![Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 1. Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/thue-san-tmdt-17393236430832026006418.jpg)
Từ ngày 1-4 tới, sàn thương mại điện tử và nền tảng số sẽ kê khai và nộp thuế thay người bán hàng cá nhân và hộ kinh doanh - Ảnh: TikTok cung cấp
Thế nhưng trước "giờ G", cơ quan thuế đã rà soát và phát hiện đến 300.000 gian hàng chưa tìm được chủ. Vấn đề được dư luận quan tâm là cơ quan thuế sẽ có công cụ gì để đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế như chỉ thị mới nhất của Thủ tướng.
Số thu thuế tỉ lệ nghịch với tốc độ tăng doanh thu
Bộ Tài chính cho hay thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng rất mạnh mẽ trong mấy năm gần đây.
Năm 2022 doanh thu thị trường TMĐT mới đạt 16,4 tỉ USD, nhưng đến năm 2023 đã tăng lên 20,5 tỉ USD và đạt 25 tỉ USD trong năm 2024. Dự báo quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỉ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là số thu thuế TMĐT không tỉ lệ thuận với tốc độ tăng doanh thu. Tổng số thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường TMĐT và tỉ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024.
"Điều này cho thấy nhiều người kinh doanh chưa thực hiện việc kê khai, nộp thuế đối với doanh thu từ hoạt động TMĐT.
Nhưng từ 1-4, sàn TMĐT và nền tảng số sẽ kê khai và nộp thuế thay người bán hàng là hộ và cá nhân kinh doanh. Nên số thu thuế từ TMĐT được dự báo sẽ tăng đáng kể, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh", Bộ Tài chính cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) - cho biết cơ quan thuế đã cơ bản định danh chính xác được người nộp thuế là tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT. Hiện có 435 sàn TMĐT cung cấp thông tin của 725.000 tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế.
Ngoài ra còn cơ sở dữ liệu của các cơ quan khác như Bộ Công an là dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Công Thương là dữ liệu của gần 1.000 sàn TMĐT; ngân hàng thương mại với 165 triệu tài khoản; Bộ Thông tin và Truyền thông là 130 tổ chức viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình.
Ông Vũ Mạnh Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội - chia sẻ ngành thuế đã kết hợp được dữ liệu của các ngành công an, bảo hiểm, ngân hàng... để khớp đúng 7,7 triệu mã số thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây là kho cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" để Cục Thuế TP Hà Nội nâng cao công tác quản lý thuế trên địa bàn.
![Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 2. Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/qdmuahangonline-17393237363621405869527.jpg)
Thị trường TMĐT tăng trưởng rất mạnh mẽ trong mấy năm gần đây, nhưng điều nghịch lý là số thu thuế TMĐT không tỉ lệ thuận với tốc độ tăng doanh thu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều KOL chưa kê khai và nộp thuế
Về quản lý thuế TMĐT, Cục Thuế TP Hà Nội cho hay đã có cơ sở dữ liệu hoàn thiện, định danh, định vị chính xác 626.768 gian hàng tương ứng với 437.210 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn TMĐT.
Đồng thời, cơ quan thuế cũng lập được danh bạ và sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT đối với 82.930 tổ chức, cá nhân với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn TMĐT... Nhờ đó, số thu thuế TMĐT trên địa bàn Hà Nội đạt 42.000 tỉ đồng, tăng hơn 10.000 tỉ đồng so với năm 2023.
Về tổng thể, theo Tổng cục Thuế, qua thống kê theo dữ liệu của 435 sàn TMĐT thì có hơn 300.000 cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT với số thu thuế năm 2024 ước đạt khoảng 2.500 tỉ đồng. Con số này rất thấp, bằng khoảng 2% so với tổng số thu từ TMĐT cả năm 2024 với 116.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế, hiện có đối tượng kinh doanh mới là các cá nhân là người ảnh hưởng lớn (KOL - Key Opinion Leader) trong xã hội, kinh doanh trên các sàn TMĐT, nền tảng số. Được biết nhiều KOL livestream quảng cáo bán hàng hóa, dịch vụ và có doanh thu hàng chục tỉ đồng mà chưa kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Tại TP.HCM, theo dữ liệu khai thác số lượng người nộp thuế thuộc Cục Thuế TP.HCM quản lý có hoạt động TMĐT là 58.264 người nộp thuế, trong đó có 12.959 doanh nghiệp và 45.305 hộ, cá nhân kinh doanh với tổng giá trị giao dịch thành công là 28.700 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cho hay đã thực hiện rà soát 100% các doanh nghiệp kinh doanh trên các sàn TMĐT thuộc Cục Thuế quản lý và phát hiện chỉ 28% số hộ, cá nhân kinh doanh có đăng ký thuế (tương đương với con số tuyệt đối là 12.765 hộ, cá nhân kinh doanh).
Nơi này cũng triển khai kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề TMĐT đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Trong năm 2024, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 4.119 tổ chức và cá nhân, tổng số thuế truy thu và phạt tăng qua công tác kiểm tra là 256,4 tỉ đồng - tăng 17% so với số thuế truy thu và phạt năm 2023.
![Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 3. Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/do-hoa-1739324003857697615725.jpg)
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Kiểm tra đột xuất các sàn chưa cung cấp thông tin
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề xuất từ 1-4, sàn TMĐT sẽ khai và nộp thuế thay hộ, cá nhân bán hàng trên sàn và nền tảng số. Bộ Tài chính giải thích đây là thực hiện quy định của Luật số 56 vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 11-2024.
Và tại một số nước như Trung Quốc, Anh, Mỹ, Úc, Đức... đã triển khai các biện pháp để thu thuế doanh thu thông qua các sàn TMĐT.
Các sàn TMĐT lớn nhất trên thế giới như eBay, Amazon, Bestbuy... hiện đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế giá trị gia tăng) đối với từng đơn hàng, sau đó nộp vào ngân sách thay cho người bán trên sàn của mình.
Khi người mua đặt hàng, số thuế tạm tính sẽ được cộng vào tiền thanh toán. Số thuế này sẽ được xác định chính xác tại email xác nhận đơn hàng gửi đến cho người mua.
Bộ Tài chính đánh giá quy định này sẽ giúp giảm thời gian thực hiện kê khai, nộp thuế của hơn 300.000 cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh TMĐT. Đồng thời, số thu từ hoạt động TMĐT từ các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT và nền tảng số sẽ tăng. Ước tính số tiền thuế thu được sẽ tăng thêm nghìn tỉ đồng trên doanh số 70.000 tỉ đồng của 300.000 gian hàng chưa định danh được người bán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm trên thực tế một số sàn TMĐT không có chức năng thanh toán.
Thêm nữa, có nhiều cá nhân vừa kinh doanh trên sàn TMĐT vừa kinh doanh qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... Nên để thuận tiện cho việc kê khai và nộp thuế, hộ và cá nhân kinh doanh cần truy cập cổng thông tin TMĐT để tự kê khai và nộp thuế.
Trong khi đó, Cục Thuế TP.HCM cho biết đang tham mưu UBND TP.HCM và Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế thuộc UBND TP.HCM để xây dựng cơ chế phối hợp chung với các sở ngành trong công tác quản lý thuế TMĐT.
Nơi này cũng tiếp tục rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu và làm giàu cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Ngoài phối hợp trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin dữ liệu giữa các sở, ngành và các cơ quan liên quan trên địa bàn; tăng cường tập huấn chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm cho các công chức thuế trong công tác thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động TMĐT, Cục Thuế TP.HCM cũng cử công chức thuế phối hợp với các sàn TMĐT trên địa bàn hướng dẫn các cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT đăng ký thuế và kê khai nộp thuế theo đúng quy định.
Với các đối tượng xóa link livestream, Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế để làm việc với các sàn TMĐT lớn như Shopee, TikTok... để lấy danh sách các nhà cung cấp thực hiện các phiên livestream với số doanh thu lớn để kiểm tra tính tuân thủ pháp luật thuế của các đơn vị livestream và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tiếp thị liên kết.
Đồng thời sẽ chỉ đạo các phòng thanh tra - kiểm tra và các chi cục thuế thực hiện việc thanh tra kiểm tra đột xuất đối với các sàn TMĐT chưa thực hiện cung cấp thông tin theo quy định.
Chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM, đề nghị xác minh thông tin về tài khoản của các đối tượng tham gia kinh doanh trên nền tảng kinh tế số của các cá nhân trong nước có cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như tiếp thị quảng cáo trực tuyến, sản xuất các nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm... có phát sinh nhận tiền, doanh thu từ các tổ chức nước ngoài như Google, Apple, YouTube, Facebook, Netflix, Spotify AB...
![Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/do-hoa-2-17393240882901037077005.jpg)
![Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 5. Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 5.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/qdmuahangonlinetiktok-17393241576712003244020.jpg)
Livestream bán quần áo trên TikTok - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xóa đường link livestream để "xóa dấu vết"
Theo Cục Thuế TP.HCM, hiện nay hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... đang thành xu hướng kinh doanh mới.
Tuy nhiên, nhiều phiên livestream diễn ra tự phát và kết thúc nhanh chóng, khi xong là người kinh doanh xóa đường link livestream để xóa dấu vết. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý xác định thông tin của đơn vị livestream và giá trị hàng hóa giao dịch qua phiên livestream.
Với các cá nhân cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số có thu nhập từ quảng cáo, bản quyền và phần mềm, cũng rất khó cho cơ quan thuế xác định thông tin vì trên các app (Apple store và CH Play) chỉ hiển thị tên của nhà phát triển sản phẩm mà không có thông tin cụ thể và quốc gia của nhà phát triển đó.
Một hộ kinh doanh tự kê khai và nộp thuế 11,5 tỉ đồng
Cục Thuế TP.HCM cho biết nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ, các hộ và cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT đang dần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế, điển hình là một hộ kinh doanh do Chi cục Thuế quận 1 quản lý đã tự kê khai và nộp 11,5 tỉ đồng (tổng số thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) từ thu nhập từ dịch vụ số.
Bên cạnh đó, có 13 hộ kinh doanh bán hàng trên các sàn TMĐT do các chi cục thuế khác quản lý tự đến kê khai và nộp trên 1 tỉ đồng (tiền thuế, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp) trong năm 2024.
Kiến nghị hướng xử lý đối với các cá nhân, hộ kinh doanh chây ì
![Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 6. Từ việc 300.000 gian hàng online chưa tìm được chủ: Làm sao thu đủ, thu đúng thuế? - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/cuc-thue-tp-17393238340341211235875.jpg)
Người dân đến làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Hiện Cục Thuế TP.HCM quản lý 503 sàn TMĐT theo danh sách của Bộ Công Thương và đã thực hiện rà soát được 241 doanh nghiệp (chiếm 48%), trong đó số lượng công ty đã cung cấp thông tin là 162 doanh nghiệp (chiếm 32%).
Có 117 doanh nghiệp chấp nhận kế hoạch rà soát (47%) và 124 doanh nghiệp không chấp nhận (53%).
Trong đó các lý do không chấp nhận là bỏ điểm, nghỉ kinh doanh, giải thể phá sản là 81 đơn vị (65%), sàn tự doanh là 14 đơn vị (11%), có kinh doanh nhưng chưa hoạt động là 21 đơn vị (17%), còn lại lý do khác.
Cục Thuế TP.HCM cho hay đang gặp khó khăn trong quá trình xác định người nộp thuế kinh doanh trên sàn vì hiện tại dữ liệu từ các sàn TMĐT cung cấp cho cơ quan thuế chưa đầy đủ thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Ngoài ra cơ quan thuế cũng khó khăn trong việc xử lý các đối tượng, các cá nhân chưa thực hiện đăng ký thuế. Khi cơ quan thuế gửi thông báo về việc giải trình, bổ sung thông tin hồ sơ thuế lần 1 và lần 2 cũng không lên làm việc tại trụ sở cơ quan thuế.
Do vậy, Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị Tổng cục Thuế ban hành công văn nêu rõ hướng xử lý đối với các cá nhân, hộ kinh doanh đã được cơ quan thuế gửi thông báo giải trình, bổ sung thông tin hồ sơ thuế lần 1 và lần 2 nhưng không lên làm việc để thực hiện thống nhất giữa các cơ quan thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận