09/04/2016 08:58 GMT+7

Trung Quốc lại nói ngang ngược

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN ([email protected])

TTO - Bất chấp những phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và những quan ngại của thế giới, Bắc Kinh tiếp tục diễn giải các hành vi chèn ép trên Biển Đông theo cách nghĩ của mình.

Tàu cá Trung Quốc thường đi thành đoàn để tranh cướp nguồn hải sản - Ảnh: AFP
Tàu cá Trung Quốc thường đi thành đoàn để tranh cướp nguồn hải sản - Ảnh: AFP

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu phản đối vào ngày 7-4

Ngày 8-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng giàn khoan của họ đang thăm dò bình thường ở khu vực vịnh Bắc bộ. Đây là một động thái chối bỏ việc Việt Nam vừa yêu cầu Bắc Kinh hủy kế hoạch khoan giếng thăm dò và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực mà hai nước đang đàm phán phân định.

Giăng bẫy pháp lý

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng hoạt động khoan thăm dò đang thực hiện trong các vùng biển không tranh chấp của Trung Quốc.

“Đó là hoạt động thăm dò thương mại bình thường. Chúng tôi hi vọng bên liên quan hãy có quan điểm khách quan và có lý lẽ về vấn đề trên” - người phát ngôn ngoại giao này nói.

Tuy nhiên, ông Hồng lại nhập nhằng không nêu cụ thể giàn khoan này đang hoạt động ở vị trí nào trong khu vực. Ngoài ra, ông Hồng còn nói rằng việc cho vận hành hải đăng ở đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là chuyện của Trung Quốc!

Người phát ngôn của Trung Quốc còn biện hộ rằng ngọn hải đăng trên được xây dựng nhằm cải thiện an toàn hàng hải cho tất cả các bên sử dụng ở Biển Đông.

Về vấn đề giàn khoan hoạt động ở khu vực mà hai nước đang đàm phán phân định, tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới của Chính phủ - nhận định: “Với cự ly khoảng cách của vị trí này thì có thể thấy đây là vị trí được Trung Quốc tính toán, lựa chọn khá kỹ, để một mặt dễ bề áp đặt quan điểm có lợi cho mình trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc bộ và mặt khác, để giăng bẫy pháp lý nhằm giành sự mặc nhiên thừa nhận việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) khi đưa ra yêu sách phi lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm của Việt Nam từ năm 1974”.

Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định: “Với những gì diễn ra trong năm nay cho thấy Trung Quốc đang cùng lúc thực hiện các mũi tiến công khác nhau nhằm đạt được chiến lược độc chiếm Biển Đông về địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - quân sự, địa - kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, để che giấu các hoạt động sử dụng vũ lực, đẩy mạnh chủ trương quân sự hóa Biển Đông, dường như Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động nhằm vào yếu tố địa - kinh tế.

Đó cũng là nội hàm chủ yếu của mưu đồ độc chiếm Biển Đông với 3 mục tiêu cốt lõi: tranh giành nguồn tài nguyên dầu khí, khống chế tuyến đường hàng hải, vơ vét tài nguyên sinh vật. Suy cho cùng, có lẽ đó cũng chính là mũi tiến công có hiệu quả nhất trong cuộc chiến tranh giành vị thế siêu cường trên biển mà Trung Quốc đã bài binh bố trận để triển khai chiến lược độc chiếm Biển Đông”.

Tranh chấp nguồn hải sản

Trong khi đó tạp chí Foreign Policy vừa có bài bình luận cho rằng Biển Đông hiện nay không chỉ đang nóng về tranh chấp chủ quyền, nguồn dầu khí dưới biển mà còn cả vì những tranh chấp nguồn hải sản. Hay nói khác hơn, tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực giờ đây không chỉ là việc phô diễn tàu chiến, pháo hạm mà là cuộc chiến giữa các tàu cá với nhau.

Giới chỉ huy quân sự của Mỹ cũng đang quan ngại về tình trạng leo thang ở Biển Đông. Phản ứng trước những tranh chấp về đánh bắt cá cũng như những tranh chấp khác ở Biển Đông, Washington đã lặp lại lời kêu gọi Bắc Kinh từ bỏ những hành vi ép buộc nước khác cũng như cảnh báo về việc nước này đang quân sự hóa ở Biển Đông.

Giới chuyên gia cho rằng số tàu cá của Trung Quốc hiện nay không chỉ giúp cung cấp nguồn cá cho hơn 1,3 tỉ người của nước này mà chúng còn được giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng như loại vũ khí địa - chính trị, phục vụ âm mưu chiếm hữu và kiểm soát từng bãi cạn, dù là nhỏ nhất ở Biển Đông.

Chính vì thế, Bắc Kinh đã không ngần ngại đưa hàng chục ngàn tàu cá tràn xuống hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

“Chúng được các tàu tuần duyên của Trung Quốc hộ tống và được tổ chức thành nhiều đội lớn để tràn xuống Biển Đông trong vài tuần mới quay về. Động thái này ngày càng thường xuyên và có tổ chức hơn” - chuyên gia Gregory Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và chiến lược quốc tế (CSIS), nhận định.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đã sử dụng các “lữ đoàn” tàu cá này làm tai mắt cho lực lượng tàu tuần duyên của họ, cố ý gây nhập nhằng giữa lằn ranh hòa bình, hoạt động thương mại và sự phô diễn sức mạnh quân sự.

Cụ thể, chính quyền tỉnh Hải Nam đã cung cấp các nguồn lực để giúp số ngư dân này như hỗ trợ đóng tàu, trợ cấp nhiên liệu cũng như huấn luyện quân sự để số ngư dân này tràn ra Biển Đông và sẵn sàng gây hấn, quấy nhiễu tàu cá cũng như tàu hải quân của các nước khác.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh từng công khai rằng một số tàu đánh cá mới đóng có lượng giãn nước lên đến 400 tấn, có thể hoạt động ở khu vực biển sâu. Điều này có nghĩa ngư dân Trung Quốc đang sở hữu những chiếc tàu lớn hơn cả tàu hải quân của một số nước trong khu vực.

Ông Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, nói rằng trong thời bình thì lực lượng ngư dân Trung Quốc có thể giúp hải quân nước này thu thập thông tin tình báo trên biển.

Mỹ viện trợ lớn về quân sự cho Philippines

Washington đã quyết định sử dụng hơn 120 triệu USD để viện trợ quân sự cho Manila trong năm 2016, trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đang dâng cao. Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Philippines ở Washington, ông Jose Cuisia, cho biết đây là khoản viện trợ lớn nhất trong 15 năm qua mà Mỹ dành cho Philippines trong lĩnh vực quân sự.

Ông Cuisia cho biết Philippines nhận tổng cộng 79 triệu USD viện trợ quân sự từ Mỹ trong năm 2016, tăng 29 triệu USD so với năm 2015. Ngoài ra, Manila cũng sẽ nhận thêm 42 triệu USD từ Sáng kiến hàng hải Đông Nam Á của Mỹ. Đây là một chương trình xây dựng năng lực hàng hải mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã công bố.

MỸ LOAN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên