08/05/2025 15:22 GMT+7

Tội phạm mạng nhắm vào học sinh, sinh viên: Giả công an, tạo Zoom, chiếm đoạt tiền tỉ

Nhiều học sinh, sinh viên bị lừa đảo qua mạng với thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát, dọa liên quan án hình sự để ép cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền 'chứng minh vô tội'.

sinh viên - Ảnh 1.

Nạn nhân trình báo công an - Ảnh: Công an cung cấp

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết thời gian gần đây nhóm phạm tội trên mạng nhắm vào học sinh, sinh viên để đe dọa, dẫn dắt các em và gia đình chuyển tiền.

Dựng kịch bản bắt cóc, ép nạn nhân thuê nhà nghỉ, chuyển tiền chuộc

Thủ đoạn phổ biến là mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc tòa án gọi điện, video call nhằm tạo dựng lòng tin với các bị hại. Sau đó lợi dụng tâm lý sợ hãi của các em học sinh, sinh viên để đe dọa, thao túng và gây áp lực tâm lý cho các nạn nhân.

Kịch bản nhóm dựng lên là thông báo cho các em có liên quan đến vụ án đang điều tra, nếu không làm theo yêu cầu sẽ bị bắt giữ, yêu cầu các em không được liên hệ với gia đình, tìm các địa điểm kín như nhà nghỉ, khách sạn, làm theo hướng dẫn do chúng soạn sẵn.

Có nhiều vụ án, kẻ lừa đảo đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bị đưa sang Campuchia làm việc hoặc hứa hẹn đi du học.

Đáng chú ý như ngày 27-4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận đơn trình báo của anh N.Đ.M. (SN 1977, trú tại TP Từ Sơn) về việc con gái là N.V.H.M. (SN 2002) nghi bị bắt cóc, tống tiền.

Theo trình bày, M. rời nhà lúc 14h, đến tối không về. Đến khoảng 20h, một người lạ gọi điện cho anh M. yêu cầu chuyển 100 triệu đồng chuộc con gái, nếu không sẽ "bán sang Campuchia".

Trước tình hình nghiêm trọng, giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra. Đến 12h45 ngày 28-4, lực lượng trinh sát phát hiện cháu M. tại một nhà nghỉ ở xã Đại Đồng, huyện Tiên Du.

Quá trình xác minh cho thấy vào 12h36 ngày 27-4, M. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Bắc Ninh, thông báo cháu liên quan vụ án rửa tiền tại TP.HCM.

Tên này yêu cầu M. cài đặt ứng dụng Zoom (một nền tảng hội họp trực tuyến) để làm việc. Đáng chú ý trong phòng Zoom có thêm những người tự xưng là công an, kiểm sát viên, cán bộ ngân hàng.

Nhóm người trên yêu cầu M. giữ im lặng, đe dọa nếu nói với ai sẽ bị phạt tù 10-15 năm. Chúng yêu cầu cháu thuê nhà nghỉ, cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP và tắt máy chờ liên lạc.

Chúng dùng tài khoản Zalo và số điện thoại của cháu M. để nhắn tin đe dọa gia đình, yêu cầu chuyển tiền chuộc. Gia đình đã chuyển 100 triệu đồng trước khi nghi ngờ và trình báo công an.

M. sau đó thừa nhận bị lừa đảo qua mạng, không hề bị bắt cóc. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định nhóm lừa đảo từ Campuchia.

Nữ sinh mất 3 tỉ sau cuộc gọi "công an điều tra" qua Zoom

Mới đây Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tiếp nhận đơn trình báo của N.T.G. (SN 2005, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội, sinh viên một trường đại học).

G. cho biết nhận cuộc gọi từ một người tự xưng là trung úy Công an kinh tế TP Hà Nội, thông báo cháu liên quan vụ án lừa đảo quy mô 31 tỉ đồng và yêu cầu vào TP.HCM làm việc.

Do không thể di chuyển, G. được hướng dẫn cài Zoom, tham gia phòng họp có người mặc sắc phục công an, tự xưng là Trần Hiếu Nghĩa.

Kẻ lừa đảo yêu cầu G. giữ bí mật trong 72 giờ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Chúng tiếp tục tạo áp lực tâm lý, vu cho G. đã bán thông tin cá nhân với giá 600 triệu đồng.

Để "chứng minh trong sạch", G. bị yêu cầu gửi ảnh thẻ sinh viên, chia sẻ màn hình máy tính và điện thoại, đồng thời chuyển tiền vào tài khoản chỉ định.

Khi G. nói không có tiền, nhóm lừa đảo hướng dẫn cháu lừa dối gia đình để nộp tiền, viện dẫn lý do "chứng minh tài chính nhận học bổng".

Nhóm lừa đảo còn gửi email giả danh trường đại học để tạo lòng tin. Kết quả G. đã bị lừa hơn 3 tỉ đồng.

Công an không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội

Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, ngân hàng… để lừa đảo qua mạng.

Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, thông tin tài khoản, thông tin cá nhân cho người lạ. Không chuyển tiền khi chưa xác minh rõ danh tính, chức năng, nhiệm vụ của người yêu cầu.

Người dân cần lưu ý, các cơ quan nhà nước làm việc thông qua thư mời chính thức, trực tiếp tại trụ sở, không làm việc qua điện thoại hay mạng xã hội.

Khi nghi ngờ bị lừa, hãy bình tĩnh, tìm cách thu thập thông tin và báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp xử lý kịp thời.

Tội phạm mạng nhắm vào học sinh, sinh viên: Giả công an, tạo Zoom, chiếm đoạt tiền tỉ - Ảnh 2.Một sinh viên ở TP.HCM bị lừa đảo qua mạng 1,1 tỉ đồng

Bị các đối tượng lừa đảo thao túng và đe dọa, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM nhiều lần xin gia đình chuyển khoản 1,1 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên