12/11/2003 11:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế: "Đã đề xuất, đang kiến nghị, sẽ xây dựng..."

VŨ THƯỢNG
VŨ THƯỢNG

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến là người mở màn phiên trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ diễn ra sáng nay, 12-11. Trong khi Tổng thư ký Uỷ ban T.Ư Mặt trận tổ quốc VN Huỳnh Đảm còn đang đọc tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước, bà Trung Chiến đã cẩn thận xem lại một xấp báo cáo khá dày.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội:

XlkWC940.jpgPhóng to
Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến đang trả lời chất vấn
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến là người mở màn phiên trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ diễn ra sáng nay, 12-11. Trong khi Tổng thư ký Uỷ ban T.Ư Mặt trận tổ quốc VN Huỳnh Đảm còn đang đọc tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước, bà Trung Chiến đã cẩn thận xem lại một xấp báo cáo khá dày.

Gía thuốc tăng: "Như trực thăng bay lòng vòng"

Trả lời chất vấn về vấn đề "nóng" nhất hiện nay - tăng giá thuốc - bà Trung Chiến nói thực tế giá thuốc nhiều năm qua có nhiều biến động. Năm 2003, có hai đợt đột biến giá bất thường vào tháng 3 và tháng 10. Thuốc nhập tăng giá chiếm khỏang 10% số thuốc đăng ký, tỉ lệ tăng giá thuốc trung bình 7%; thuốc sản xuất trong nước tăng chiếm 3% số thuốc đăng ký, giá tăng 7,2%...

Nguyên nhân tăng giá thuốc: Thứ nhất do Bộ y tế và Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản về quản lý giá thuốc. Giá thuốc được điều tiết theo cơ chế thị trường, chưa có qui định và cũng chưa có văn bản qui định chế tài, giám sát và xử phạt. Hiện chỉ có 38% thuốc được sản xuất trong nước; và nguyên liệu sản xuất chủ yếu cũng là nhập. Những nguyên nhân khác làm tăng giá thuốc là ảnh hưởng của chiến tranh Iraq, dịch SARS, giá xăng dầu tăng, thuế nhập khẩu tăng...

Bà Trung Chiến tóm tắt các giải pháp: xây dựng biện pháp quản lý giá, đề án cung ứng thuốc, xây dựng đề án bán lẻ và bán thuốc tại bệnh viện. "Đặc thù của VN là cung ứng thuốc qua nhiều tầng lớp trung gian...Xây dựng được đề án thì có thể chủ động được một phần". Một số đề án khác cũng ở giai đoạn "đang xây dựng": phần mềm về giá thuốc và dự thảo luật dược. Tuy nhiên bà bộ trưởng y tế "ghi chú" thêm: "Trong cơ chế thị trường, chúng ta không thể chủ động hết được mà chỉ có thể xây dựng phương án để chủ động đối phó trong một số tình huống".

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) nói: "Bà xã tôi cũng làm bác sĩ nên tôi thông cảm với bộ trưởng. Vấn đề giá thuốc tăng như máy bay trực thăng bay lòng vòng không đáp được. (Nghe so sánh này, bộ trưởng Trung Chiến cười). Có giải pháp nào đặc hiệu chống độc quyền không? Chỉ cạnh tranh thì giá thuốc mới hạ". Bộ trưởng Trung Chiến trả lời: "Chúng tôi đã chỉ đạo cho nhập khẩu thuốc song song. Nhưng các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài đều chọn một doanh nghiệp nước ngoài có thị phần lớn tại VN để phân phối... Thưa Quốc hội, chuyện này rất phức tạp. Có nhiều hãng nhập thuốc không đảm bảo, hỏi 5-6 tháng phía nước ngoài vẫn không trả lời".

wzRPn1SE.jpgPhóng to
Các đại biểu Quốc hội vẫn chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế
Khi bà Trung Chiến khẳng định "Chúng tôi đã làm tích cực. Dự báo của Bộ Thương mại là hai tháng cuối năm thị trường thuốc sẽ bình ổn giá", một số đại biểu Quốc hội tỏ ra hoài nghi.

Với các chất vấn về phân biệt đối xử trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế (BHYT), chính sách đối với cán bộ y tế cơ sở, bà Trung Chiến đều cho biết "đang nghiên cứu, đang xây dựng giải pháp, đang kiến nghị Chính phủ"...

Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Chiến cho rằng "Cần cho hình thành một kiểu "FDA" (cơ quan quản lý dược và thực phẩm của Mỹ) để kiểm soát an toàn thực phẩm. Hai Cục của Bộ hiện nay không quản lý xuể".

Trách nhiệm Bộ trưởng ở đâu?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) và Nguyễn Minh Hoàng (Bạc Liêu) phản bác: "Bộ trưởng trả lời chưa thấy rõ trách nhiệm, nguyên nhân tăng giá thuốc. Trách nhiệm cụ thể của bộ trưởng ra sao? Các giải pháp đưa ra còn mang tính "tầm xa", làm dài dài. Tình hình thực tế đang bức xúc, có biện pháp nào mạnh, hiệu quả để xử lý ngay? Tại sao Bộ không mời nhiều hãng tham gia thị trường để chống đầu cơ tăng giá?".

GrkVcOZR.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: "Bao nhiêu bác sĩ bỏ nghề làm trình dược viên?"
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc): "Tôi rất thông cảm với giải đáp của bộ trưởng, nhưng vẫn chưa thông với nội dung trả lời. Tại sao dược phẩm TQ (thuốc đông y) rất tốt nhưng không được quan tâm nhập vào VN, để các hãng thuốc tây một mình một chợ". Đại biểu Dũng thắc mắc thêm: trong 8,3 y bác sĩ/10.000 dân có bao nhiêu bác sĩ? Bao nhiêu người bỏ nghề bác sĩ làm trình dược viên?

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn: hơn 50% bệnh nhân nghèo ngưng chữa trị vì khó khăn kinh tế. Người chữa bệnh không mặc cả, nhưng một số y bác sĩ thông đồng với nhà thuốc để kê toa. Không chỉ là y đức mà còn là pháp luật. Tại sao chưa có giải pháp nào?

Bà Trung Chiến trả lời : "Trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính là nhiều năm chưa có văn bản về quản lý giá thuốc và cũng chưa dự báo được biến động giá thuốc. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu và sẽ tiếp tục bàn để xây dựng giải pháp trong thời gian tới". Về chuyện thuốc đông y, bà Chiến nói: lâu nay đã cho nhập và đáp ứng được một phần nhu cầu. Việc bác sĩ kê đơn thuốc thông đồng với nhà thuốc, trình dược viên là vấn đề bức xúc, cả xã hội quan tâm nhưng muốn giải quyết thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ. "Việc kê đơn để tuyệt đối không xảy ra là khó khăn. Cán bộ y tế phải có y đức. Lực lượng của ngành y tế đông đảo, đề nghị các đồng chí cùng quan tâm xây dựng đội ngũ tốt hơn".

Đại biểu Huỳnh Thị Hường (Qủang Nam): "Lộ trình cụ thể để thực hiện xây dựng thị phần? Các giải pháp quản lý?". Bà Chiến cho biết: đã xây dựng chiến lược để đến 2010 đáp ứng được 60% nhu cầu thuốc khám chữa bệnh của nhân dân. Thị trường có mặt trái, nếu không dự báo, không kiểm soát được thì tiêu cực sẽ tiếp tục. Vấn đề là cơ chế chính sách. "Một mình chúng tôi không làm xuể".

Còn các chất vấn liên quan đến BHYT, theo bà Trung Chiến hiện BHYT thuộc quyền quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội. "Chúng tôi sẽ bàn". Về xã hội hóa y tế, bộ trưởng nói đã làm đề án từ 7,8 tháng nay nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vướng chưa giải quyết được. Việc khám chữa bệnh cho người nghèo, theo bà "Cần phải xóa đói giảm nghèo, nâng mức sống người dân".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) tiếp tục "quay": "Chiến tranh Iraq, giá dầu, SARS...làm tăng giá thuốc là cũng có, nhưng không phải nguyên nhân cơ bản. Căn nguyên của việc tăng giá thuốc là chưa coi thuốc là mặt hàng đặc thù để có giải pháp đặc thù. Ví dụ phát hành công trái được 2.500 tỉ, với số tiền này Bộ trưởng có chắc chắn sẽ thực hiện được giải pháp để tháo gỡ bức xúc không? Chống độc quyền ra sao?".

Bà Chiến: "Hơn 10 năm nay chưa có qui định về quản lý thuốc. Chuyện quản lý thuốc rất khó. Hồi tháng 3 năm nay, khi có biến động giá, rà soát lại thì thấy mình không có từ những qui định rất cơ bản. Quản lý ra làm sao, có nhiều thứ khó quá. Chúng tôi đã mời chuyên gia nước ngoài để học tập, vận dụng trong nhiều vấn đề. Phát hành công trái, nều được phép thì chúng tôi sẽ có phương án để trình nhiều bộ ngành, nhiều cấp".

Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) nói: y đức của cán bộ y tế không đảm bảo. Thay băng, tiêm thuốc cũng phải đưa tiền. Có biện pháp cụ thể gì chứ không hô khẩu hiệu? Bà Chiến nói đây là chuyện bức xúc của xã hội và cả của ngành. "Phải cải tiến cơ chế quản lý, công khai hóa việc thu phí để bà con kiểm tra, giám sát, tăng cường thanh tra nhân dân và có chế tài khi phát hiện vi phạm. Phải có chính sách khuyến khích người làm tốt". Về chuyện y tế tuyến xã, huyện và tuyến tỉnh đang thiếu trang thiết bị rất nghiêm trọng, bà Chiến thừa nhận đây là vấn đề kéo dài. "Bệnh viện huyện ở Sơn La không mổ được viêm ruột thừa". Nhưng giải quyết được thì có rất nhiều vấn đề. "Nếu chất vấn tôi thì tôi không biết làm sao được. Đầu tư, đào tạo...thì phải có nguồn lực, không thể làm một ngày một buổi. Nếu không kỳ họp nào cũng chất vấn thôi".

Khi bà Chiến kết thúc, vẫn còn ba đại biểu đăng ký chất vấn tiếp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tóm tắt: "Nhiều vấn đề thiếu sót chung qui cũng do quản lý. Với cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế, năng lực đầu tư hiện có, chúng ta phấn đấu cũng chỉ giải quyết được một phần các bức xúc. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế, còn rất nhiều sơ hở, bất cập". Bà Trung Chiến tỏ ra nhẹ nhõm.

VŨ THƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên