Người nhái Trung Quốc sử dụng súng QBS-06 trong cuộc diễn tập tại "một khu vực không xác định" trên Biển Đông tháng 7-2016 - Ảnh: Chinamil |
Là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong bất kỳ quân đội nào của các nước, lực lượng người nhái luôn phải trải qua chế độ tập luyện khắc nghiệt, đối mặt với nhiều nguy hiểm và các phương thức, vũ khí chống người nhái ngày càng hiện đại.
Lịch sử ghi nhận Ý là quốc gia đầu tiên sử dụng lực lượng người nhái vũ trang trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Giai đoạn đầu, phương thức tác chiến dưới nước mới mẻ này kém hiệu quả do trang bị vũ khí thô sơ và dễ bị phát hiện.
Phải đến sau này, khi có sự xuất hiện của loại ngư lôi có người lái, lực lượng này mới bắt đầu lập công. Tuy nhiên, trong một lần tấn công vào mục tiêu ở Anh, một quả ngư lôi có người lái của Ý đã bị tóm gọn. Người Anh sau đó đã sao chép và tổ chức các đợt tấn công ngược lại vào phe phát xít.
Vỏ quý dày có móng tay nhọn
Một người nhái của Anh năm 1945 - Ảnh: Bảo tàng chiến tranh đế quốc Anh |
Giai đoạn hậu chiến tranh, lực lượng đặc nhiệm người nhái tiếp tục được phát triển, tiến hành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ngày nay, cuộc chạy đua giữa các quốc gia không chỉ ở chất lượng của lực lượng người nhái, mà còn ở trang thiết bị đặc biệt dành cho lực lượng này và các loại vũ khí chống người nhái.
Thuở ban đầu, để phát hiện và ngăn chặn người nhái của đối phương, chỉ có cách quan sát bằng mắt thường. Các loại máy dò sonar thời bấy giờ tỏ ra bất lực bởi âm thanh vọng lại từ các hoạt động bơi của người nhái là rất nhỏ. Phương thức đối phó đôi khi cũng rất thô sơ là bủa lưới sắt xung quanh các khu vực cảng, nơi neo đậu tàu chiến để ngăn người nhái tiếp cận.
Trong giai đoạn chiến tranh Lạnh, người ta đã bắt đầu sử dụng các loại sóng siêu âm và đặc biệt là động vật biển để phát hiện người nhái. Điển hình như chương trình MK6 của quân đội Mỹ đã sử dụng cá heo và sư tử biển như những sonar tự nhiên để phục vụ cho cuộc chiến tại Việt Nam (1970 - 1971), vịnh Persic (1987 - 1988).
Ngày nay, cá heo quân sự vẫn được sử dụng trong quân đội Mỹ và Nga cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả phát hiện người nhái và bảo vệ, giám sát các khu vực cảng trọng yếu.
Không có thông tin về việc Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý là năm 2000, Iran - một quốc gia có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, đã được Ukraine chuyển giao dự án đào tạo cá heo quân sự.
Cá heo quân sự của Mỹ được huấn luyện có khả năng phát hiện người nhái, đồng thời được gắn camera theo dõi dưới nước - Ảnh: Retuers |
Ngoài ra, còn phải kể đến một phương thức khá truyền thống nữa là triển khai người nhái để chống lại người nhái của đối phương. Cuộc chiến dưới nước này đã dẫn tới sự phát triển của các phương tiện liên quan như súng trường, súng ngắn và các thiết bị hỗ trợ lặn, di chuyển.
Trong lĩnh vực này, Nga tỏ ra là bậc thầy khi sở hữu một loạt các loại súng có thể tác chiến hiệu quả dưới nước, bao gồm súng trường tấn công dưới nước (APS), súng trường tấn công lưỡng cư (ADS) hay ASM-DT.
Giai đoạn hiện đại chứng kiến sự bùng nổ của các thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV). Chúng tỏ ra hiệu quả khi sử dụng để phát hiện người nhái. Trước sự phát triển của các loại tàu nổi không người lái (USV) như hiện nay, có thể trong tương lai sẽ sớm thấy những loại USV chống biệt kích xuất hiện.
Trung Quốc chống người nhái như thế nào?
Trong điều kiện việc tiếp cận những thông tin này là có hạn, dựa trên những nguồn mở có thể truy cập được, người viết nhận thấy hiện nay Trung Quốc đang sử dụng hai cách để chống người nhái.
Thứ nhất: Sử dụng lực lượng người nhái để tiêu diệt người nhái đối phương
Lực lượng người nhái của Trung Quốc được trang bị nhiều vũ khí hiện đại và phù hợp để đảm bảo có thể tác chiến cả trong môi trường dưới nước lẫn trên bờ. Trong môi trường nước, đặc biệt là nước mặn khắc nghiệt, các loại súng trường tấn công thông thường hiện có trong biên chế của Trung Quốc như QBZ-95 không đáp ứng được yêu cầu tác chiến.
Trước tình hình này, Trung Quốc đã phát triển một loại súng trường tấn công dành riêng cho người nhái, có tên gọi QBS-06. Nó lần đầu tiên xuất hiện trên một chương trình của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc năm 2010. Quan sát hình dáng bên ngoài, nếu không tìm hiểu kỹ, nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là một phiên bản nâng cấp của APS do Nga sản xuất.
So sánh súng trường tấn công dưới nước APS (trên) do Liên Xô / Nga phát triển và súng trường tấn công "lưỡng cư" QBS-06 (dưới) của Trung Quốc - Ảnh: weaponland |
Về cơ bản, QBS-06 có hình dáng và kích cỡ tương tự APS, với độ dài súng đạt 680mm (không báng tì), khối lượng súng chưa kèm đạn là 3,15kg và băng đạn bắn được 25 viên, cỡ 5,8mm tiêu chuẩn của Trung Quốc với đầu đạn hình mũi tên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, QBS-06 của Trung Quốc có rất nhiều điểm ưu việt hơn phiên bản gốc APS. Theo trang modernfirearms, QBS-06 có nòng trơn, không xẻ khương tuyến. Sự xuất hiện của ốp lót tay và loa che lửa đầu nòng trên QBS-06 cho thấy nó có khả năng hoạt động hiệu quả trong cả môi trường trên cạn. Những chi tiết này không hề có trên APS, cho thấy loại súng của Nga chỉ có thể hoạt động được dưới nước.
QBS-06 bắt đầu được biên chế vào lực lượng người nhái Trung Quốc kể từ năm 2010 và xuất hiện gần như trong mọi cuộc diễn tập/huấn luyện của lực lượng này. Theo truyền thông Trung Quốc thì hầu như năm nào người nhái Trung Quốc cũng diễn tập tại “một khu vực không xác định” trên Biển Đông.
Người nhái Trung Quốc sử dụng QBS-06 trong một cuộc diễn tập tại "một khu vực không xác định" trên Biển Đông tháng 7-2016 - Ảnh: Chinamil |
Thứ hai: Sử dụng các hệ thống vũ khí chuyên trị người nhái
Có thể kể ra một số hệ thống như CS/AR-1 55 ly, loại vừa có thông tin nói đã được Trung Quốc lắp đặt trái phép ở đá Chữ Thập của Việt Nam hay hệ thống phóng lựu chống người nhái DP-65 do Nga sản xuất.
Trung Quốc mua DP-65 từ Nga và lắp đặt nó trên các tàu chiến. Năm 2012, DP-65 được nhìn thấy trên một tàu chiến gần đá Chữ Thập. Còn CS/AR-1 xuất hiện lần đầu trong Triển lãm hàng không Chu hải năm 2014 ở Trung Quốc. Giới quan sát nhận định thực chất CS/AR-1 là một bản sao hoàn hảo của DP-65.
Không loại trừ khả năng Trung Quốc đã lắp đặt CS/AR-1 lên các tàu chiến, tàu tuần tra để phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ tàu lặn không người lái gần đây của Trung Quốc có thể tạo điều kiện tiền đề cho Bắc Kinh tiếp tục phát triển các loại tàu không người lái chống biệt kích.
Năm 2015, truyền thông Trung Quốc khoe Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công robot tự hành “Hải Yến” tại một khu vực biển nước sâu 1.500m ở biển Đông. Thực chất, đây là một tàu lặn không người lái. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho rằng loại Hải Yến có thể ngăn chặn hiệu quả hoạt động của người nhái “từ một quốc gia nào đó”, khi người nhái tiếp cận thì nó sẽ tự động tấn công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận