26/10/2003 08:19 GMT+7

Đường nào dẫn đến Nobel?

NGUYỄN THẾ LONG
NGUYỄN THẾ LONG

TTCN - Một điều mà cả thế giới không khỏi suy nghĩ là trong nhiều năm gần đây người ta thấy các nhà khoa học Mỹ giảng dạy, làm việc trong các viện nghiên cứu ở Mỹ đã đạt được rất nhiều giải Nobel.

rA9HZ7T0.jpgPhóng to
TTCN - Một điều mà cả thế giới không khỏi suy nghĩ là trong nhiều năm gần đây người ta thấy các nhà khoa học Mỹ giảng dạy, làm việc trong các viện nghiên cứu ở Mỹ đã đạt được rất nhiều giải Nobel.

Chỉ cần xem lại danh sách hai năm gần đây: năm 2001 trong số 12 người nhận giải thì có chín nhà khoa học Mỹ; năm 2002 trong số 11 người nhận giải thì có sáu nhà khoa học Mỹ nhận giải. Tính từ khi có giải Nobel đến năm 1998, đã có 168 nhà khoa học Mỹ nhận được giải, nước Anh đứng hàng thứ hai với 69 người, con số mà nhiều cường quốc khoa học đều mơ ước.

Một giáo sư TSKH Trường ĐH Quốc gia Hà Nội nói với tôi: “Người ta gặt những gì người ta đã gieo trồng, người Mỹ đạt nhiều vinh quang trong khoa học do họ đã tạo nên những mảnh đất lý tưởng cho nghiên cứu, phát triển khoa học và đã vun trồng được nhiều tài năng mà ít nước có thể sánh kịp”.

Hãy thử nhìn từ cái nền cơ bản là hệ thống đại học của họ. Mô hình tổ chức các trường ĐH Mỹ là trường tổng hợp đa ngành, bao gồm các viện, các trung tâm thực hành và sản xuất, các công ty kinh doanh, giáo sư vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học.

Đây là một mô hình tiên tiến, năng động, hiệu quả, thích hợp nhất hiện nay, giúp cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học không tách rời nhau, làm cho sinh viên và giáo sư học và giảng dạy kết hợp với hành, không tách rời nhu cầu của xã hội, đòi hỏi của thị trường, cùng tham gia vào guồng máy kinh tế.

Đó là môi trường làm nảy sinh, nuôi dưỡng các ý tưởng phát minh khoa học, là nơi ứng dụng đầu tiên những phát minh khoa học của thầy và trò vào sản xuất, tạo ra của cải vật chất phục vụ trở lại việc nghiên cứu khoa học.

Việc thương mại hóa những phát minh khoa học đòi hỏi cả nghiên cứu cơ bản lẫn nghiên cứu ứng dụng và phối hợp chặt chẽ với các ngành kinh doanh để đưa phát minh đến tay người tiêu dùng đã được các trường ĐH Mỹ giải quyết nhanh chóng, trong khi chính đây là chỗ lúng túng nhiều năm của các trường ĐH và các viện nghiên cứu ở châu Âu.

Phát minh khoa học thúc đẩy sản xuất kinh tế, kinh tế phát triển đầu tư trở lại nuôi dưỡng nghiên cứu phát minh, thực sự là một vòng xoáy trôn ốc cao dần của nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH ở Mỹ.

Vài ví dụ: việc nghiên cứu máy tính tại Trường ĐH Illinos và một số trường ĐH nữa trong những năm 1980 đã đưa đến việc hình thành ngành công nghệ máy tính và thông tin hiện đại doanh số tới hơn 500 tỉ USD, tạo việc làm cho hàng triệu người.

Trường ĐH Stanford có tới 14 giáo sư được giải Nobel, 114 người là viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia, 20 người được giải thưởng khoa học của nhà nước. Giáo sư và sinh viên của trường đã khai sinh và giữ vai trò chủ yếu trong việc phát triển Khu kỹ thuật vi sinh ở bán đảo San Francisco và Khu công nghệ tin học ở thung lũng Santa Clara đem lại lợi nhuận hàng tỉ USD cho trường và xã hội.

Người ta ước tính thế giới có khoảng 100 triệu người mắc bệnh tiểu đường cần tiêm insulin. Vào giữa những năm 1970, mỗi giờ nước Mỹ đã phải xử lý hàng tấn lá lách động vật để điều chế insulin.

Từ năm 1983, vài trường ĐH Mỹ đã nghiên cứu và bằng công nghệ sinh học chế ra insulin giống hệt của cơ thể con người, với phát minh đó, một cơ sở sản xuất, năm 1996, đã thu được 500 triệu USD.

Giáo sư James Watson Trường ĐH Indiana được giải Nobel về cơ cấu đường xoắn kép của ADN đã tạo ra ngành công nghệ sinh học và các ngành dược hiện đại, hằng năm mang lại khoảng 100 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ.

Giáo sư Robert Richardson được giải Nobel vật lí năm 1996 nghiên cứu về các trạng thái của vật chất ở nhiệt độ thấp đã được lập tức ứng dụng vào ngành thiên văn học và vũ trụ học. NASA đã sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu USD để thực hiện những ý tưởng của ông trong việc chế tạo robot hoặc tàu cứu nạn trong không gian.

Trong khi châu Âu còn loay hoay liệu có kinh doanh gì từ việc giải mã bản đồ gen người thì các nhà khoa học Mỹ đã tuyên bố: “Mỗi một mảnh cơ thể người đều có thể được cấp bằng phát minh và được xem là sinh ra lãi” hay “Đến năm 2005, thị trường các loài động vật chuyển gen sẽ đem về một món lời ít nhất là 4 tỉ đô la”.

Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có các phòng thí nghiệm và tiền đầu tư nghiên cứu. Mỗi năm Chính phủ Mỹ đã cấp cho các trung tâm nghiên cứu khoa học một số tiền khổng lồ là 200 tỉ USD (gấp 100 lần ngân sách của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) chỉ có khoảng 2 tỉ đô la!). Quĩ khoa học quốc gia (NSF) được cấp 4 tỉ USD, NASA được 12,5 tỉ, Viện Sức khỏe được 15,5 tỉ đô la...

Trong nhiều năm qua, Quĩ khoa học quốc gia Mỹ là nguồn tài trợ chính cho 78 nhà khoa học Mỹ đã đoạt giải Nobel. Một số phòng thí nghiệm của các trường ĐH như Columbia, Berkeley, Harvard... được đầu tư trang bị hiện đại nhất, thu hút những bộ óc giỏi nhất của Mỹ và thế giới đến để nghiên cứu. Phòng thí nghiệm Bell thu hút 1.500 nhà khoa học, có 11 người đã được giải Nobel, tính trung bình mỗi ngày có 3,5 bằng phát minh!

Cả châu Âu chỉ có 300 công ty và phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh học, trong khi đó ở Mỹ có đến 1.500 cơ sở. Hằng năm trên thế giới có khoảng 6.000 đơn xin cấp bằng phát minh thì nước Mỹ đã chiếm tới 60%, còn lại là của châu Âu và Nhật Bản.

NGUYỄN THẾ LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên