
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: TIẾN LONG
Trưa 21-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu kéo dài gần một tiếng tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam.
Đặc biệt trong phần phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ cơ bản về tình hình và định hướng phát triển trước mắt, lâu dài của đất nước, trong đó nhấn mạnh vào các yêu cầu của việc sáp nhập tỉnh và sắp xếp lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp.
Sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra động lực mới
Tổng Bí thư chia sẻ chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài, mục tiêu bao trùm nhanh chóng mang lại cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đồng thời chuẩn bị những điều kiện vững vàng để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu, văn minh, mở rộng không gian phát triển, tạo lợi thế so sánh và sự phát triển mới cho các đơn vị hành chính mới.
Tổng Bí thư cho biết Trung ương Đảng, Bộ Chính trị phải có đánh giá kỹ hơn, cân nhắc nhiều mặt và đi đến thống đất cao chủ trương này.
Sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Nam Bộ từ Bình Thuận trở vào (tính cả Lâm Đồng và Đắk Nông) từ 22 địa phương giảm xuống còn 9.
"Điều này phải tạo nên không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt, liên thông đồng bằng, miền núi, biển đảo nhằm bổ sung tương tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa từng địa phương.
Tạo động lực mới cho một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời tạo tiền đề hình thành thêm các trung tâm kinh tế lớn của đất nước trong tương lai", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Ông nói: "Quy mô TP.HCM khi đưa lên hỏi, trí tuệ nhân tạo (AI) trả lời sau sáp nhập quy mô TP.HCM mới lớn như Thượng Hải của Trung Quốc. Bây giờ chúng ta phải phấn đấu phát triển như Thượng Hải, với quy mô như vậy, tạo ra sự phát triển vượt bậc".
Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ thêm việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động lực mới, tiềm lực mới, không gian mới cho phát triển. Việc này không chỉ đơn giản 2 + 2 = 4 mà lớn hơn thế. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long trở thành hai tỉnh mới có thế kiềng ba chân, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, giàu có. Sức mạnh mới chắc chắn sẽ nhân lên nhiều lần.
Các tỉnh thành Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ... mới sẽ trở thành các địa phương có biển, có rừng; Tây Ninh có cửa sông nối ra biển; Tiền Giang, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng... mới đều mở ra không gian mới cho phát triển.
Chỉ còn 20 năm để thực hiện mục tiêu thu nhập bình quân 20.000 USD/người
Nói về tình hình phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ Trung ương đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của đất nước thời gian tới, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự trong nước và đối với khu vực.
"Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta càng thấy rất rõ giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. Việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh là vấn đề trọng tâm, rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cùng với đó, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng, là niềm tin, chỗ dựa của nhân dân. Đảng cần tạo sự đoàn kết, thống nhất toàn dân, xây dựng bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, hiện đại, đủ sức vượt mọi khó khăn, gian khổ để không bị động, bất ngờ trong mọi hoàn cảnh.
Nhiệm vụ cuối cùng là xây dựng đường lối đối ngoại, ngoại giao vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của đất nước, đẩy lùi xung đột, nguy cơ chiến tranh ra khỏi phạm vi đất nước để người dân sống trong hòa bình.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thông tin thêm, trọng tâm của đất nước trong thời gian tới là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Theo mục tiêu 100 năm của Đảng, đến hết nhiệm kỳ đại hội lần thứ XIV, nước ta cần trở thành nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, người dân có thu nhập trung bình cao.
Theo Tổng Bí thư, nếu tăng trưởng kinh tế của đất nước không đạt hai con số trở lên trong nhiều năm liên tục, mục tiêu trên sẽ không thể đạt được. Do đó, đất nước chỉ có một con đường phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, không thể chậm rãi, thời gian không cho phép chúng ta chậm hơn mà phải tập trung nguồn lực.
"Mục tiêu 100 năm của Nhà nước cũng chỉ còn 20 năm nữa, nước ta cần có thu nhập bình quân đầu người cao, ít nhất 20.000 USD, hiện tại chúng ta mới đạt gần 5.000 USD. Do đó nhiệm kỳ này chúng ta cần phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD và tăng 15.000 USD trong 20 năm tiếp theo mới đạt yêu cầu", Tổng Bí thư phân tích.
Lịch sử mãi khắc ghi vai trò các lão thành cách mạng, cựu chiến binh
Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: "Trong không khí ấm áp, xúc động, được trực tiếp nghe các nhân chứng lịch sử chia sẻ, tôi nghe vang vang đoạn hành khúc giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước...
Tôi tin rằng, những câu hát này, các đồng chí, các cô, các bác từng hát nhiều lần, là động lực, niềm tin để vượt bao gian nan, vất vả, hiểm nguy, chiến đấu, chiến thắng".
Tổng Bí thư nhấn mạnh lịch sử cách mạng Việt Nam mãi khắc ghi vai trò đặc biệt, sự anh dũng, trung kiên của các cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, những người tham gia cách mạng, chiến đấu trên mọi chiến trường, mặt trận, từ tuyến đầu rực lửa đến hậu phương vững chắc, thậm chí trong chốn lao tù.
"Nhiều đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, trên các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam, từ núi cao đến biển rộng. Bước chân các đồng chí in trên mọi nẻo đường thân yêu của Tổ quốc, người Bắc vào Nam, người Nam ra Bắc. Có người trở về với vết thương, bệnh tật trên thân thể, ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến cho đất nước trong thời bình", Tổng Bí thư xúc động.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, cuộc chiến tranh gian nan ấy càng khẳng định vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Quân giải phóng miền Nam... Đó là những lực lượng chính trị quân sự nòng cốt của phong trào cách mạng Việt Nam, là một phần cơ thể sống của phong trào toàn dân kháng chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận