12/05/2025 07:44 GMT+7

Trận mưa bất thường làm đảo lộn cuộc sống

Trận mưa ngày 10-5 khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ bị ngập nặng, nhà dân hư hỏng đồ đạc, đèn giao thông gãy... được nhận định là rất hiếm gặp.

mưa - Ảnh 1.

Dãy trọ và nhà dân trong hẻm 789, tỉnh lộ 43, phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) ngập nặng sau trận mưa lớn ngày 10-5 - Ảnh: MINH HÒA

Sáng 11-5, sau cơn mưa lớn, nước rút, người dân tại hẻm 789 tỉnh lộ 43, phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) tất bật dọn dẹp, trở lại cuộc sống mưu sinh hằng ngày.

Xóm trọ ở Thủ Đức bị "nhấn chìm"

Sống tại dãy trọ bị ngập, anh Đặng Quốc Thuận (44 tuổi, quê Long An) cho biết trận mưa hôm 10-5 khiến nước ngập cả căn phòng trọ khoảng 20m2 nơi anh cùng vợ sinh sống.

Anh Thuận bị dị tật bẩm sinh hai cánh tay, hằng ngày anh bán vé số dạo, còn vợ anh là chị Nguyễn Ngọc Sương bán bún thịt nướng vỉa hè.

Anh cho biết hôm 10-5 anh cùng vợ dậy từ 2h30 sáng chuẩn bị thịt, bún, rau... để chị Sương đẩy đi bán vào buổi sáng. Tuy nhiên, từ khoảng 6h trời đổ mưa lớn, chừng một giờ sau nước trên tỉnh lộ 43 chảy ào ạt từ hẻm 789 xuống khu trọ, dâng nhanh, mọi người náo loạn lo kê đồ đạc lên cao.

"Lúc đó nước dâng nhanh, tôi không làm gì được, vợ tôi lo lấy gạch kê cái tủ lạnh lên cao. Nhưng nước càng lúc càng dâng, ngập tràn tới cổ tôi luôn, xe bún, tủ lạnh và tất cả đồ đạc trong phòng trọ đều bị nước nhấn chìm", anh Thuận thuật lại và cho biết xe bún thịt nướng bị nước ngập nên hư hết, thiệt hại khoảng 1,2 triệu đồng tiền vốn.

mưa - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng ở thành phố Dĩ An giải cứu người dân trong vùng bị ngập nước - Ảnh: Đài Truyền thanh thành phố Dĩ An

Ngoài ra sau trận mưa lớn, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp gas, nệm, gối... của gia đình anh Thuận cũng bị hư hỏng.

Cùng dãy trọ, căn phòng thuê của ông Huỳnh Xua (53 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng bị nước tràn vào, hư hỏng tủ lạnh, tivi, bếp gas.

Bà Nguyễn Thị Bình (56 tuổi, chủ dãy trọ) cho biết dãy trọ của bà có 15 phòng, đa số người thuê trọ là lao động nghèo, bốc vác... ở chợ đầu mối Thủ Đức. Sau trận mưa lớn tất cả những người trong 15 phòng trọ đều bị hư hỏng đồ đạc, tủ lạnh, tivi, nồi cơm điện, mắm muối, gạo...

Bên cạnh đó có khoảng 10 xe máy của những người thuê trọ bị hư phải mang đi sửa.

"Hằng năm 3-4 lần bị ngập nặng như vậy. Còn mỗi trận mưa lớn các phòng trọ đều bị ngập tới giường nên tôi xây bậc xi măng cao khoảng 30cm trước mỗi phòng tránh nước tràn vào, vậy mà cũng không ăn thua", bà Bình chia sẻ.

mưa - Ảnh 3.

Đường Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh) ngập lênh láng sáng 10-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Người dân cần chú ý thời tiết cực đoan

Trận mưa ngày 10-5 khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ ngập nặng, nhà dân hư hỏng đồ đạc, đèn giao thông gãy... được nhận định hiếm gặp nhưng không bất thường.

Nguyên nhân gây mưa đúng với quy luật những cơn mưa đầu mùa ở Nam Bộ nhưng lượng mưa thì "chưa từng gặp".

Cụ thể, lượng mưa vượt mức 200mm thường chỉ gặp khi có ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới. Như năm 2018 bão Usagi ảnh hưởng khiến TP.HCM có mưa hơn 400mm trong 24 giờ.

Còn trong mùa mưa thông thường mới ghi nhận lượng mưa 176mm vào năm 2016 tại trạm đo Tân Sơn Hòa. Nhưng còn để mưa đạt hơn 100mm, thậm chí xấp xỉ 230mm tại Củ Chi như ngày 10-5 chỉ trong vài giờ là hiếm.

Dự báo tháng 5 tổng lượng mưa tháng cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Số ngày mưa từ 15-20 ngày. Tháng 6 tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm, số ngày mưa từ

15-20 ngày. Tháng 7 tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-15%, số ngày mưa khá nhiều có thể lên đến 18-23 ngày. Trong thời kỳ từ tháng 8 đến tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-12%. Cao điểm mùa mưa rơi vào tháng 7, 9, 10.

Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên cho biết hằng ngày đều có bản tin dự báo xu thế thời tiết cập nhật cho các cơ quan thông tấn báo chí.

Đồng thời trên website của đài cũng thường xuyên có các bản tin dự báo, cảnh báo dông, lốc, mưa to cục bộ cụ thể ở các địa phương. Người dân chú ý cập nhật thường xuyên để chủ động phòng chống khi có thời tiết cực đoan.

Tại sao khu vực chợ Thủ Đức thường ngập nặng?

Khu vực chợ Thủ Đức (TP.HCM) được ví như "lòng chảo dưới chân đồi" nên hứng trọn các dòng chảy từ mọi phía đổ về. Dù đã được cải tạo hệ thống thoát nước nhưng đầu ra lại chưa hoàn chỉnh dẫn tới nước thoát không kịp.

Tuy nhiên khu vực này ngập nhanh nhưng cũng rút nhanh. Ghi nhận vào sáng 10-5, dù ngập rất nặng nhưng khi mưa ngưng 15-20 phút thì mặt đường đã khô ráo. Còn tại các con hẻm do hệ thống thoát nước cũ nên quá trình thoát lâu hơn.

Về giải pháp dài hạn, UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương dự án xây dựng kè, cải tạo, nạo vét rạch Thủ Đức kết hợp xây dựng trạm bơm (đoạn từ cầu Ngang đến sông Sài Gòn) với tổng vốn dự kiến hơn 4.450 tỉ đồng và dự án xây dựng đường thoát nước theo mương Ngọc Thủy (phường Trường Thọ) với tổng vốn hơn 75 tỉ đồng.

Trận mưa bất thường làm đảo lộn cuộc sống - Ảnh 2.Người dân xóm trọ ở Thủ Đức gượng dậy sau trận mưa 'nhấn chìm' nửa căn nhà

Sáng 11-5, sau cơn mưa lớn hôm qua, nước rút, người dân tại hẻm 789 tỉnh lộ 43, phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) tất bật dọn dẹp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên