30/03/2025 05:35 GMT+7

Tin tức sáng 30-3: Tốc độ già hóa dân số Việt Nam nhanh nhất châu Á, TP.HCM già nhanh nhất nước

Tin tức đáng chú ý: Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất châu Á; Mỗi năm ghi nhận 6.200 ca ung thư liên quan HPV; Chuyên gia phân tích về đầu cơ bất động sản theo sóng sáp nhập, nhìn từ trường hợp Hà Tây...

già hóa - Ảnh 1.

TP.HCM đang là địa phương có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất cả nước - Ảnh: THU HIẾN

Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất châu Á

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri Bạc Liêu kiến nghị tăng cường các chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giám sát việc thực hiện chính sách tại cơ sở, nâng mức kinh phí hỗ trợ cho các chi hội người cao tuổi.

Bộ Y tế cho hay, theo dữ liệu cư dân quốc gia, cả nước hiện có 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm 16% dân số. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già là 17 - 20 năm, ngắn hơn so với các nước khác.

TP.HCM hiện là địa phương có chỉ số già hóa dân số dẫn đầu cả nước. Hiện thành phố có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 12,05% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên tại TP.HCM sẽ đạt 20% (khoảng 1,8 triệu người).

Hằng năm, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 28.000 tỉ đồng để chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm được hỗ trợ, trong đó có người cao tuổi.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi để đánh giá tình hình, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách với người cao tuổi.

Chuyên gia đánh giá đầu cơ bất động sản theo sóng sáp nhập, nhìn từ Hà Nội - Hà Tây

Chính phủ Việt Nam đang xem xét việc sáp nhập các tỉnh, giảm từ 63 tỉnh, thành xuống còn khoảng 50% đơn vị và bỏ đơn vị hành chính cấp quận, huyện.

Theo ông Steven Woo (khối phân tích chứng khoán VNDirect), việc sáp nhập tỉnh dự kiến sẽ đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản dân cư về dài hạn, nhưng cũng đối mặt những thách thức và tác động ngắn hạn.

Trong ngắn hạn, ông Steven Woo lo ngại thị trường xảy ra tình trạng đầu cơ lướt sóng và sốt giá ảo do tâm lý FOMO. Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản tăng đáng kể tại một số khu vực như huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) hiện tăng 41%, Thuận An (tỉnh Bình Dương) tăng 26%, thành phố Dĩ An (Bình Dương) tăng 23%.

Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây

Để cảnh báo nhà đầu tư, ông Steven Woo lấy dẫn chứng trong quá khứ, khi tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) sáp nhập vào Hà Nội (2008), nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã kỳ vọng giá sẽ tăng mạnh sau sáp nhập.

Tuy nhiên, chuyên gia VNDirect cho biết chỉ có giá đất tại thị xã Hà Đông (một phần của Hà Tây được sáp nhập với Hà Nội) dọc tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, giá tăng đạt 45 - 50 triệu đồng/m2 (tăng từ 12 - 15 triệu đồng/m2 năm 2008). Ngược lại, các khu vực còn lại không có sự tăng giá mạnh sau giai đoạn sốt đất.

Mỗi năm Việt Nam có 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV

Ngày 29-3, tại Hà Nội, Bộ Y tế chính thức phát động chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV" nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi phòng ngừa các bệnh lý và ung thư do vi rút HPV gây ra. 

Chiến dịch tập trung mở rộng phạm vi tiếp cận, kết nối với tổ chức y tế và ban ngành liên quan để triển khai các giải pháp truyền thông đồng bộ.

HPV là một loại vi rút gây u nhú phổ biến ở người, có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo và các bệnh khác như mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ.

Theo thống kê từ Globocan 2022, mỗi năm có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV tại Việt Nam, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. 

Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Dự báo đến năm 2070, khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do căn bệnh này. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho đến nay việc xác định nguyên nhân gây bệnh ung thư còn khó khăn, riêng ung thư cổ tử cung các nhà khoa học chứng minh nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm vi rút HPV. 

Vi rút này lây chủ yếu qua đường tình dục. Không chỉ gây ung thư cổ tử cung, HPV còn gây ra một số bệnh ung thư khác như ung thư âm đạo, dương vật…

Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm hoàn toàn có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin phòng HPV hoặc sàng lọc sớm phát hiện tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư. Các tổn thương tiền ung thư có thể điều trị khỏi hoàn toàn với các phương pháp khá đơn giản, chi phí thấp.

Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu tăng cường kiểm soát lây nhiễm sởi tại bệnh viện

già hóa - Ảnh 2.

Thời gian qua các tỉnh miền Nam dẫn đầu về ca mắc bệnh sởi, một người mắc có thể lây cho 12-18 người - Ảnh: TTO

Bộ Y tế ngày 29-3 đã có văn bản hỏa tốc gửi lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh, sở y tế các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cho hay trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong những tháng gần đây, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý 1 năm 2025 so với năm 2024, đã có một số trường hợp người bệnh tử vong liên quan đến bệnh sởi.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị xây dựng, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng chống bệnh sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp người nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh và nhập viện, gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Đồng thời tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo người nhà người bệnh, người nghi mắc sởi, người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan bệnh như đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi…

Về tổ chức phân luồng sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị sởi, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi.

Đối với các ca bệnh sởi nặng, cần phải điều trị hồi sức tích cực, bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Thực hiện điều chỉnh quy mô giường bệnh, bổ sung nhân lực phù hợp và theo đúng quy định hiện hành để đáp ứng công tác điều trị, giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo.

già hóa - Ảnh 3.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 30-3. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

già hóa - Ảnh 4.

Tin tức thời tiết đáng chú ý hôm nay 30-3 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

già hóa - Ảnh 5.

Tin tức sáng 30-3: Tốc độ già hóa dân số Việt Nam nhanh nhất Châu Á, TP.HCM già nhanh nhất nước - Ảnh 5.Tin tức sáng 29-3: Giá rao bán bất động sản tăng ở các địa phương khi chuẩn bị sáp nhập

Tin tức đáng chú ý: Tạm dừng lưu thông 2 lô phụ gia thực phẩm hương cà phê và hương bơ; Giá rao bán bất động sản tăng mạnh nhưng lượng quan tâm giảm ở một số nơi; Trình UNESCO đưa 'Võ cổ truyền Bình Định' vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên