
Thế giới trông chờ viễn cảnh tổng thống Nga, Mỹ và Ukraine sẽ trực tiếp gặp mặt tại Istanbul trong hai ngày tới - Ảnh: REUTERS
Mỹ cử Ngoại trưởng Rubio dự đàm phán Nga - Ukraine, nêu điều kiện để ông Trump dự
Theo Hãng tin Reuters, ngày 13-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ cử Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và "các quan chức khác" đến dự cuộc đàm phán Nga - Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 15-5 tới.
Cuộc đàm phán tới đây được xem là sự kiện nóng bậc nhất tuần do đây là lần đầu tiên Matxcơva và Kiev chọn ngồi lại đàm phán trực tiếp với nhau kể từ khi việc đàm phán đổ bể hồi năm 2022.
"Chúng tôi sẽ xem xem có kết thúc mọi việc được không", ông Trump chia sẻ.
Trong khi đó, Đặc phái viên của ông Trump với Ukraine, ông Keith Kellogg, khẳng định ông Trump sẽ thân chinh đến Istanbul dự đàm phán nếu ông Putin cũng làm vậy.
"Chúng tôi hy vọng Tổng thống Putin cũng sẽ xuất hiện, và khi ấy Tổng thống Trump sẽ đến (Istanbul). Đây có thể là một cuộc gặp cực kỳ đặc biệt. Tôi thật sự tin rằng chúng ta có thể đạt hòa bình khá nhanh nếu ba nhà lãnh đạo chịu ngồi xuống và thương thảo", ông Kellogg chia sẻ trên Đài Fox.
Trước đó, ngày 13-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định sẽ chỉ đến Istanbul để gặp ông Putin và từ chối tiếp bất kỳ quan chức Nga nào khác.
Đến nay Điện Kremlin vẫn từ chối bình luận về khả năng tham dự của ông Putin.
Pháp lại dọa Nga bằng biện pháp trừng phạt

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: REUTERS
Ngày 13-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu Matxcơva không đồng ý ngừng bắn trong vòng đàm phán tại Istanbul sắp tới.
Ông Macron đề cập những lĩnh vực trừng phạt tiềm năng gồm dịch vụ tài chính và dầu khí.
"Chúng tôi có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong những ngày tới. Chúng tôi đang phối hợp về vấn đề này", tổng thống Pháp chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn truyền hình.
Phát biểu của ông Macron nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Đức Friedrich Merz trước đó cùng ngày, khi ông Merz nhấn mạnh các đồng minh châu Âu sẽ "siết chặt đáng kể các lệnh trừng phạt" nếu ông Putin không chấp nhận ngừng bắn với Ukraine.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành tổng cộng 16 vòng trừng phạt nhắm vào Nga và được cho là đang cạn dần những đối tượng để... trừng phạt thêm.
Hồi tuần trước, ông Macron, ông Merz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng đã cảnh báo tăng cường trừng phạt Nga nếu không chịu ngừng bắn. Lời đe dọa này cũng đã bị Matxcơva "bỏ ngoài tai".
Nga bác bỏ phán quyết về vụ bắn rơi máy bay MH17

Các mảnh vỡ của máy bay MH17 được lắp ráp lại tại Hà Lan - Ảnh: REUTERS
Ngày 13-5, Điện Kremlin đã bác bỏ phán quyết của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến vụ máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine hôm 17-7-2014, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Khi ấy chiếc máy bay trên bay vào vùng trời phía đông Ukraine, nơi đang là khu vực giao tranh giữa lực lượng dân quân thân Nga và quân đội Chính phủ Ukraine. Chiếc máy bay xấu số đã bị khí tài phòng không của một phe tham chiến đánh trúng.
Phán quyết mới đây của ICAO khẳng định Matxcơva là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn thương tâm trên.
Kết luận này lập tức khiến Nga lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Lập trường của chúng tôi đã rõ. Mọi người đều biết rằng Nga không phải là quốc gia tham gia cuộc điều tra vụ việc này, vì vậy chúng tôi không chấp nhận bất kỳ kết luận thiên vị nào".
Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố riêng bác bỏ phán quyết của hội đồng hàng không, nhấn mạnh: "Nga sẽ không công nhận quyết định của hội đồng. Nó không có tính hợp pháp".
Thay vào đó, bộ này cho rằng "bên có lỗi chính" trong sự việc năm 2014 là Chính phủ Ukraine ở Kiev.
Dù vụ việc xảy ra năm 2014 nhưng cuộc điều tra của ICAO chỉ mới được khởi động năm 2022, sau khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ.
Cuộc điều tra được khởi động sau khi Úc và Hà Lan, hai nước có nhiều nạn nhân nhất trong cuộc tai nạn và cũng là hai đối tác của Ukraine, khiếu nại với ICAO về trách nhiệm của Nga trong vụ việc.
Cựu tổng thống Uruguay José "Pepe" Mujica từ trần

Cựu tổng thống Uruguay José "Pepe" Mujica vào tháng 11-2024 - Ảnh: REUTERS
Cựu tổng thống Uruguay José "Pepe" Mujica, người được thế giới biết đến như "vị tổng thống nghèo nhất thế giới", đã từ trần vào ngày 13-5 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư thực quản.
Ông Mujica sinh năm 1935, cựu chiến binh du kích, đã trở thành tổng thống Uruguay và là biểu tượng của những nhà cách mạng thế giới. Ông đã đấu tranh chống lại hệ thống chính trị độc tài quân sự và từng bị bắt giam, tù đày trong suốt 14 năm.
Sau khi nền dân chủ được tái lập tại Uruguay, ông Mujica đã ra tranh cử tổng thống và đắc cử vào năm 2010. Ông cầm quyền tại Uruguay trong giai đoạn 2010-2015 và trở thành vị tổng thống được yêu mến nhất bởi người dân coi ông là tấm gương về sự thẳng thắn, trung thực và công bằng.
Thông tin về sự ra đi của ông được Tổng thống Uruguay Yamandú Orsi công bố, gây xúc động sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khu vực Mỹ Latin.
Mỹ gỡ toàn bộ lệnh trừng phạt với Syria

Ông Trump phát biểu tại diễn đàn đầu tư ở Riyadh (Saudi Arabia) ngày 13-5 - Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 13-5, tại Saudi Arabia, ông Trump đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của Washington nhắm vào Syria.
Tổng thống Mỹ khẳng định tại một diễn đàn đầu tư ở thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) trong khuôn khổ chuyến công du các nước vùng Vịnh: "Tôi sẽ ra lệnh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria để trao cho họ một cơ hội vươn tới sự vĩ đại... Đây là thời khắc của họ để tỏa sáng.
Chúng tôi sẽ gỡ bỏ toàn bộ. Chúc may mắn, Syria, hãy cho chúng tôi thấy điều gì đó thật đặc biệt".
Quyết định trên được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp dự kiến của ông Trump với tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, nhiều khả năng sẽ diễn ra ngay trong ngày 14-5.
Tổng thống Mỹ cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi ông trao đổi và được Thủ tướng kiêm Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vận động.
Ông Trump chê trách Iran là "thế lực hủy diệt nhất"
Cũng tại sự kiện trên, ông Trump đã chỉ trích Iran là "thế lực hủy diệt nhất" ở Trung Đông. Ông cho rằng Tehran cần đưa ra sự lựa chọn giữa tiếp tục theo đuổi "hỗn loạn và khủng bố" và con đường hòa bình.
Tổng thống Mỹ khẳng định hai lựa chọn này vừa là "lời cảnh báo cuối cùng" vừa là "cơ hội ngoại giao" cho Tehran.
Đáng chú ý, ông Trump chia sẻ ông sẵn sàng ký một thỏa thuận mới với Iran, nhưng chỉ khi các nhà lãnh đạo nước này thay đổi định hướng đất nước.
Ông tuyên bố: "Tôi muốn đạt được một thỏa thuận với Iran. Nhưng nếu giới lãnh đạo Iran từ chối cành ô liu này, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc áp đặt áp lực tối đa trên quy mô lớn".
Tổng thống Mỹ không kêu đặt ra "lằn ra đỏ", rằng "Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân", đồng thời nhấn mạnh đề nghị đàm phán của ông sẽ không tồn tại mãi mãi.
Thẩm phán Mỹ ủng hộ ông Trump dùng đạo luật thời chiến để trục xuất người nhập cư
Ngày 13-5, thẩm phán liên bang Stephanie Haines tại bang Pennsylvania đã phán quyết rằng Chính phủ Mỹ có thể sử dụng Đạo luật Kẻ thù từ nước ngoài năm 1798 để đẩy nhanh việc trục xuất các thành viên băng đảng Venezuela bị buộc tội ở bang này.
Từ hồi tháng 3, tổng thống Mỹ đã viện dẫn đạo luật này làm cơ sở pháp lý để trục xuất hàng trăm người bị cáo buộc là thành viên của một băng đảng tội phạm tên là Tren de Aragua.
Phán quyết của bà Haine công nhận thẩm quyền của ông Trump trong việc tuyên bố băng đảng trên là một tổ chức khủng bố và trục xuất các thành viên của nhóm này theo Đạo luật Kẻ thù từ nước ngoài.
Qua đó, bà Haines trở thành thẩm phán đầu tiên ủng hộ quan điểm sử dụng đạo luật này của chính quyền ông Trump.
Tuy nhiên, bà Haines vẫn yêu cầu chính quyền thông báo cho người bị trục xuất sớm ít nhất 21 ngày và cho phép họ có cơ hội phản bác quyết định trục xuất.
Lễ hội lửa

Người dân thực hiện nghi lễ với lửa tại Lễ hội lửa Bealtaine ở Rathnew, Ireland, qua đó đánh dấu sự khởi đầu của mùa hè - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận