Bạn đọc Hoàng Thị Thu Hiền phát biểu tại lễ trao giải “Bạn đọc làm báo cùng Tuổi Trẻ năm 2019” sáng 20-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đối với chúng tôi, 21-6 không phải là ngày vinh danh nhà báo, mà là ngày tôn vinh tính phụng sự của nghề báo.
Nhà báo LÊ XUÂN TRUNG (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)
Cùng với nhiệm vụ "phụng sự bạn đọc", niềm tin của độc giả chất cho gánh trách nhiệm của người làm báo thêm nặng. Bởi cũng vì tin mà biết bao bạn đọc đã báo tin, hỗ trợ Tuổi Trẻ có những bài báo "đắt" để vui, vơi đi gánh nặng, tự hào bước đi...
Niềm tin bằng vàng
Nhắc đến một tác phẩm văn học Nga có tên Được đảm bảo bằng vàng, cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền giải thích hình ảnh mà cô ví von: "Mong Tuổi Trẻ là một lá vàng. Không phải lá vàng úa trên cây, mà là vàng 24K quý giá, lấp lánh; là hệ quy chiếu của giá trị thật. Yêu Tuổi Trẻ từ lâu, đọc Tuổi Trẻ từ lâu, trong mỗi bài báo tôi đong được mồ hôi của phóng viên, đo được sự dấn thân, sự dũng cảm của cả đội ngũ.
Có những bài báo đọc xong lâng lâng vui sướng với niềm tin rằng trong cuộc đấu tranh đúng - sai, thiện - ác, cái tốt cái đúng cái thiện nhất định sẽ thắng. Cũng có những bài còn sạn, còn để lại tiếc nuối vì chưa đi được đến hết bản chất sự việc. Vì yêu nên khó tính, vì tin nên trông chờ...".
Tương tự, anh Nguyễn Nguyên Vũ bày tỏ sự đồng cảm về niềm tin ấy với câu chuyện rất thật của mình: "Tôi đã nhớ đến số điện thoại nóng của Tuổi Trẻ ngay giữa đêm, giữa lúc bấn loạn khi nghe tin người thân gặp nạn cách chục ngàn cây số. Niềm tin của tôi thêm nặng sau cuộc gọi đó. Nửa đêm, người trực điện thoại vẫn tỉnh táo chia sẻ giúp tôi bình tĩnh, hướng dẫn tôi những việc cần phải làm, địa chỉ nên gọi đến.
Và tất nhiên Tuổi Trẻ đã đưa tin xe của đoàn khách du lịch Việt Nam bị nổ bom khủng bố ở Ai Cập đầu tiên. Sau đó, trên đường sang Ai Cập trợ giúp người thân, những tin tức, hình ảnh ghi nhận được đương nhiên là tôi chia sẻ trước tiên với Tuổi Trẻ...". Trong điện thoại của anh Vũ vẫn còn lưu những tin nhắn nửa đêm hôm ấy với đường dây nóng Tuổi Trẻ. Anh bồi hồi khi mở ra: "Tôi là người được giúp, vậy mà còn được Tuổi Trẻ cảm ơn, còn được trao giải thưởng. Qua một chuyện như vậy, chỉ có thể gắn bó mãi mãi...".
Cùng chia sẻ, anh Lê Văn Minh cười: "Tôi chỉ làm một việc rất bình thường mà tôi nghĩ ai cũng sẽ làm: lấy điện thoại quay lại hình ảnh nhân viên và khách đi tàu ở ga Bình Thuận tổ chức quyên góp giúp chị phụ nữ vừa bị mất hết số tiền dành dụm cả năm để về ăn tết. Quay rồi, tôi nghĩ: thử gửi cho báo xem câu chuyện này có nên đưa lên để kể một chuyện tốt đi sau một chuyện xấu chăng? Tuổi Trẻ đã lan tỏa đoạn clip ấy đi thành một câu chuyện đẹp. Tôi lại được báo "rủ rê" làm một thông tín viên...".
Tin và dấn thân
Nhưng không phải lúc nào làm thông tín viên với Tuổi Trẻ cũng dễ dàng và vui vẻ như vậy. Trong buổi giao lưu này có hai người ngồi im lặng một góc bàn, quay đầu né các ống kính. Họ là những người đã cung cấp tin để Tuổi Trẻ hình thành nên hai tuyến bài điều tra đình đám năm vừa rồi: "Rác thế giới đổ về Việt Nam", "Đem chất thải san lấp mặt bằng".
Không chỉ cung cấp tin, họ đã sát cánh cùng các phóng viên điều tra đi thực tế hiện trường để ghi âm, ghi hình, rong ruổi trên những chặng đường theo những chuyến hàng lậu, bất chấp nguy cơ bị lộ mặt, bị đe dọa, chấp nhận vất vả, bị cản trở, đình đốn công ăn việc làm, tốn kém vật chất...
"Trước hết là vì nghĩ đến những lợi ích xã hội khi các tiêu cực bị phanh phui, nhưng gắn bó nhiều năm qua cùng nhiều tuyến bài với Tuổi Trẻ là vì tin nhiều hơn. Tin rằng khi báo đăng sẽ có hiệu quả tốt. Tin khi chứng kiến sự tận tụy với nghề của các phóng viên, không ngại ngần ngày - đêm, mưa - nắng, xa - gần, thiếu - đủ phương tiện, chấp nhận nguy hiểm. Tin khi hiểu rõ rằng trong nghề điều tra, chỉ cần bẻ ngòi bút một lần, anh phóng viên ấy sẽ giàu cả đời, nhưng anh ấy đã không bẻ..." - người bạn đọc đề nghị không nêu tên nói trong sự xúc động. Anh không biết rằng những nhà báo ngồi nghe còn xúc động hơn ngàn lần.
Chúng tôi mong chờ thông tin từ bạn
Từ hôm nay, hai trang báo 8 & 9 sẽ là trang "Bạn đọc và Tuổi Trẻ". "Bạn đọc và Tuổi Trẻ" sẽ truyền tải phản ảnh, bức xúc, chia sẻ, tâm tình... cũng như những vấn đề thời sự nóng nhất mà bạn đọc đang quan tâm, gửi gắm, đòi hỏi được thông tin qua các chuyên mục: Bạn đọc phản ánh; Điều tra theo yêu cầu bạn đọc; Từ đường dây nóng; Sự kiện và dư luận; Nghe, thấy và viết; Chúng tôi có ý kiến; Cơ quan chức năng trả lời; Phản hồi; Ống kính bạn đọc; Nhịp đời qua ống kính...
Để phụng sự, tạo sự tương tác với bạn đọc tốt nhất, chúng tôi mong chờ những phản ảnh, thông tin, bài viết từ các bạn qua đường dây nóng 0918033 - (028) 39971010 - Hà Nội: (024) 38473663 hoặc email: [email protected] và [email protected]. Tất cả tin, bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.
Thủ Thiêm với chúng tôi
Bà con Thủ Thiêm và phóng viên báo chí trong những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội - Ảnh: TỰ TRUNG
Dịp 21-6 năm nay, báo Tuổi Trẻ có hai giải thưởng báo chí với tuyến bài "Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Quy hoạch và hiện tại". Giải thưởng này không đại diện cho sự tự hào của nhà báo, mà đại diện cho lòng cảm kích đặc biệt chúng tôi dành cho những người dân Thủ Thiêm, những bạn đọc Thủ Thiêm.
Bởi đã nhiều lần những nhà báo như chúng tôi khiến họ thất vọng. Đã nhiều lần tiếp những cuộc gọi khẩn thiết của người dân Thủ Thiêm, các phóng viên nhìn nhau thở dài. Vậy nhưng khi chúng tôi đến, sau vài câu giận hờn thì những gương mặt dãi dầu của họ lại tươi lên, những tập hồ sơ được phân loại, sắp xếp, những tấm bản đồ lại được mang đi sao chụp để trao cho phóng viên với nhắn gửi: "Chúng tôi chỉ mong được nhìn thấy Thủ Thiêm phát triển và mong được sống cùng Thủ Thiêm phát triển", "Chúng tôi mong quyền lợi của mình được thực hiện đúng pháp luật"...
Lòng bao dung tưởng như đã cạn trong những tháng năm ấy cuối cùng lại vẫn còn. Rất đầy!
Công việc của chúng tôi sẽ còn tiếp tục. Khó khăn, thách thức vẫn trước mắt. Sự bao dung, niềm trông đợi của họ cũng trước mắt. Chúng tôi nhớ hết, nhớ cả những lời gay gắt, những giọt nước mắt, nhớ từng khuôn mặt, tiếng thở dài của bà con Thủ Thiêm trong ngày kỷ niệm nghề của mình.
PHẠM VŨ
Người báo tin cô gái "Cõng mẹ lên giảng đường"
Anh Hoài xem lại bài báo cũ viết về Hiền Cẩm trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUỐC NAM
"Cõng mẹ lên giảng đường" từng là câu chuyện gây xúc động cho bạn đọc trong ngày lễ Vu lan năm 2018. Đó là câu chuyện về cô tân sinh viên Mai Thị Hiền Cẩm ở xã miền núi Triệu Nguyên, huyện Đakrông, Quảng Trị. Cẩm "không có" cha. Hai mẹ con bấu víu nuôi nhau 18 năm, khi mẹ đã kiệt quệ vì căn bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn cuối. Dù đậu đại học, con đường trước mắt Cẩm như mù mịt, chỉ có một cách "cõng" mẹ đi theo vô Huế để nhập học.
Và người báo cho Tuổi Trẻ câu chuyện này là anh Trương Văn Hoài, hiện là chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên. Anh Hoài kể biết Cẩm vừa trúng tuyển vào Đại học Y dược Huế nhưng quá khó khăn: "Và tôi đã quyết định nhắn tin cho phóng viên báo Tuổi Trẻ tại Quảng Trị. Tôi tin Tuổi Trẻ sẽ giúp được Cẩm".
Chỉ một vài giờ sau khi báo đăng, nhiều cánh tay đã đưa ra trợ giúp Cẩm những ngày "con phải đi học, mẹ đi chạy thận". Nhưng chuyện buồn lại đến, từ cuối tháng 10-2018 mẹ mất, Cẩm như gục ngã. Và Cẩm chỉ có thể đứng lên, bước đi vững vàng bởi chung quanh em có thêm hàng trăm bạn đọc cùng sẻ chia. "Tôi thấy ấm lòng. Tôi đã nhắn tin cho Tuổi Trẻ, nhưng bạn đọc mới là người đã tiếp sức cho Cẩm thoát ra khỏi những thử thách của số phận" - anh Hoài nói.
QUỐC NAM
Kham Dit - người bạn Lào
Anh Kham Dit (thứ hai từ phải sang) phiên dịch giúp phóng viên Tuổi Trẻ tại nơi sơ tán tránh lũ của các nạn nhân ở huyện Sanamxay (Lào) - Ảnh: DUY THANH
Chiều 24-7-2018, tôi nhận được lệnh của tòa soạn "hành quân" ngay để chậm nhất là trưa hôm sau có mặt ở vùng tâm lũ do vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy xảy ra tại huyện Sanamxay thuộc tỉnh Attapeu (Lào).
Kham Dit Mienglavanh - chàng trai trẻ của Văn phòng Tỉnh đoàn Attapeu, từng học 3 năm hệ cao đẳng tại Trường ĐH Quy Nhơn - đã giúp tôi đi xuyên vào vùng lũ, thu thập những thông tin, hình ảnh để kịp thời truyền tải đến bạn đọc. Kham Dit đã trở thành "cái miệng" của tôi - như anh tự nhận - khi phiên dịch suốt 5 ngày đêm trong vùng lũ.
Chi tiết khiến tôi xúc động nhất là một tối Kham Dit nằm trằn trọc không ngủ, nhưng hôm sau vẫn cùng tôi lao vào vùng lũ. Sau này, Kham Dit mới kể đêm đó người trong xóm gọi báo khu vực nhà anh cũng bị ngập, phải sơ tán ngay trong đêm. Vợ anh mới sinh được 20 ngày mà điện thoại hoài không bắt máy. "Em không cho anh biết ngay vì ngại ảnh hưởng đến công việc. Sau đó, em biết vợ con đã đến được nơi an toàn mới dám kể với anh..." - Kham Dit trải lòng.
DUY THANH
“Xử lý vị sĩ quan đánh vợ, tôi càng tin vào báo chí”
Hình ảnh người vợ vị sĩ quan bị đánh bầm tím khiến chúng tôi nhói lòng - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đó là lời tâm sự chân tình của bạn đọc ở tận vùng biên Tây Nam Tổ quốc. Chính bạn đọc này đã báo cho Tuổi Trẻ những thông tin ban đầu về sự việc. Từ những dòng thông tin quý giá ấy đã giúp Tuổi Trẻ đưa sự việc gây bức xúc xã hội ra trước công luận.
Tháng 6-2018, vụ việc một sĩ quan Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang nhiều lần bạo hành chính người vợ của mình. Ông đã dùng cả thau nước mắm tạt lên người vợ, đánh đập bà đến nỗi phải nhập viện điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Cùng là phận phụ nữ với nhau, thấu hiểu tâm tư phận làm vợ trong gia đình nên chị L.T.T.T. (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã gọi báo Tuổi Trẻ để phản ảnh.
Sự việc sau đó đã được thông tin rộng rãi đến bạn đọc, vị sĩ quan bộ đội biên phòng cũng nhận hình thức xử lý nghiêm khắc cho hành động của mình. Nhân dịp ngày 21-6, chị T. gửi gắm: "Sự việc khi được báo thông tin, vị sĩ quan bị xử lý, tôi càng tin tưởng thêm vào mặt trận thông tin của báo chí. Người dân đã và đang tin tưởng Tuổi Trẻ và cung cấp thông tin thì báo cũng cần vào cuộc nhanh, làm rõ. Từ đó truyền tải lại thông tin đến bạn đọc và người dân mới ngày càng tin tưởng vào mặt trận báo chí hơn nữa".
CHÍ HẠNH - BỬU ĐẤU
Những đơn đặt hàng của bạn đọc
* Bạn đọc Hồ Văn Tường: Trên mạng xã hội hiện giờ có nhiều người nêu ra những vấn đề rất gai góc và có thật. Tuy nhiên, họ không thể có nghiệp vụ phản ánh và phân tích như các nhà báo. Tôi muốn báo Tuổi Trẻ lưu ý và khai thác thêm các đề tài đa dạng từ đó.
* Bạn đọc Trần Quốc Bảo: Biết rằng mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm số lượng đề tài mà Tuổi Trẻ theo đuổi là rất lớn, rất đa dạng. Tuy vậy, Tuổi Trẻ hãy cố gắng theo đuổi tiếp tục, đến cùng các vụ việc, các nhân vật của mình để kịp thời thúc đẩy, bảo vệ...
* Bạn đọc Nguyễn Quế Diệu: Tôi là người trong quân đội, rất vui khi Tuổi Trẻ rất thân thiện với các lực lượng vũ trang. Nhưng thông tin trên báo vẫn nghiêng về quân đội, hơi bất công với công an. Công an là lực lượng trực tiếp bảo vệ người dân mỗi ngày, công việc của họ có khi còn vất vả hơn bộ đội. Tôi mong báo thông tin cân đối hơn để góp phần cải thiện hình ảnh công an trước người dân.
* Bạn đọc Trần Kiêm Hạ: Tôi là tài xế, từng viết nhiều bài trên Tuổi Trẻ về tai nạn giao thông, nhưng tôi vẫn không phải là nhà báo nên còn nhiều hạn chế. Tôi mong các phóng viên Tuổi Trẻ vào cuộc để chạm đến tận cùng những vấn đề có thể là nguyên nhân tai nạn giao thông: tiêu cực trong kiểm định xe, sơ sài trong khám sức khỏe tài xế... Những chuyện tưởng như xa xôi nhưng tác hại rất gần...
* Bạn đọc Huỳnh Hoa: Đọc Tuổi Trẻ từ khi còn rất trẻ, nay mình đã già nhưng Tuổi Trẻ vẫn còn trẻ. Đọc, cộng tác và thân thiết với Tuổi Trẻ, tôi có thể nhận ra ngay những thay đổi trong phong cách một bài báo, một trang báo, một chuyên mục. Tuổi Trẻ hôm nay cần phải chuẩn bị thật kỹ cho đội ngũ kế thừa, các nhà báo trẻ giỏi công nghệ, giỏi ngoại ngữ, năng động trong thể hiện nhưng về độ chín, cái tâm với nghề thì cần phải rèn luyện nhiều.
* Bạn đọc Trần xuân Tiến: Thời gian gần đây, trước áp lực của mạng xã hội, đôi khi những bản báo online của Tuổi Trẻ không còn giữ được chất "Tuổi Trẻ", nhất là trên tít tựa. Tôi hiểu những áp lực và mong muốn của TTO muốn tiếp cận bạn đọc trẻ, nhưng hi vọng rằng những độc giả của Tuổi Trẻ vẫn còn đó và luôn mong Tuổi Trẻ không lúc nào đánh mất mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận