
Ông Nguyễn Lộc Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu kết luận - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Đến giờ phút này có thể khẳng định buổi tọa đàm đã thành công vượt mong đợi. Các ý kiến phát biểu, tham luận đều cho thấy khát vọng lớn, tinh thần trách nhiệm cao và sự hào hứng nhập cuộc của cả hệ sinh thái công nghiệp".
Ông Nguyễn Lộc Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại phiên bế mạc tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động" diễn ra ngày 17-7.
Còn rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp, cơ quan quản lý đề đạt nguyện vọng, trao đổi về kế hoạch đầu tư phát triển trong thời gian tới.
Khát vọng lớn từ công nghiệp TP.HCM
Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh công nghiệp hiện đại, đổi mới sáng tạo phải là trụ cột dẫn dắt siêu đô thị hơn 14 triệu dân bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Theo ông, việc hợp nhất TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở ra một thực thể kinh tế, hành chính mới với quy mô vượt trội: diện tích hơn 6.770km², dân số trên 14 triệu người, tập trung gần 50% doanh nghiệp tư nhân của cả nước.
Đây không chỉ là "không gian vật lý" mở rộng, mà là cơ hội vàng để TP.HCM định hình lại vai trò đầu tàu, trở thành cực tăng trưởng hàng đầu của cả nước và vươn tầm khu vực.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ thách thức khi tỉ trọng công nghiệp trong GRDP đang có xu hướng giảm, nhiều ngành công nghiệp còn phụ thuộc vào lao động giá rẻ, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.

Toàn cảnh tọa đàm Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động sáng 17-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyển đổi mô hình công nghiệp, không thể chần chừ
Để "biến tiềm năng thành hành động", lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành ngay sau buổi tọa đàm phải bắt tay triển khai một loạt nhiệm vụ.
Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp toàn bộ ý kiến từ tọa đàm, đề xuất điều chỉnh quy hoạch công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, xanh, nền tảng, chuyển đổi số, xanh, thông minh, tập trung vào cơ khí, hóa chất, điện tử, vi mạch bán dẫn, đường sắt cao tốc…
Giao Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối viện, trường, doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.
Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghệ mới.
Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Ban quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, phát triển mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh gắn với logistics vùng. Ngoài ra, các viện nghiên cứu, trường đại học được khuyến khích tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm, đào tạo và phản biện chính sách.

Nhiều ý kiến đóng góp để khai phá tiềm năng phát triển vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cộng đồng doanh nghiệp cũng được kêu gọi chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư vào công nghiệp xanh, nâng cao năng suất và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn về môi trường, lao động.
Với các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Sở Công Thương TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ phát động chương trình "Hiến kế phát triển công nghiệp TP.HCM", mời gọi các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và người dân cùng góp ý kiến, giải pháp để xây dựng một ngành công nghiệp hiện đại, xanh và bền vững.
Theo ông Vũ, sẽ có hơn một tháng lắng nghe các câu chuyện hiến kế của doanh nghiệp, từ đó tổng hợp lại để làm tham chiếu, trình bày kế hoạch đến lãnh đạo UBND TP.HCM về kế hoạch phát triển công nghiệp.
"Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm và khát vọng đổi mới, TP.HCM sẵn sàng bước vào chu kỳ tăng trưởng công nghiệp mới, không chỉ là "đầu tàu" trong nước mà còn là động lực của cả khu vực", ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: [email protected]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận