15/07/2025 11:30 GMT+7

Trong trường hợp nào một người Mỹ bị tước quyền công dân?

Tổng thống Trump đã đề xuất khả năng tước quốc tịch đối với một số cá nhân trong bối cảnh chính quyền của ông thực hiện các biện pháp mạnh tay về nhập cư. Vấn đề này nên được hiểu như thế nào?

tước quyền công dân - Ảnh 1.

Một công dân mới cầm cờ Mỹ tại buổi lễ của Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) - Ảnh: REUTERS

Ngày 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc khả năng tước quốc tịch Mỹ của nữ diễn viên Rosie O'Donnell.

Trước đó, ông cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự đối với cựu cố vấn Nhà Trắng Elon Musk và ứng viên thị trưởng New York thuộc Đảng Dân chủ, ông Zohran Mamdani.

Ông Musk và ông Mamdani đều sinh ra ở nước ngoài và được nhập tịch thông qua quy trình pháp lý. Việc hủy bỏ quyền công dân trong những trường hợp này được gọi là tước quốc tịch (denaturalization).

Người sinh tại Mỹ được bảo vệ quốc tịch tối đa

Không giống bà O'Donnell - người sinh tại Mỹ - công dân nhập tịch có thể bị tước quốc tịch trong một số tình huống nhất định, theo thủ tục do pháp luật quy định.

Theo trang Politifact ngày 14-7, chính quyền ông Trump bày tỏ ý định thúc đẩy thêm các vụ tước quốc tịch. Tuy nhiên, khác biệt quan điểm chính trị với ông Musk hay ông Mamdani không được xem là lý do hợp pháp cho việc này.

Vào tháng 6, Bộ Tư pháp ban hành bản ghi nhớ kêu gọi các công tố viên ưu tiên xử lý các vụ tước quốc tịch. Các trường hợp này bao gồm cá nhân bị xem là đe dọa an ninh quốc gia, thành viên băng đảng, hoặc các vụ việc khác do bộ phận dân sự đánh giá là đủ quan trọng.

Ghi nhớ này không áp dụng với công dân sinh tại Mỹ. Từ năm 1967, Tòa án tối cao Mỹ đã khẳng định công dân Mỹ sinh ra trong nước chỉ mất quốc tịch khi tự nguyện từ bỏ, theo Tu chính án thứ 14.

Vì vậy, Tổng thống Trump không có thẩm quyền tước quốc tịch của bà O'Donnell.

Mối quan hệ giữa ông Trump và bà O'Donnell căng thẳng từ năm 2006. Nữ diễn viên nhiều lần chỉ trích ông Trump và các chính sách của ông. Đáp lại, ông Trump cũng từng có những phát ngôn công khai nhằm vào bà, bao gồm cả bình luận về ngoại hình.

Sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, bà O'Donnell đã chuyển đến Ireland và cho biết bà đang xin nhập tịch Ireland (bà của nữ diễn viên sinh ra ở Ireland).

Dù vậy, những bất đồng của họ không ảnh hưởng đến quyền công dân của bà O'Donnell. Các chuyên gia pháp lý cho biết tổng thống không thể tước quyền công dân của một người sinh ra tại Mỹ vì bất đồng cá nhân hay chính trị.

"Tòa án tối cao đã nêu rất rõ rằng chính phủ không thể tước quốc tịch của công dân sinh ra tại Mỹ trong bất kỳ trường hợp nào", bà Cassandra Burke Robertson, giáo sư luật tại Đại học Case Western Reserve, cho biết.

Tuy nhiên, công dân sinh ra tại Mỹ có thể tự nguyện từ bỏ quốc tịch. Theo luật di trú, có một số hành vi cụ thể mà khi một công dân Mỹ "tự nguyện thực hiện và với ý định từ bỏ quốc tịch Mỹ" có thể dẫn đến việc mất quyền công dân Mỹ.

Những hành vi này bao gồm phục vụ trong lực lượng vũ trang nước khác "tham gia vào hoạt động thù địch chống Mỹ", chấp nhận làm việc cho chính phủ nước ngoài dù được yêu cầu phải thề trung thành với nước đó hoặc chính thức từ bỏ quyền công dân Mỹ tại một lãnh sự quán.

Bị kết tội phản quốc hoặc cố gắng lật đổ Chính phủ Mỹ bằng vũ lực: nếu các hành vi này được thực hiện với ý định từ bỏ quyền công dân Mỹ thì cũng có thể dẫn đến việc mất quốc tịch đối với người sinh ra tại Mỹ.

tước quyền công dân - Ảnh 2.

Nữ diễn viên Rosie O'Donnell - Ảnh: REUTERS

Công dân nhập tịch Mỹ có thể bị mất quốc tịch trong trường hợp nào?

Dù hiếm gặp, vẫn có hai trường hợp khiến một công dân nhập tịch Mỹ có thể bị tước quốc tịch. Tuy nhiên, Tổng thống không có quyền làm điều này chỉ vì bất đồng chính trị.

Bà Michelle Mittelstadt, giám đốc truyền thông tại Viện Chính sách di cư, khẳng định nhánh hành pháp không thể tự ý tước quốc tịch.

"Tước quốc tịch là việc rất hiếm, chỉ áp dụng với người từng che giấu tội ác chiến tranh, từng là thành viên Đức quốc xã, có tiền án nghiêm trọng hoặc gian lận nhập cư - như dùng danh tính bị đánh cắp", bà cho biết.

Trong trường hợp đầu tiên, chính phủ có thể truy tố tội gian lận nhập tịch nếu một người cố tình khai man hoặc không đáp ứng điều kiện hợp pháp để trở thành công dân. Nếu bị kết án, quốc tịch sẽ bị thu hồi tự động.

Bà Robertson cho biết đây là vụ án hình sự, bị cáo có quyền thuê luật sư, thời hiệu khởi kiện là 10 năm, và chính phủ phải chứng minh được nghi vấn một cách hợp lý.

Cách thứ hai là thông qua vụ kiện dân sự, trong đó chính phủ tuyên bố quốc tịch được cấp không hợp pháp do không đủ điều kiện từ đầu.

Theo bà Robertson, quy trình dân sự - được sử dụng phổ biến hơn - "thiếu nhiều bảo đảm theo hiến pháp". Bị đơn không được chỉ định luật sư, không có giới hạn thời gian, không xét xử bằng bồi thẩm đoàn, và yêu cầu chứng minh thấp hơn.

Trang Politifact cho biết bản ghi nhớ do Bộ Tư pháp ban hành tháng 6 đã kêu gọi tăng cường thực hiện các thủ tục dạng này.

Chính phủ Mỹ có thể tước quyền công dân của một người hay không? - Ảnh 3.Ông Duterte chỉ còn 'da bọc xương' trong bệnh viện?

Mạng xã hội đang lan truyền bức ảnh cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trông ốm yếu đang nằm trên giường bệnh với các dây truyền dịch. Bức ảnh khiến nhiều cư dân mạng xôn xao bình luận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên