Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được xây dựng đoạn qua huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cứ đến tết là tái diễn cảnh kẹt xe kinh khủng trên đường về miền Tây. Năm 2019 này, liệu có những giải pháp đột phá để cao tốc bứt phá?
Ngổn ngang Bến Lức - Long Thành
Công trường đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km (chạy qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai) những ngày cuối năm 2018 có đến 1.400 kỹ sư và công nhân đang thi công.
Tại nút giao thông Bến Lức (Long An) cơ bản đã hoàn thành nhánh cầu vượt kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Và đoạn từ Long An đến đường Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè) dài 20km đã có hình hài đường cao tốc vì với hơn 60% chiều dài tuyến đường này đã được thảm nhựa.
Trong khi đó, đoạn cao tốc từ Nhà Bè, Cần Giờ đến huyện Long Thành (Đồng Nai), các đơn vị đang tập trung thi công hai chiếc cầu lớn nhất nước là cầu Bình Khánh (Nhà Bè - Cần Giờ) và cầu Phước Khánh (Cần Giờ) có độ tĩnh không cao 55m.
Còn đoạn cao tốc trên địa bàn huyện Long Thành, các đơn vị thi công từng đoạn vì vẫn còn vướng giải tỏa hộ dân. Theo ban quản lý dự án, đến nay tiến độ đường cao tốc đã đạt hơn 70% tổng giá trị xây lắp, nếu đẩy nhanh tiến độ giải tỏa sẽ bảo đảm hoàn thành tuyến cao tốc này vào năm 2020.
Đường về miền Tây sẽ gần hơn rất nhiều khi con đường cao tốc này được đưa vào sử dụng, khi dự kiến trong một ngày đêm có trên 10.000 lượt phương tiện không phải đi vòng qua quận 7 để về miền Tây và ngược lại.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - giám đốc Ban quản lý các dự án các đường cao tốc phía Nam, đến tháng 1-2019 vẫn còn 26 hộ ở Bình Chánh chưa giao mặt bằng, và để có thể thông xe 20km vào cuối năm 2019 thì phải có mặt bằng ngay sau tết.
Từ TP.HCM về miền Tây vẫn mới chỉ có một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 40km nơi cánh tài xế xe hơi, xe tải công nhận "chạy sướng nhất" trong tất cả các tuyến đường ở miền Tây. Từ Sài Gòn đến Cà Mau quãng đường kéo dài hơn 300km, và ngoài 40km cao tốc này, xe cộ lại phải chen chúc nhau trên các tuyến đường chính như quốc lộ 1, quốc lộ 60.
Người dân vất vả trên đường trở lại TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ tết chiều 10-2 - Ảnh: TUYẾT KIỀU
Theo quy hoạch phát triển hạ tầng của Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ có 5 trục dọc đi qua vùng ĐBSCL gồm tuyến đường N1, N2, quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến quốc lộ 60 nối các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Trắc trở Trung Lương - Mỹ Thuận
Nhưng các dự án đó số vẫn còn nằm trên giấy, số thì ngổn ngang, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tưởng đã thành hình nay vẫn đằng đẵng chờ vốn, chưa biết đến khi nào hoàn thiện.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công vào tháng 11-2009 nhưng đến năm 2012 đã phải tạm dừng do thiếu vốn. Khởi động lại vào năm 2015, đặt mục tiêu hoàn thành năm 2020. Trong tổng vốn đầu tư 9.600 tỉ đồng, nhà đầu tư đã ứng gần 1.500 tỉ để giải phóng mặt bằng, 7.100 tỉ đồng đi vay, số còn lại huy động từ các nguồn khác.
Cho dù những năm gần đây, những bến phà trăm tuổi ở miền Tây dần được thay thế bằng những cây cầu hiện đại, những rừng dừa, rừng đước bạt ngàn được xẻ dọc tạo thành những con đường thênh thang, nhưng vẫn chưa đủ để đánh thức vùng đất 9 rồng.
Toàn cảnh quy hoạch các tuyến đường cao tốc Việt Nam - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Một dự án khác được dân miền Tây kỳ vọng là cầu Vàm Cống nối Cần Thơ - Đồng Tháp bắc qua sông Hậu có vốn đầu tư khoảng 5.700 tỉ đồng tưởng chừng như sẽ thông xe cùng lúc với cầu Cao Lãnh, chấm dứt cảnh lụy phà ngay trong năm 2018. Nhưng sự cố kỹ thuật đã khiến thời gian dự kiến hoàn thành bị đẩy qua giữa năm 2019.
Hàng loạt dự án khác như dự án mở rộng quốc lộ 60 (đoạn qua Bến Tre), sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường ngang để tạo hình xương cá cho vùng ĐBSCL như quốc lộ 30, 53, 54, 57... đều đang giậm chân tại chỗ. Đó là chưa nói đến tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đang được dự tính làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận