tiên về Tuổi Trẻ là những buổi sáng tinh mơ ở căn nhà cấp bốn nhỏ xíu ven sông, những năm đầu thập niên 90. Khi ấy tôi 7 tuổi, thường thức giấc bởi tiếng xe đạp của chú đưa báo lách cách dừng trước cổng.
Bà tôi bao giờ cũng là người ra đón tờ báo đầu tiên. Bà đọc báo chậm rãi, đôi ngón tay nhăn nheo lần theo từng dòng chữ.
Mùi mực in và tiếng lật từng trang báo
"Bà ơi, lại có chuyện gì mới trên báo phải không ạ?" - tôi bi bô hỏi, dụi dụi mắt. Bà mỉm cười hiền hậu, đặt tờ báo lên bàn gỗ sờn màu, nơi ánh nắng sớm từ khung cửa sổ nhỏ hắt vào, rắc những hạt bụi vàng óng.
"Hôm nay có chuyện con gà mái nhà bà Tám đẻ trứng vàng đó con!" - bà trêu, rồi nghiêm giọng hơn: "Mà có bài báo nói về các bạn nhỏ miền núi khao khát được đi học mà còn khó khăn lắm. Con thấy mình sướng hơn nhiều không?".
Những câu chuyện bà kể từ trang báo, từ tin tức về các em nhỏ vùng sâu vùng xa đến những phong trào Kế hoạch nhỏ được Tuổi Trẻ tường thuật, đã len lỏi vào tâm hồn non nớt, gieo mầm trong tôi về lòng trắc ẩn và sự sẻ chia.
Nếu bà là người gieo những hạt mầm đầu tiên của lòng nhân ái, thì chính cha tôi - một cựu chiến binh lại là người đã biến tờ Tuổi Trẻ thành một "diễn đàn" sôi nổi.
Ông thường ngồi cạnh cửa sổ, bên chén trà nóng, đôi khi lẩm bẩm: "Vụ này Tuổi Trẻ phân tích sâu ghê".
Khi đọc đến một bài báo về những dự án công nghiệp, ông hạ tờ báo xuống, ánh mắt lấp lánh nhìn tôi: "Con biết không, Tuổi Trẻ viết về nhà máy mới xây này này. Nó sẽ mang lại bao nhiêu việc làm và thay đổi cho bà con mình đó. Bố đang mong một ngày được đóng góp vào những công trình lớn như thế".
Giọng cha tôi tràn đầy niềm say mê và khao khát được cống hiến, gieo vào lòng tôi hạt giống của sự tò mò về thế giới xung quanh, về những chuyển động của xã hội, những điều lớn lao mà một con người có thể làm được.
Ông thường nói: "Đọc Tuổi Trẻ để hiểu đất nước mình đang đi đâu, về đâu. Để biết mình phải học hành, phải làm việc thế nào cho xứng đáng".
Có những buổi sau bữa cơm tối, tôi thấy cha trải tờ Tuổi Trẻ ra sàn nhà, khoanh tròn những đoạn ông tâm đắc, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện về những công trình kiến trúc vượt thời gian, về những con người thầm lặng cống hiến cho đất nước…
Tất cả âm thầm vẽ nên trong tôi một bức tranh rực rỡ về lao động, về sự sáng tạo và niềm tự hào dân tộc.
Tuổi Trẻ định hình lý tưởng cho năm tháng học trò
Năm 1999, cả thế giới rộn ràng chuẩn bị cho khoảnh khắc chuyển giao thiên niên kỷ mới. Khắp nơi đều nói về "Y2K", về sự bùng nổ của Internet, tin tức tràn ngập trên Tuổi Trẻ.
Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi những loạt bài chuyên sâu về kỷ nguyên số, về tầm ảnh hưởng của công nghệ thông tin và vai trò của Internet trong tương lai, về một thế giới phẳng hơn đang mở ra.
Tôi đọc đi đọc lại những bài viết ấy, ngỡ ngàng trước những điều mà trước đó chỉ nằm trong mấy cuốn truyện khoa học viễn tưởng.
Trong một buổi sinh hoạt lớp, thầy giáo chủ nhiệm hỏi: "Các em có bao giờ nghĩ đến nghề nghiệp của mình sau này không?". Tôi ngập ngừng giơ tay: "Em muốn làm một người có thể kết nối mọi người lại với nhau, như những người đã xây dựng "nhịp cầu" công nghệ thông tin trên báo Tuổi Trẻ ạ!".
Cả lớp bật cười, nhưng ánh mắt thầy giáo nhìn tôi đầy khích lệ. Những bài viết ấy, và vô vàn những bài khác về khoa học, giáo dục, những tấm gương thanh niên vượt khó đã thắp lên trong tôi khao khát được khám phá và cống hiến cho những điều đẹp đẽ.
Hết lớp 12, tôi không theo con đường công nghệ thông tin, nhưng vẫn trở thành "người có thể kết nối mọi người lại với nhau" qua con đường văn chương, báo chí.
Tôi chọn thi vào Phân viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội (nay là Học viện) cũng bởi những điều thú vị được khơi nguồn từ trang báo Tuổi Trẻ đồng hành dọc dài theo năm tháng tuổi thơ.
Năm 2008 tôi ra trường, bước vào guồng quay của cuộc sống và công việc với nhiều áp lực. Có lần, vô tình đọc được một bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ về hành trình khởi nghiệp đầy chông gai của một bạn cùng thế hệ 8X, tôi nhớ mãi câu nói của nhân vật: "Cứ vấp ngã đi, đó chính là lúc ta tìm thấy lối đi mới".
Thông điệp ấy như một "liều doping tinh thần" giúp tôi đứng dậy, tìm kiếm giải pháp mới cho công việc của mình.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, và Tuổi Trẻ vẫn ở đó, không chỉ trên trang giấy, trên màn hình, hay qua những podcast, mà còn vẹn nguyên trong trái tim tôi.
Từng trang viết tôi cộng tác với nhiều chuyên mục như: Tổ ấm, Sống tử tế, Nhịp sống trẻ, Giáo dục, Bạn đọc… không chỉ là niềm hạnh phúc khi được cùng Tuổi Trẻ lan tỏa những năng lượng tích cực đến cộng đồng, mà hơn tất cả là niềm tin gửi gắm nơi một tờ báo uy tín, đúng như quan điểm "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" mà cố nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ.
Cảm ơn Tuổi Trẻ 50 năm phụng sự bạn đọc, luôn là tiếng nói chân thực, nhân văn giữa dòng chảy thông tin hỗn độn. Và trong tôi, Tuổi Trẻ mãi là một phần đời khó phai, một báu vật tinh thần sẽ được tôi kể lại cho các thế hệ sau.

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận