Phóng to |
Người dân còn phải chịu giá thuốc cao đến bao giờ? |
Theo báo cáo này, việc cần thiết phải xây dựng TT 08 là vì cuối năm 2002 và đầu 2003 có sự biến động về giá thuốc và vì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo (tại thông báo số 41/TB-VPCP ngày 28-3-2003) giao cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành TT liên tịch hướng dẫn việc quản lý giá thuốc, cũng như xây dựng nghị định về quản lý giá thuốc. Nhưng...
Thông báo 41 đã nói gì?
Theo thông báo này, vào ngày 27-3-2003 Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có cuộc họp với các bộ Y tế, Tài chính, Thương mại và một số cơ quan liên quan về vấn đề giá thuốc tăng.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến báo cáo về tình hình giá thuốc tăng, nguyên nhân và các kiến nghị... Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận: “Cần khẳng định thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, Nhà nước phải bảo đảm đủ yêu cầu và phải quản lý, kiểm soát, không để đầu cơ, tăng giá đột biến gây khó khăn, thiệt hại và ảnh hưởng xấu đến việc chữa bệnh cho dân. Bộ Y tế có trách nhiệm chính trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Việc để giá một số loại thuốc tăng đột biến vừa qua là khuyết điểm, cần được kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan do thực hiện chưa tốt công tác quản lý nhà nước. Bộ Y tế cần tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Từ những kết luận trên, hai phó thủ tướng đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài về quản lý giá thuốc. Giải pháp trước mắt được đưa ra là: “Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành ngay trong đầu tháng 4-2003 TT liên tịch hướng dẫn việc quản lý giá những loại thuốc thiết yếu nhất, bảo đảm ổn định giá thuốc ở mức hợp lý. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo công tác thanh kiểm tra các đơn vị, cửa hàng phân phối, bán lẻ thuốc… Bộ Y tế cần chỉ đạo ngay việc bảo đảm cung ứng đủ thuốc và kiểm soát chặt chẽ giá thuốc của các nhà thuốc ở các bệnh viện trong cả nước…”.
Về lâu dài, theo chỉ đạo của các phó thủ tướng: “Bộ Y tế cần tổ chức triển khai toàn diện chiến lược phát triển ngành dược, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước; đồng thời khẩn trương hình thành cơ chế xuất nhập khẩu và phân phối thuốc, bảo đảm cho Nhà nước giữ vai trò chi phối đối với mặt hàng thiết yếu này… Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định về quản lý giá thuốc chữa bệnh…”.
Như vậy, thông báo số 41 đã nói rõ là hai bộ phải ban hành “TT liên tịch hướng dẫn việc quản lý giá những loại thuốc thiết yếu nhất” vào đầu tháng 4-2003. Thế nhưng, trên thực tế đến bốn tháng sau TT08 mới ra đời, song lại không thực hiện đúng chỉ đạo “quản lý giá” mà lại là “kê khai giá, niêm yết giá”.
Điều đáng nói là TT08 ra đời đã như một yếu tố kích thích giá thuốc tăng đột biến. Thực tế đã chứng minh và chính trong báo cáo của ông cục phó cũng thừa nhận là các doanh nghiệp “khi xây dựng giá bán lẻ thì đưa ra giá cao nhất (giá ảo), giá đề phòng biến động, giá bán cho vùng sâu vùng xa, giá cao quá mức bình thường cho nên giá niêm yết sẽ cao hơn giá thực tế so với trước đó...”.
Điều “đặc biệt” khác của TT08 là đã cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước; các đơn vị kinh doanh, phân phối thuốc trong và ngoài nước được quyền tự định giá, kê khai giá rồi niêm yết giá thuốc theo sự tính toán của họ!
Chưa hết, trong trường hợp phải điều chỉnh giá bán lẻ đã niêm yết… thì các doanh nghiệp, đơn vị lại “được quyền điều chỉnh giá” và chỉ cần gửi thông báo tới khách hàng! Đồng thời, họ chỉ cần làm mỗi một động tác lưu giữ cẩn thận văn bản điều chỉnh giá thuốc để khi các cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc yêu cầu cho kiểm tra thì có cái mà... xuất trình!
Thế nhưng, doanh nghiệp sản xuất, đơn vị phân phối kinh doanh thuốc định giá, kê khai giá dựa trên cơ sở nào, có hợp lý không thì Bộ Y tế, Bộ Tài chính không biết và cũng không có biện pháp gì để giám sát. Ví dụ, tháng 10-2003 doanh nghiệp A định giá, kê khai giá mặt hàng B là 10.000đ/vỉ. Ba tháng sau họ thông báo điều chỉnh giá lên 15.000đ/vỉ thì không lẽ hai bộ cũng chấp nhận với việc định giá, kê khai đó sao?
Rõ ràng TT08 đã “hợp pháp hóa” cho việc tự do kê khai giá, và tự do tăng giá chứ hoàn toàn không có biện pháp gì gọi là để quản lý giá và bình ổn được giá thuốc như thông báo số 41 yêu cầu.
Vừa tạm lùi thời gian thực hiện vừa yêu cầu thực hiện nghiêm!
Đáng nói là sau khi TT08 ra đời có rất nhiều doanh nghiệp phản ứng nên Bộ Y tế đã phải chấp thuận lùi thời điểm các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải niêm yết giá bán lẻ thuốc đến ngày 1-1-2004, còn các qui định khác thì vẫn thực hiện.
Thậm chí, theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 30-9-2003 thì “bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có một chỉ thị cho tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm túc TT 08 trên cơ sở xây dựng giá bán lẻ hợp lý, tránh tình trạng niêm yết giá quá cao như hiện nay…”.
Chúng tôi không hiểu vì sao hơn ai hết Bộ Y tế và Bộ Tài chính đều hiểu TT08 chỉ qui định hai việc chính là kê khai giá thuốc và niêm yết giá thuốc. Việc kê khai giá thuốc là để đi đến việc niêm yết giá thuốc và để cơ quan quản lý kiểm soát được giá kê khai và giá niêm yết bán có hợp lý hay không. Như vậy, vì sao đã hoãn thời gian niêm yết giá mà vẫn cứ bắt buộc phải kê khai?
Mặt khác, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ còn phối hợp để “tổ chức việc kiểm tra và thanh tra đối với các trường hợp tăng giá thuốc bất hợp lý và có biện pháp xử lý kịp thời theo qui định của pháp luật”.
Liệu việc kiểm tra, thanh tra đó có mang lại kết quả gì khi cơ sở pháp lý để kết luận doanh nghiệp “tăng giá thuốc bất hợp lý” để mà xử lý vẫn chưa có và chính TT08 đã cho phép các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc được quyền điều chỉnh giá? Hay những lần kiểm tra, thanh tra đó như một yếu tố kích thích để thêm một lần loạn giá thuốc?
Trong thông báo số 41 của Văn phòng Chính phủ đã nói rõ: “Việc để giá một số loại thuốc tăng đột biến vừa qua là khuyết điểm, cần được kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan do thực hiện chưa tốt công tác quản lý nhà nước. Bộ Y tế cần tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.
Tuy nhiên, đã hơn nửa năm trôi qua sau cơn sốt giá thuốc tháng 3-2003, đến nay công luận vẫn chưa thấy vị nào có trách nhiệm của ngành y tế đứng ra nhận trách nhiệm về mình và bị xử lý về cơn sốt giá thuốc vừa qua!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận