
Tổng thống Trump giơ sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế - Ảnh: RETUERS
Hàn Quốc khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp trước thuế Mỹ
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế của Mỹ, bao gồm cả ô tô.
Trước đó, rạng sáng 3-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế, với mức 25% đối với Hàn Quốc.
Ông Han đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ công nghiệp phân tích nội dung của các mức thuế quan và tích cực đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động.
"Khi cuộc chiến thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực, chính phủ phải huy động mọi khả năng của mình để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại", ông Han phát biểu tại một cuộc họp với bộ trưởng tài chính và các quan chức cấp cao khác.
Quyền tổng thống Hàn Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp với khu vực kinh tế tư nhân vào cuối ngày 3-4 để thảo luận về các phản ứng.
Thủ tướng Úc: Thuế sẽ khiến Mỹ trả giá đắt
"Người dân Mỹ sẽ phải trả giá đắt nhất cho những mức thuế quan vô lý này. Đây là lý do tại sao chính phủ của chúng tôi sẽ không tìm cách áp đặt mức thuế đối ứng.
Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc đua xuống đáy dẫn đến giá cả tăng cao và tăng trưởng chậm lại", Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh ngày 3-4, ngay sau khi ông Trump ký sắc thuế đối ứng.
Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển khẳng định nước này không muốn các rào cản thương mại ngày càng gia tăng và tệ hơn là một cuộc chiến thương mại.
"Chúng tôi muốn tìm đường quay lại con đường thương mại và hợp tác cùng với Mỹ, để người dân ở các quốc gia của chúng tôi có thể tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ.
Anh bình tĩnh đối phó thuế đối ứng của Mỹ
"Mỹ là đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, vì vậy cách tiếp cận của chúng tôi là giữ bình tĩnh và cam kết thực hiện thỏa thuận này, chúng tôi hy vọng sẽ giảm thiểu tác động của những gì đã được công bố hôm nay", Bộ trưởng Kinh doanh Anh Jonathan Reynolds cho biết.
Anh đã cố gắng đạt được một thỏa thuận kinh tế với Mỹ bằng cách đề nghị liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong các lĩnh vực như công nghệ.
Không giống như Liên minh châu Âu và các nền kinh tế lớn khác, Anh không trả đũa các mức thuế quan khác của Mỹ nhưng đã tuyên bố rằng họ sẽ giữ mọi lựa chọn trên bàn đàm phán.
"Không ai muốn chiến tranh thương mại và chúng tôi vẫn muốn đạt được thỏa thuận", Ông Reynolds cho biết.
Tỉ lệ ủng hộ ông Trump xuống mức thấp nhất từ đầu nhiệm kỳ

Người dân Mỹ tuần hành tại New York để ủng hộ Canada trước các biện pháp thuế quan của ông Trump =- Ảnh: REUTERS
Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã giảm xuống còn 43%, mức thấp nhất kể từ khi ông trở lại nhiệm sở, khi người Mỹ không hài lòng với các động thái áp thuế của ông và cách chính quyền của ông xử lý thông tin về cuộc tấn công quân sự ở Yemen, theo một cuộc thăm dò của Reuters.
Cuộc thăm dò kéo dài ba ngày, kết thúc vào ngày 2-4, cho thấy tỉ lệ ủng hộ đối với thành tích của ông Trump với tư cách là tổng thống giảm 2 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 21 đến 23-3.
Con số này cũng thấp hơn 4 điểm so với tỷ lệ ủng hộ 47% mà ông có được ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20-1.
Những người trả lời khảo sát đã cho ông Trump điểm kém về cách xử lý nền kinh tế, khi chỉ có 37% chấp thuận. Con số này còn thấp hơn khi nói về các nỗ lực nhằm giải quyết chi phí sinh hoạt, với 30% chấp nhận cách ông Trump đang làm.
52% người tham gia khảo sát đồng ý rằng việc tăng thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô sẽ gây tổn hại cho những người thân cận của họ. Một con số tương đướng cũng gật đầu với nhận định việc tăng thuế sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Đặc phái viên của ông Putin và ông Trump gặp nhau tại Mỹ
Đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Kirill Dmitriev, đã gặp các quan chức Mỹ tại Washington ngày 2-4, khi chính quyền Trump tiếp tục gây sức ép buộc Nga và Ukraine phải đồng ý ngừng bắn.
Ông Dmitriev, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs và tốt nghiệp Stanford, là một trong những thành viên hiểu biết nhất về Mỹ trong giới tinh hoa của Nga. Ông cũng là quan chức cấp cao nhất của Nga đến Mỹ kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.
Không rõ ông Dmitriev đã thảo luận những gì với các quan chức Mỹ. Nhưng chuyến thăm của ông diễn ra sau khi Tổng thống Trump bày tỏ sự thất vọng với tốc độ đàm phán ngừng bắn, rằng ông "tức giận" với Putin và nêu khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người mua dầu thô của Nga.
Máy bay ném bom chiến lược Nga rơi
Một máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của Nga đã bị rơi ở vùng Irkutsk, đông nam Siberia do trục trặc kỹ thuật, thống đốc địa phương Igor Kobzev cho biết ngày 2-4.
Chiếc máy bay đã rơi trong một chuyến bay thường lệ gần làng Buret ở quận Usolsk, không gây thiệt hại cho các công trình dân sự, theo những gì ông Kobzev viết trên kênh Telegram của mình.
Bốn thành viên phi hành đoàn đã phóng ra ngoài và một người trong số họ đã tử vong. Ông Kobzev không đưa ra nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn. Tupolev Tu-22M3, hay Backfire theo mã hóa của NATO, là máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang tên lửa siêu thanh tầm xa.
Giữa "biển" rác

Ảnh của AFP
Hàng trăm con cò và diều đen bay lượn trên bãi rác Tovlan ở thung lũng Jordan, khu Bờ Tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận