Tin tức thế giới 18-2: Nga lên tiếng về cuộc đàm phán với Mỹ ở Saudi; Châu Âu có dấu hiệu rạn nứt

Mỹ bỏ ngỏ khả năng huy động quân đến Ukraine; Đặc phái viên Nga cho rằng đàm phán với Mỹ chưa phải dành cho ngừng chiến với Ukraine; Thượng đỉnh an ninh khẩn ở châu Âu không có tiếng nói chung... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 18-2.

Tin tức thế giới 18-2: Mỹ bỏ ngỏ, châu Âu tranh cãi việc huy động quân đến Ukraine - Ảnh 1.

Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu đến Saudi Arabia để đàm phán với Mỹ - Ảnh: REUTERS

"Đàm phán Nga - Mỹ là chuyện song phương"

Theo Hãng tin Reuters, ngày 17-2 (giờ địa phương), ông Yuri Ushakov - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Matxcơva và Washington ở Saudi Arabia là chuyện của riêng hai nước.

Ông Ushakov tuyên bố khi vừa đến thủ đô Riyadh (Saudi Arabia), được Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lại: "Chúng tôi đến đây để thương thảo với các đồng nghiệp từ Mỹ. Đây thuần túy là đàm phán song phương. Không thể có đàm phán ba bên ở Riyadh".

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hai phái đoàn ngoại giao từ Nga và Mỹ vừa đến Saudi Arabia để tiến hành những trao đổi trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong nhiều năm.

Ở phía phái đoàn Nga, bên cạnh ông Ushakov còn có ngoại trưởng nước này, ông Sergei Lavrov. Phái đoàn Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz, đặc phái viên Nhà Trắng về các vấn đề Trung Đông Steve Witkoff...

Một trong những trọng tâm của chuyến công tác này chính là việc khởi đầu đàm phán kết thúc cuộc chiến tranh tại Ukraine. Trái với mong muốn của Ukraine và các nước châu Âu, Mỹ và Nga đang tiếp cận việc đàm phán này theo hướng song phương.

Song khi đưa ra tuyên bố trên vài giờ, ông Ushakov cập nhật tình hình, cho biết Matxcơva và Washington vẫn chưa thống nhất cách thức bắt đầu đàm phán hòa bình ở Ukraine. 

Sở dĩ điều này là do phía Mỹ chưa bổ nhiệm đại diện đàm phán chính để làm việc với Nga.

"Hiện nay, vấn đề là phải thống nhất cách thức bắt đầu đàm phán về Ukraine. Phía Mỹ chưa bổ nhiệm nhà đàm phán chính nào để tiến hành các cuộc thương thảo với chúng ta", cố vấn của ông Putin khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Ushakov cũng tuyên bố phái đoàn Nga tiếp cận việc thương thảo ở Saudi Arabia với thái độ “kinh doanh” cùng luận điểm rất rõ ràng.

"Mục tiêu của cuộc gặp là bàn về việc khôi phục mối quan hệ (với Mỹ), việc khởi đầu các cuộc đàm phán tiềm năng về Ukraine và triển vọng thiết lập trao đổi ở cấp cao nhất (giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump)” - ông Ushakov chia sẻ.

Mỹ bỏ ngỏ khả năng huy động quân đến Ukraine

Tin tức thế giới 18-2: Nga lên tiếng về cuộc đàm phán với Mỹ ở Saudi; Châu Âu có dấu hiệu rạn nứt - Ảnh 3.

Đặc phái viên Nhà Trắng về vấn đề Ukraine Keith Kellogg - Ảnh: REUTERS

Ngày 17-2, đặc phái viên Nhà Trắng về vấn đề Ukraine Keith Kellogg khẳng định chính quyền ông Trump chưa loại trừ viễn cảnh cử binh sĩ đến Ukraine để thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại nước này sau khi thỏa thuận kết thúc chiến tranh được thống nhất.

Ông Kellogg chia sẻ với báo chí: "Tôi đã trao đổi với Tổng thống Trump và chính sách (về vấn đề này) vẫn là: Bạn không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào.

Trước khi bất kỳ loại trao đổi hay cam kết an ninh nào được thống nhất, đương nhiên sẽ có nhiều cuộc trao đổi diễn ra. Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ được quyết định khi bạn đến gần với các bước cuối cùng".

Bên cạnh đó, đặc phái viên Nhà Trắng cũng nhấn mạnh sẽ không một quốc gia hay tổ chức nào ép Kiev phải tham gia một thỏa thuận hòa bình mà nước này không mong muốn.

Ông cũng khẳng định đã trao đổi với các đồng minh châu Âu và cho rằng "việc trao cho mỗi người một ghế ở bàn đàm phán là không khả thi".

Thượng đỉnh an ninh khẩn ở châu Âu không có tiếng nói chung

Tin tức thế giới 18-2: Mỹ bỏ ngỏ, châu Âu tranh cãi việc huy động quân đến Ukraine - Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) tiễn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa (trái) sau khi hội nghị thượng đỉnh an ninh khẩn cấp kết thúc tối 17-2 - Ảnh: AFP

Ngày 17-2, Hội nghị thượng đỉnh an ninh khẩn cấp giữa các nước châu Âu diễn ra tại Paris (Pháp) trong một phiên làm việc.

Không có bất kỳ tuyên bố chung hay thông báo lớn nào được các nhà lãnh đạo dự hội nghị đưa ra, thay vào đó là những tuyên bố rời rạc của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố: “Mọi người tại hội nghị đều nhận thức rằng quan hệ xuyên Đại Tây Dương, liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tình hữu nghị giữa chúng ta với Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới. Tất cả chúng ta đều thấy rõ điều đó".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định: “Ukraine xứng đáng có được hòa bình thông qua sức mạnh. Điều này phải tôn trọng sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kèm theo các đảm bảo an ninh vững chắc".

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đưa ra hai từ khóa "sẵn sàng và quyết tâm" để mô tả vị thế của châu Âu sau cuộc họp. “Các chi tiết sẽ cần được quyết định, nhưng cam kết thì rõ ràng”, ông Rutte khẳng định.

Châu Âu tranh cãi việc gửi quân đến Ukraine

Tin tức thế giới 18-2: Mỹ bỏ ngỏ, châu Âu tranh cãi việc huy động quân đến Ukraine - Ảnh 4.

Thủ tướng Anh Keir Starmer ra về sau khi hội nghị thượng đỉnh an ninh khẩn cấp kết thúc tối 17-2 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các nước châu Âu dường như chưa thật sự đạt sự đồng thuận cao trong việc giải quyết vấn đề Ukraine.

Thủ tướng Vương quốc Anh Keir Starmer tiếp tục nhấn mạnh London “sẵn sàng xem xét việc cử lực lượng Anh đến Ukraine cùng các đối tác nếu có một thỏa thuận hòa bình bền vững”.

Ông Starmer nhấn mạnh Washington cũng phải tham gia quá trình này, cho rằng "đảm bảo an ninh từ Mỹ là cách duy nhất để ngăn chặn Nga tấn công Ukraine một lần nữa”.

Ngược với ông Starmer, Thủ tướng Đức Olaf Scholz quả quyết việc tranh luận về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine là “hoàn toàn sớm” và “rất không thích hợp” trong bối cảnh cuộc chiến vẫn đang diễn ra.

Ông Scholz cho biết ông “hơi bực mình” về cuộc tranh luận “vào thời điểm không đúng và về chủ đề không phù hợp”.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết Copenhagen “mở lòng” với vấn đề điều binh đến Ukraine, nhưng cảnh báo câu hỏi còn bỏ ngỏ rằng Mỹ có “sẵn sàng hỗ trợ châu Âu” nếu các lực lượng này được triển khai hay không.

Bà nhấn mạnh rằng “Nga đang đe dọa toàn bộ châu Âu”, cho rằng Washington không nên cố gắng đạt được một lệnh ngừng bắn “nhanh” nhưng tạo cơ hội cho Nga “tái huy động, tấn công Ukraine hoặc một quốc gia châu Âu khác”.

Triều Tiên tuyên bố vẫn theo đuổi sức mạnh hạt nhân

Ngày 18-2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định nước này vẫn sẽ tiếp tục củng cố lực lượng hạt nhân của mình.

KCNA cũng khẳng định Mỹ vẫn theo đuổi kế hoạch "lỗi thời, vô lý" về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ám chỉ cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Đức hồi tuần trước.

Tại đây, ba ngoại trưởng đã ra thông báo chung về việc cam kết hoàn thành phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Máy bay hạ cánh lật ngửa, không ai thiệt mạng

Tin tức thế giới 18-2: Mỹ bỏ ngỏ, châu Âu tranh cãi việc huy động quân đến Ukraine - Ảnh 5.

Máy bay hãng Delta Air Lines hạ cánh xuống sân bay Pearson (Canada) trong tình trạng ngửa bụng lên trời - Ảnh: AFP

Ngày 17-2, máy bay chở 80 hành khách của Hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) gặp sự cố và phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pearson Toronto (Canada) trong tình trạng lật ngửa bụng lên trời trên đường băng phủ tuyết.

Máy bay chở 80 hành khách của Delta Air Lines lật ngửa bụng khi hạ cánh ở Canada

Cơ quan chức năng cho biết toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã được sơ tán an toàn. Sự cố khiến tám người bị thương, trong đó chỉ có một trường hợp bị thương nghiêm trọng.

Video được đăng tải bởi News Channel3 Now cho thấy một chiếc máy bay của Delta Air Lines (DAL.N) lật ngửa trên đường băng phủ tuyết, trong khi người dân đang đi bộ ra khỏi máy bay.

Vụ tai nạn diễn ra trong bối cảnh thời tiết gió mạnh và nhiệt độ cực lạnh. Một cơn bão tuyết hồi cuối tuần đã khiến nhiều chuyến bay bị hoãn và tuyết rơi với độ dày lên đến hơn 22cm tại sân bay Pearson.

Cầu nguyện

Tin tức thế giới 18-2: Mỹ bỏ ngỏ, châu Âu tranh cãi việc huy động quân đến Ukraine - Ảnh 1.

Các nhà sư Thái Lan cầu nguyện tại chùa Wat Dhammakaya thuộc tỉnh Pathum Thani - Ảnh: Anadolu

Tin tức thế giới 18-2: Mỹ bỏ ngỏ, châu Âu tranh cãi việc huy động quân đến Ukraine - Ảnh 2.Tin tức thế giới 17-2: Ông Trump sẽ gặp ông Putin 'sớm thôi'; Mỹ giải thích về cách đàm phán

Ông Trump tin sẽ gặp Tổng thống Nga Putin 'rất sớm'; Ngoại trưởng Mỹ khẳng định không gạt châu Âu và Ukraine khỏi đàm phán với Nga; Cơ quan hạt nhân Mỹ loạn vì nhận thông báo sa thải rồi lại hủy bỏ... là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 17-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên