Trước thềm họp khẩn, Thủ tướng Đức tuyên bố 'châu Âu phải thẳng lưng'

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra bình luận trước thềm cuộc họp khẩn của lãnh đạo châu Âu tại Paris, trong bối cảnh các nước trong khu vực còn ngập ngừng quan điểm cho các vấn đề tại Ukraine.

Trước thềm họp khẩn, Thủ tướng Đức tuyên bố 'châu Âu phải thẳng lưng' - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) khi ông đến dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu về Ukraine và an ninh châu Âu tại Điện Elysee ở Paris (Pháp) ngày 17-2 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, vào khoảng 16h ngày 17-2 (giờ Paris), lãnh đạo của nhiều quốc gia châu Âu đã có mặt tại Điện Elysee cho cuộc họp khẩn về vấn đề Ukraine. Tuy vậy, các nước tham gia đã đưa ra nhiều quan điểm khác biệt trước thềm cuộc họp.

Ngập ngừng chuyện gửi quân đến Ukraine

Ngày 17-2, trước thềm cuộc họp khẩn của châu Âu về vấn đề Ukraine, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết Đức sẽ không ngần ngại đóng góp bộ binh trên chiến trường Ukraine, nếu một khuôn khổ cho động thái này được đưa ra.

"Nếu có một khuôn khổ, Đức sẽ không né tránh", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức nói trong một cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về khả năng Berlin sẽ gửi quân đến Ukraine.

Tuy vậy, người này cũng nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để bàn về đóng góp chính xác của Đức.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trong cùng ngày thẳng thừng tuyên bố Ba Lan sẽ không gửi quân đến Ukraine. Ông Tusk cũng sẽ tham dự cuộc họp khẩn của các lãnh đạo châu Âu ở Paris.

"Ba Lan sẽ hỗ trợ Ukraine như đã làm cho đến nay: về mặt tổ chức, phù hợp với khả năng tài chính của chúng tôi, và về mặt viện trợ nhân đạo và quân sự", ông Tusk nói với các phóng viên trước khi lên máy bay đến Paris.

"Chúng tôi không có kế hoạch gửi quân Ba Lan đến lãnh thổ Ukraine. Nhưng chúng tôi sẽ có các hỗ trợ về mặt chính trị và hậu cần cho những quốc gia có thể muốn thực hiện các đảm bảo như vậy trong tương lai", ông Tusk nói thêm.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cũng "giội gáo nước lạnh" đối với đề xuất của Anh về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine.

"Hiện tại vẫn còn quá sớm để bàn về việc triển khai quân đến Ukraine, vì hiện chưa có hòa bình", ông Albares trả lời báo giới.

Trước đó hôm 16-2, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố sẵn sàng cử quân đội Anh tới Ukraine, như một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình sau chiến tranh.

Châu Âu phải 'thẳng lưng'

Trong bối cảnh Mỹ không còn tìm kiếm sự tham gia của châu Âu cho vấn đề Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17-2 tuyên bố ông muốn thấy một châu Âu mạnh mẽ và có chủ quyền, trước thềm hội nghị tại Paris.

"Chúng ta phải đảm bảo rằng châu Âu vượt qua những thách thức trong tương lai theo cách mạnh mẽ và tự chủ, trong tư thế thẳng lưng", ông Scholz phát biểu.

Cả Nga và Mỹ đều xác nhận sẽ có cuộc gặp cấp cao giữa hai bên tại Saudi Arabia vào ngày 18-2. Về quan điểm của Nga trước cuộc hội đàm với Washington, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định ông không thấy có lý do gì để châu Âu tham gia vào các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine.

Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết về việc Ukraine không biết gì về cuộc hội đàm Nga - Mỹ, và không được mời tham gia.

Thủ tướng Đức: Châu Âu phải 'thẳng lưng' - Ảnh 3.Nga, Ukraine tấn công qua lại dữ dội trước thềm đàm phán

Chỉ trong một đêm, Ukraine dùng UAV tấn công dữ dội vùng biên giới Belgorod của Nga. Ngược lại, Nga cũng dùng tới hàng trăm UAV tấn công Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên