
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu trước báo giới sau cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 11-5 - Ảnh: REUTERS
Mỹ và Trung Quốc "đạt tiến triển đáng kể" sau hai ngày đàm phán tại Geneva
Ngày 11-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thông báo đã có "tiến triển đáng kể" trong các cuộc đàm phán giữa phái đoàn của ông và phái đoàn của Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Geneva, nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo Hãng tin Reuters.
Bộ trưởng Bessent cho biết ông sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết vào ngày 12-5, trong khi Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer - cũng tham gia các cuộc đàm phán - cho biết những khác biệt giữa hai bên không lớn như đã nghĩ trước đây.
Phát biểu với phóng viên sau hai ngày đàm phán 10 và 11-5, ông Bessent cho biết đã thông báo cho Tổng thống Donald Trump về tiến triển của cuộc đàm phán.
Tại Geneva, Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chia sẻ với phóng viên rằng đàm phán đạt được "tiến triển đáng kể", mô tả bầu không khí là "thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng", đồng thời nói thêm rằng thông cáo chung sẽ được đưa ra trong ngày 12-5.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Lý Thành Cương cho biết hai nước nhất trí thiết lập một cơ chế chung, tập trung cho việc liên lạc để giải quyết những bất đồng liên quan tới các vấn đề thương mại.
Ông Trump tiết lộ sẽ ký sắc lệnh nhằm giảm giá thuốc tại Mỹ
Ngày 11-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ về chính sách mới đối với dược phẩm, mà theo ông sẽ giúp giảm từ 30 - 80% giá thuốc theo toa tại Mỹ, sau nhiều năm giá thuốc tại nước này cao hơn rất nhiều so với ở các nước khác.
"Chúng sẽ tăng giá trên khắp thế giới để cân bằng lại, và lần đầu tiên sau nhiều năm sẽ mang lại sự công bằng cho nước Mỹ" - ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social, đồng thời cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để chính sách mới này có hiệu lực vào lúc 9h sáng 12-5 (giờ Mỹ).

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 9-5 - Ảnh: REUTERS
Philippines bầu cử, với tâm điểm là cuộc đối đầu Marcos - Duterte
Ngày 12-5, hàng triệu người dân Philippines sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đang được xem như cuộc trưng cầu ý dân về cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Ferdinand Marcos và Phó tổng thống bị luận tội Sara Duterte, theo Hãng tin AFP.
Các nhân viên bầu cử tại thủ đô Manila đã khẩn trương lập các điểm bỏ phiếu vào ngày 11-5 cho cuộc đua sẽ quyết định hơn 18.000 vị trí, từ ghế tại Hạ viện Philippines đến các văn phòng thành phố.
Tuy nhiên, cuộc đua vào Thượng viện mới tác động lớn đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2028. 12 thượng nghị sĩ được bầu vào ngày 12-5 sẽ chiếm một nửa thành viên bồi thẩm đoàn trong phiên tòa luận tội bà Duterte dự kiến diễn ra vào tháng 7.
Nga tố Ukraine tấn công tên lửa vào vùng Kursk
Ngày 11-5, ba người bị thương trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine tại thị trấn Rylsk thuộc vùng Kursk của Nga. Thông tin này được Hãng tin TASS dẫn lại từ thống đốc vùng Alexander Khinshtein.
Cuộc tấn công bằng tên lửa đã trúng một tòa khách sạn. "Hai người bị thương nghiêm trọng do mảnh đạn ở đầu và cánh tay, cũng như gãy xương, đang trong tình trạng nghiêm trọng. Trong khi đó một người phụ nữ bị thương do mảnh đạn ở cẳng tay và đùi, nhưng không đe dọa tới tính mạng" - ông Khinshtein nói.
Iran không chấp nhận yêu cầu từ bỏ chương trình hạt nhân
Ngày 11-5, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tuyên bố Iran không thể chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc từ bỏ chương trình hạt nhân hòa bình để tiếp tục đàm phán về thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Pezeshkian phát biểu: "Iran không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Mỹ nói với chúng tôi rằng họ muốn chắc chắn chúng tôi không muốn có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng cho điều này. Nhưng yêu cầu chúng tôi từ bỏ nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình hạt nhân hòa bình để họ bắt đầu đàm phán với chúng tôi là hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Đài Loan muốn hợp tác an ninh và công nghệ với Mỹ bất chấp rào cản thương mại
Ngày 11-5, một quan chức Đài Loan cho biết hòn đảo này đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế với Mỹ bất chấp thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp dụng, theo Hãng tin AFP.
"Chúng tôi đã thấy cả thế giới bày tỏ lo ngại về vấn đề thuế quan. Và lãnh đạo của chúng tôi, ông Lại Thanh Đức, đã gặp người đứng đầu các công ty lớn của Đài Loan cả chục lần, và điều này cũng cho thấy mối lo ngại của họ" - ông Kung Ming-hsin, một quan chức Đài Loan và là nhà kinh tế, nói với AFP.
Tuy nhiên, chia sẻ trong chuyến đi tới Washington dự hội nghị thượng đỉnh đầu tư, ông Kung đề nghị hai nước có thể hợp tác về an ninh và công nghệ. "Chúng ta có thể cùng nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực máy bay không người lái, ví dụ như vậy" - vị này nói.
Ngồi đờ đẫn

Các thí sinh tham gia cuộc thi "ngồi đờ đẫn" (space-out) tại công viên sông Hàn Banpo ở Seoul, Hàn Quốc vào hôm 11-5. Người chiến thắng sẽ được xác định dựa trên mức độ ổn định của nhịp tim và bình chọn của khán giả - Ảnh: XINHUA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận