TTCT - Hầu hết mọi người trở thành nhà quản lý ở độ tuổi cuối 40, đúng vào khoảng thời gian phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, gây lãng phí một nguồn lao động chất lượng cao nếu họ phải nghỉ việc. Minh họa: J.ART/Getty ImagesTừ lâu, mãn kinh mặc định là vấn đề riêng của phụ nữ: nhạy cảm, không cấp bách và ít nhận được sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, sự già hóa dân số nhanh chóng đã cho thấy mãn kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mà còn gây thiệt hại về kinh tế.Tại khoa tim mạch - thần kinh tôi làm việc, số lượng bệnh nhân nữ trung niên đến khám và điều trị hằng ngày là không nhỏ.Đơn cử trường hợp một giáo viên nữ 45 tuổi, than phiền rằng cô hay có cơn nóng bừng mặt, bốc hỏa kéo dài từ 2 - 4 phút, kèm theo cảm giác hồi hộp, lo lắng, khó chịu và đổ mồ hôi ban đêm. Cơn bốc hỏa khiến cô nhiều lần phải nghỉ dạy học và nghỉ ngơi tại nhà. Cô cho rằng nguyên nhân là do các cơn tăng huyết áp. Tuy nhiên, kết quả sau khi đeo máy theo dõi huyết áp 24 giờ và làm các xét nghiệm cần thiết cho thấy huyết áp bệnh nhân ổn định và "nguồn cơn" là do sự rối loạn nội tiết.Ngoài ra, một số lý do khác khiến phụ nữ trung niên đến khám bệnh như mất ngủ kéo dài, đau đầu, chóng mặt, rối loạn mỡ máu khó kiểm soát... Các triệu chứng dù không cấp tính nhưng kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi và ảnh hưởng tới công việc, nguyên nhân phần lớn là do "mãn kinh và tiền mãn kinh".Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mãn kinh đặc trưng bởi sự chấm dứt vĩnh viễn các chu kỳ kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn sinh sản và thường xảy ra ở độ tuổi trung bình là 50. Trước đó nhiều năm là thời kỳ tiền mãn kinh.Khoảng 10% phụ nữ mãn kinh sớm dưới 45 tuổi và 1% mãn kinh rất sớm trước 40 tuổi, thường do suy buồng trứng - nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh. Độ tuổi mãn kinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự lão hóa buồng trứng đóng vai trò quyết định, thông qua mức độ dự trữ trứng và tốc độ suy giảm trứng hằng tháng.Lão hóa buồng trứngBuồng trứng là cơ quan sinh sản cốt lõi của phụ nữ, để duy trì chức năng sinh sản và nội tiết. Tuy nhiên đây lại là cơ quan bị lão hóa sớm trong cơ thể. Một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Yousin Suh tại Đại học Columbia (Mỹ) dẫn đầu đã thu thập và phân tích các tế bào lấy từ buồng trứng của phụ nữ ở độ tuổi 20 và độ tuổi 40 - 50 tuổi chưa trải qua thời kỳ mãn kinh.Họ tìm được kết quả gây sốc: các tế bào từ buồng trứng của phụ nữ trung niên giống với các tế bào trong mô khác của những người ở độ tuổi 70 trở lên. Nguyên nhân là do sự tích tụ các tổn thương trên ADN, hình thành lên các biến thể di truyền và sự hoạt động qua mức của mTOR - chất điều hòa chính cho sự phát triển và trao đổi chất của tế bào, có liên quan đến ung thư và lão hóa.Cũng liên quan đến biến thể di truyền ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh, trên trang Pubmed hồi tháng 8-2021, tiến sĩ Staša Stanković và các cộng sự tại Đại học Cambridge (Anh) đã công bố một nghiên cứu phân tích dữ liệu và mẫu máu của 200.000 phụ nữ châu Âu. Các nhà nghiên cứu đã ghép được bản đồ đầu tiên về 300 biến thể di truyền ẩn sâu trong ADN quyết định tuổi mãn kinh.Với kiến thức này, nhóm tác giả tiếp tục tìm ra nguyên nhân gốc rễ của suy buồng trứng sớm là do rối loạn đơn gene, với các biến thể gây bệnh ở khoảng 100 gene khi phân tích dữ liệu của gần 105.000 phụ nữ Anh. Kết quả này được đăng trên trang Nature Medicine vào tháng 6-2023. "Sự kết hợp di truyền độc đáo của mỗi phụ nữ sẽ làm thay đổi thời kỳ mãn kinh sớm hoặc muộn hơn" - tiến sĩ Staša Stanković cho biết.Những nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng khi mà hiện nay người trẻ có xu hướng kết hôn và sinh con muộn. Việc dự đoán sớm được tuổi mãn kinh giúp đưa ra biện pháp can thiệp tối ưu nhằm làm giảm tỉ lệ vô sinh tự nhiên, cũng như kéo dài tuổi sinh sản cho phụ nữ.Ví dụ, những phụ nữ mang biến thể di truyền ở gene TWNK và SOHLH2 sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hơn 3 năm so với dân số nói chung. Từ đó, họ có thể lựa chọn kết hôn sớm hơn hoặc đông lạnh trứng để tăng khả năng làm mẹ.Cũng dựa vào kết quả trên, nhóm tác giả đang phát triển một phương pháp xét nghiệm máu đơn giản dự đoán thời điểm mãn kinh, thay vì phải kiểm tra buồng trứng và số lượng trứng, cũng như tìm ra loại thuốc giúp trì hoãn tuổi mãn kinh.Thiệt hại cả sức khỏe và kinh tếBuồng trứng còn tiết ra hormone, đặc biệt là Estrogen - liên kết với thụ thể ở khắp cơ thể và mở rộng phạm vi tác động ra ngoài cơ quan sinh sản. Ví dụ, trong hệ thống tim mạch, hormone giúp mạch máu mở rộng, làm giảm huyết áp và ngăn ngừa hình thành cục máu đông.Estrogen cũng có tác dụng bảo vệ thần kinh, giúp xây dựng và duy trì sức mạnh của xương và cơ bắp. Do vậy, trong giai đoạn mãn kinh, sự lão hóa buồng trứng gây thiếu hụt lượng estrogen và ảnh hưởng đến các cơ quan khác.Ví dụ, theo một bài viết trên The Lancet tháng 3-2024, dữ liệu tổng hợp từ 15 nghiên cứu (từ Úc, Nhật Bản, Scandinavia, Anh và Mỹ) cho thấy phụ nữ mãn kinh sớm tự nhiên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 30% (và phụ nữ bị suy buồng trứng sớm có nguy cơ mắc bệnh tăng 55%) so với những người mãn kinh ở độ tuổi 50-54.Sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng khi một phân tích tổng hợp gồm 4 nghiên cứu với 3.033 phụ nữ bị suy buồng trứng sớm tự phát cho thấy, họ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những phụ nữ mãn kinh ở tuổi 40 trở lên.Trong giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng 2/3 phụ nữ gặp phải các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, đổ mồ hôi, mất ngủ, đánh trống ngực, chóng mặt, nhức đầu, ù tai... Đáng chú ý, phụ nữ Mỹ và châu Âu thường gặp bốc hỏa, buồn nôn còn phụ nữ châu Á thường biểu hiện đau khớp, cơ, cơn bốc hỏa gặp ít hơn.Những ảnh hưởng trên tất yếu sẽ làm giảm hiệu quả lao động của phụ nữ. Một nghiên cứu do Mayo Clinic công bố ước tính tại Mỹ, thời kỳ mãn kinh gây tổn thất lên tới 1,8 tỉ USD về thời gian làm việc và hơn 26 tỉ USD chi phí y tế, còn tại Nhật Bản ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 1,9 nghìn tỉ Yên (12 tỉ USD) mỗi năm.Đặc biệt "hầu hết mọi người trở thành nhà quản lý ở độ tuổi cuối 40, đúng vào khoảng thời gian phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh", gây lãng phí một nguồn lao động chất lượng cao nếu họ phải nghỉ việc - giáo sư Zhou Yanfei tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản nói với tạp chí Nikkei Asia."Vượt qua" tuổi mãn kinhTiến sĩ Stankovic và các cộng sự phát triển một loại thuốc trì hoãn mãn kinh, giúp duy trì chất lượng và số lượng trứng khi phụ nữ già đi. Thí nghiệm can thiệp các biến thể liên quan đến mãn kinh trên chuột năm 2021 đã đạt thành công bước đầu: các con vật có dấu hiệu "mãn kinh" muộn hơn, tuổi thọ sinh sản của chúng tăng đáng kinh ngạc (25%), và khả năng sinh sản cũng được cải thiện. Stankovic hào hứng nói với Science Focus: "Đó là bằng chứng đầu tiên về việc trì hoãn thời kỳ mãn kinh. Nó hoàn toàn không thể tin được".Giáo sư Francesca Duncan và đồng nghiệp tại Đại học Northwestern (Mỹ) có hướng tiếp cận khác, khi phát hiện môi trường buồng trứng trở lên cứng và xơ hóa theo tuổi tác. "Hãy nghĩ về nó giống như những quả trứng trong tổ. Nếu bạn có thể tạo ra một chiếc tổ thích hợp thì sẽ duy trì được chức năng trứng và chức năng nội tiết lâu hơn nữa" - giáo sư Duncan nói với National Geographic. Nhóm nghiên cứu đã đạt được kết quả ban đầu khi sử dụng thuốc chống xơ hóa dùng cho bệnh xơ phổi để nghiên cứu trên chuột, với liệu trình dài hơn và liều thấp hơn nhằm kéo dài tuổi thọ buồng trứng.Các phương pháp mới hy vọng sẽ giải quyết được nguyên nhân gốc rễ cũng như các hạn chế: tốn kém, tăng nhẹ nguy cơ đông máu, đột quỵ và một số loại ung thư vú, ung thư buồng trứng mà các phương pháp hiện nay (đông lạnh trứng, phôi và bổ sung hormone) đang thực hiện. Tuy nhiên, còn cần nhiều thời gian để thử nghiệm và đánh giá kết quả trên người.Ngăn ngừa mãn kinh sớm và hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe phụ nữ mà còn thể hiện sự quan tâm, thừa nhận về giá trị và sự đóng góp của phụ nữ lớn tuổi, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế, bởi đây là lực lượng lao động ngày càng tăng trong xu hướng già hóa dân số hiện nay. Mãn kinh vẫn là vấn đề sức khỏe nhạy cảm đối với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ châu Á. Rào cản đến từ phía xã hội và từ chính phụ nữ khi họ cảm thấy tự ti, mặc cảm khi nói về mãn kinh. "Xã hội có quan niệm mãn kinh là một điều tồi tệ, nhưng tôi nghĩ nó giống như một sự giải thoát khỏi sinh sản. Mãn kinh hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ cả" - bác sĩ Yoshikata (Nhật Bản) nói.Từ lâu, phụ nữ châu Á đã bị loại khỏi các nghiên cứu lớn về mãn kinh. Hiện nay, nguồn lực tài trợ cho các nghiên cứu cũng hạn chế, bởi nó không được coi là "cấp bách" như các vấn đề về ung thư hay đột quỵ. Ngay trong lĩnh vực sản khoa, mãn kinh cũng bị coi là "vấn đề phụ" so với việc nghiên cứu về hỗ trợ sinh sản hay sinh con. Tags: Phụ nữ mãn kinhTiền mãn kinhPhụ nữMãn kinhSức khỏe
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh THÀNH CHUNG 23/01/2025 Sáng 23-1, đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ.
Đại gia gỗ Đỗ Xuân Lập bị bắt vì đánh bạc: Cơ ngơi nghìn tỉ, liên quan một công ty lớn trên sàn BÌNH KHÁNH 23/01/2025 Ông Đỗ Xuân Lập là chủ một công ty chế biến, xuất khẩu gỗ có doanh thu gần 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Lập cũng là thành viên HĐQT độc lập của Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp có doanh thu lên tới hơn 6.000 tỉ đồng năm 2024.
Nhóm nghi can đánh tử vong nam shipper ở Đà Nẵng khai gì? THÁI BÁ DŨNG 23/01/2025 Khai ban đầu với cơ quan điều tra, các nghi can trong nhóm phía người phụ nữ đặt hàng qua sàn Shopee nói do bức xúc nhất thời. Cả hai phía đều đã có nhậu từ trước.
Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 4h sáng, kéo dài ra cao tốc TP.HCM - Long Thành MINH HÒA 23/01/2025 Ngày 23-1, nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển lên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành tăng đột biến, gây kẹt xe kéo dài từ sáng sớm.