Phóng to |
Thiếu hụt kinh phí
Qui định miễn học phí đối với SV các trường sư phạm (SP) được áp dụng từ tháng 6-1997. Bằng thực tiễn ở một trường ĐHSP trọng điểm có qui mô đào tạo trên 7.000 SV, trao đổi với chúng tôi, GSTS Đinh Quang Báo - hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội - khẳng định qui định này vừa tạo những điều kiện thuận lợi cho các trường nhưng cũng kéo theo những khó khăn so với thời điểm trước tháng 6-1997.
Khó khăn lớn nhất có thể đo đếm được ngay của ĐHSP Hà Nội, cũng là tình trạng chung của các trường SP khác, là tình trạng thiếu hụt kinh phí. Ông Báo cho biết với qui mô 7.000 SV, nếu thu học phí với mức 150.000 đồng/SV/tháng, mỗi năm trường ông có khoản thu từ học phí khoảng 10 tỉ đồng sau khi đã miễn giảm cho các đối tượng chính sách.
Không thu học phí, trường được cấp bù kinh phí từ ngân sách. Nhưng trong mấy năm qua, năm nào nhiều nhất trường cũng chỉ nhận được 50% so với khoản thu học phí. Mỗi năm trường bị thâm hụt khoảng 5-7 tỉ đồng.
Dĩ nhiên sự thâm hụt trên kéo dài hết năm này qua năm khác sẽ gây khó khăn đáng kể cho nhà trường trong việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, chi phí phục vụ đào tạo, biên soạn, cung ứng giáo trình và phần nào ảnh hưởng đến cả thu nhập của cán bộ, giảng viên...
Nhưng so với các trường ĐHSP, các trường CĐSP địa phương còn khó khăn hơn. Có trường như CĐSP Hòa Bình tận dụng tiềm lực cán bộ, giảng viên ký kết các hợp đồng liên kết đào tạo giáo viên cho các tỉnh chưa có trường CĐSP và còn thiếu nhiều giáo viên để có thêm nguồn thu bù cho đào tạo chính qui. Có trường như CĐSP Tuyên Quang phải “xé rào” thu học phí của SV với lý do quá khó khăn...
Từ đầu năm nay, các trường SP lại càng khó khăn khi mức lương tối thiểu tăng lên 290.000 đồng, khoản kinh phí ngân sách nhà nước cấp các trường bù vào phần chênh lệch tăng lương cho cán bộ giảng viên chỉ đáp ứng được một phần, phần còn lại các trường phải tự xoay xở.
Miễn hay không miễn ?
Đi liền với qui định miễn học phí để khuyến khích, chưa có các hình thức chế tài cũng như chưa có biện pháp nào để ràng buộc trách nhiệm SV SP sau khi tốt nghiệp phải phục vụ trong ngành. Trong khi đó, do trước đây các trường SP khó khăn về cả số lượng và chất lượng đầu vào, cần cấp bách bổ sung nên mới phải có các chính sách thu hút, khuyến khích. Nay các trường SP đang là nhóm trường có số lượng thí sinh dự thi cao nhất, điểm tuyển luôn thuộc tốp đầu, lương giáo viên đã được cải thiện và bắt đầu có sức hút trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều ý kiến đặt ra vấn đề có nên tiếp tục thực hiện qui định ưu đãi này ? |
Đối với các ĐHSP khác cũng vậy, luôn nằm trong tốp các trường có điểm tuyển cao nhất. Ông Báo khẳng định: chính qui định miễn học phí là một động lực thu hút được thí sinh giỏi dự thi vào các trường SP, khiến chất lượng đào tạo, chất lượng giáo sinh tốt nghiệp của các trường những năm gần đây cao hơn trước rất nhiều.
Mặt khác, ông Báo và một số chuyên gia giáo dục khác dự báo nếu trở lại thu học phí đối với SV SP không chỉ giảm số thí sinh giỏi mà chắc chắn sẽ giảm hẳn số SV là người nông thôn, KV2, KV1 vào các trường SP. Nhìn chung, tỉ lệ HS các vùng nông thôn, vùng xa, miền núi... đậu vào các trường SP rất cao so với mặt bằng chung các trường ĐH.
Theo ông Nghiêm Đình Vỳ - phó Ban Khoa giáo trung ương, đây chính là một điểm thuận lợi trong đào tạo giáo viên phổ thông. Vì vậy cần phải xem xét hướng tiếp tục miễn học phí cho SV SP.
Nhưng tất nhiên nếu duy trì chế độ miễn học phí thì phải sửa đổi, bổ sung một số giải pháp thực hiện. Ngoài việc đòi hỏi phải sớm có qui định chế tài, ràng buộc trách nhiệm phục vụ đối với SV SP được miễn học phí sau khi tốt nghiệp, một số giải pháp khác cũng được đề xuất.
Ông Đinh Quang Báo đề nghị với một số ĐHSP có tiềm lực về đội ngũ giảng viên, năng lực đào tạo... có thể xem xét cho áp dụng cơ chế tuyển sinh và đào tạo như sau: đối với những SV trúng tuyển điểm cao, SV nông thôn thì miễn học phí; một số đối tượng trúng tuyển điểm thấp hơn hoặc có điều kiện kinh tế không muốn ràng buộc thì tự nguyện học có đóng tiền.
Hiện Bộ Tài chính cũng đang đề xuất nên thu học phí đối với SV SP theo qui định chung. Sau khi tốt nghiệp nếu SV nào phục vụ trong ngành sẽ được nhận lại toàn bộ học phí đã đóng trong thời gian học. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng giải pháp này đạt hiệu quả kinh tế nhưng chưa đạt về mặt xã hội.
Trước mắt, trong bốn năm ĐH, các SV nông thôn, SV có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải lo gánh nặng học phí. Vì vậy, cách làm này sẽ thật sự hiệu quả nếu có một quĩ tín dụng đào tạo dành riêng cho SV SP để SV được ứng trước tiền đóng học phí, nếu sau khi tốt nghiệp không làm giáo viên thì phải hoàn trả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận