Ảnh minh họa: Getty
Thời tôi còn đang học tập tại Trường đại học Humboldt Berlin (Berlin, Đức), ngoài những giờ học trên lớp, chúng tôi phải tranh thủ đi làm thêm để tăng thêm thu nhập và trang trải cuộc sống. Nhờ ngoại hình Á châu, tôi được tuyển vào làm chạy bàn tại một nhà hàng Thái Lan có tiếng tại quận Prenzlauer Berg, phía tây Berlin. Đội ngũ phục vụ bàn khi đó khá đông, cả nam và nữ, toàn là người Thái, chỉ có mình tôi và một bạn nam nữa phụ trách quầy bar là người Việt.
Hằng ngày, theo lịch sắp xếp, chúng tôi làm việc từ 18h cho đến quá nửa đêm, đến khi hết khách. Sau giờ làm việc, các nhân viên trong nhà hàng sẽ được tổ bếp đãi một bữa cơm gia đình - "family meal" trước khi ra về.
Các món ăn thường là món Thái, sử dụng những nguyên liệu mà hôm đó nấu còn dư lại, hoặc những món mà khách đặt sau đó lại không ăn hết. Chỉ có những hôm rất đặc biệt như sinh nhật hay nhân dịp gì đó vui vẻ, tổ bếp mới nấu thức ăn từ các nguyên liệu mới cho chúng tôi ăn.
Tôi nhớ rất rõ, hôm đó là một ngày mùa đông cuối năm, sắp tới Noel rồi, mưa tuyết rơi nhè nhẹ và tan ngay khi chạm mặt đất. Ngày cuối năm rất thiêng liêng, nên những vị khách đến ăn uống và nói chuyện thầm thì, không ồn ã tưng bừng như những ngày khác.
Thế rồi, khi những vị khách cuối cùng rời đi để trở về với gia đình, chúng tôi ngồi lại với nhau. Dưới ánh nến lung linh và trong bầu không khí ấm áp, thơm thơm mùi gỗ thông, những người chạy bàn chúng tôi cùng ngồi quanh bàn ăn trong phòng, vừa nói chuyện rôm rả, vừa trêu đùa nhau chí chóe. Những người nấu bếp trong nhà hàng, lần duy nhất trong một năm phục vụ lại chúng tôi.
Họ mang lên cho chúng tôi từng người một, những bát phở bò nóng thơm phức. Họ giới thiệu: "Cả nhà ăn phở nha".
Tất cả người Thái Lan nơi tôi làm việc đều biết đến món phở Việt Nam. Họ nói bằng tiếng Thái chữ "phở" mà họ nói chuẩn như người Việt Nam nói chuyện với nhau.
Những ngày mùa đông cuối năm, tâm trí tôi lại trở về với Berlin xa xôi, nơi có bát phở năm xưa... - Ảnh minh họa: NGUYỄN KHÁNH
Ôi đã lâu lắm rồi, tôi không được ăn phở. Khi còn ở Hà Nội, tôi hay ăn quán phở ở ngay cạnh trường học. Ngày đó, một bát phở bò mười mấy nghìn đồng đã làm lũ sinh viên chúng tôi xuýt xoa, xì xụp, không cho chúng nó thoát, húp cạn đến giọt nước cuối cùng.
Đến khi sang Đức, phần vì ngại nấu nướng vì sống chung trong ký túc xá, phần nữa là cũng quá bận bịu với công việc học, tôi không hề nghĩ đến việc nấu phở. Chỉ có thi thoảng, khi đi vào chợ Đồng Xuân của người Việt Nam ở Berlin, tôi có dịp húp trọn một bát phở ở đó. Một bát phở rất to, gấp rưỡi bát phở ở Hà Nội với rất nhiều thịt, nhiều bánh phở nhưng chỉ có vài cọng mùi hành mà chúng tôi cũng lùa hết.
Từ chỗ tôi ở đến chợ Đồng Xuân rất xa nên có lẽ trong suốt thời gian học 5 năm tại Đức, tôi chỉ ăn ở đó được 1 - 2 lần. Do vậy mỗi lần ăn phở với tôi như là một bữa đại tiệc, cực kỳ xa xỉ và cực kỳ quý hóa vậy.
Vậy là đã lâu lắm rồi, hôm nay trong một ngày đông trước lễ Giáng sinh tôi mới lại được ăn phở, một bát phở đặc biệt do những người đầu bếp Thái Lan nấu nướng. Bát phở có nhiều bánh phở, với nhiều miếng thịt bò to bằng 2 ngón tay, với vị phở đã được gia giảm và nước phở lại nấu cay theo khẩu vị của người Thái, nhưng tôi biết đó là bát phở ngon nhất mà tôi từng được ăn.
Tôi húp từng sợi bánh, cắn từng miếng thịt và cảm nhận từng thìa phở, cứ ngỡ như mình đang ăn cao lương mỹ vị. Vừa ăn hình như tôi còn vừa chảy nước mắt vì sao mà bát phở ngon quá.
Cả đội chạy bàn mười mấy người chúng tôi cùng ngồi xì xụp ăn phở, cùng quệt nước mắt nước mũi chảy ra vì phở nóng quá ngon. Ăn xong, mấy người con trai còn xin thêm bát nữa mới "vừa cái bụng", vừa húp họ vừa giơ tay làm hiệu và vừa tấm tắc với tôi: "Phở Việt Nam là ngon nhất".
Giờ đây, tôi đã rời khỏi nước Đức và đã trở về Việt Nam làm việc. Nhưng thi thoảng, vào những ngày mùa đông cuối năm, mưa bay lất phất, trong không khí thỉnh thoảng có mùi gỗ thông và đâu đó vang lên tiếng chuông leng keng, tâm trí tôi lại trở về với Berlin xa xôi, nơi có bát phở năm xưa, bát phở ngon nhất mà tôi từng được ăn.
Hướng đến Ngày của phở 12-12-2021, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết "Phở trong tôi"
YÊU CẦU:
* Bài viết được viết bằng tiếng Việt, tối đa 1.000 chữ.
* Lưu ý: cung cấp thông tin cụ thể nhân vật trong bài (nếu viết về nhân vật).
* Những bài được chọn đăng đều được chấm nhuận bút.
* Bài dự thi chưa từng đăng tải nơi nào khác, tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền, không chấp nhận sự trích dẫn tài liệu mà không ghi rõ nguồn gốc.
* Bài tham dự cuộc thi viết xin gửi về email theo địa chỉ: [email protected].
* Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ ngày 22-10 đến hết ngày 25-11-2021.
* Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ngày 12-12-2021 tại TP.HCM, bao gồm:
* 1 giải nhất: trị giá 10 triệu đồng/giải
* 1 giải nhì: trị giá 5 triệu đồng/giải
* 1 giải ba: trị giá 3 triệu đồng/giải
* 5 giải khuyến khích: trị giá 1 triệu đồng/giải.
Các điều khoản khác, mời độc giả đọc thêm tại đây.
Ngoài ra, hướng đến Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ đồng thời tổ chức hai cuộc thi khác: Đi tìm người nấu phở ngon 2021 dành cho những người yêu phở và biết nấu phở, và cuộc thi sáng tác video trải nghiệm phở trên TikTok.
Trân trọng kính mời độc giả tham gia.
Thăm dò ý kiến
Sau giãn cách xã hội, bạn mong muốn ăn quán phở nào? Bạn có thể đề cử thêm bằng cách chọn "Ý kiến khác" để gửi mail về tòa soạn. Vui lòng giới thiệu thêm về quán phở yêu thích (tối đa 500 chữ)
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận