Hồ sơ trả lời chất vấn, bản thuyết trình, giải trình của Quốc hội, Chính phủ thời hạn bảo quản là vĩnh viễn
Quy định mới về thời hạn bảo quản tài liệu liên quan cán bộ
Bộ Nội vụ đã có thông tư mới quy định thời hạn bảo quản tài liệu của cơ quan nhà nước.
Trong đó, thông tư quy định đối với hồ sơ trả lời chất vấn, bản thuyết trình, giải trình của Quốc hội, Chính phủ thời hạn bảo quản là vĩnh viễn. Hồ sơ trả lời chất vấn, bản thuyết trình, giải trình của cơ quan, cá nhân khác thời hạn bảo quản là 10 năm…
Đối với tài liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gồm hồ sơ xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức; hồ sơ xây dựng, ban hành đề án vị trí việc làm; hồ sơ về xây dựng, giao, điều chỉnh, thực hiện chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức có thời hạn bảo quản là vĩnh viễn.
Về tài liệu quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức gồm phiếu tín nhiệm quy hoạch có thời hạn bảo quản là 5 năm. Các thành phần tài liệu khác có thời hạn 10 năm.
Hồ sơ về tiếp nhận, điều động, luân chuyển, kỷ luật, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, giáng chức, từ chức… đối với cán bộ, công chức, viên chức có thời hạn 20 năm.
Thoái vốn nhà nước thu về hơn 3.671 tỉ đồng
Báo cáo về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết trong 2 năm 2021 - 2022, có 5 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt.
Năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỉ đồng, thu về 4.402 tỉ đồng.
Bao gồm thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với trị giá 52,8 tỉ đồng, thu về 85,1 tỉ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với trị giá 1.612 tỉ đồng, thu về 4.317 tỉ đồng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 592,9 tỉ đồng, thu về 3.671,4 tỉ đồng.
Thêm 107 triệu USD được rót vào năng lượng gió tại Việt Nam
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký gói tài trợ dự án trị giá 107 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió BIM để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88MW ở tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.
Điện gió ở Việt Nam - Ảnh: N.KH.
Nhà máy điện này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu với việc bù trừ khoảng 215.000 tấn carbon dioxide mỗi năm.
Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp bao gồm 25 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Hong Kong Mortgage Corporation Limited, 17 triệu USD từ Sumitomo Mitsui, 18 triệu USD từ ING và 9 triệu USD từ Cathay United.
Ông Jackie B. Surtani - trưởng Ban Tài chính cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB - nhận định: "Dự án này là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và công cuộc phục hồi đang diễn ra của Việt Nam nhờ việc mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia và đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng không".
TP.HCM hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành khách sạn
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố đã có 4.426 cơ sở lưu trú du lịch các loại với hơn 60.000 phòng kinh doanh.
Hành khách quốc tế đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong đó có 326 khách sạn từ 1 - 5 sao với 18.554 buồng/phòng kinh doanh, hơn 4.100 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với 42.755 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.
Theo Sở Du lịch TP, đến nay ứng dụng công nghệ số tại các khách sạn trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập do thiếu chiến lược thực hiện, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, chất lượng nhân sự triển khai và việc nắm bắt các công cụ mới cũng như hạ tầng thông tin còn hạn chế.
TP đang muốn đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực du lịch được bắt đầu từ chuỗi các khách sạn nhằm tăng trải nghiệm cho du khách, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu, giúp khách sạn tăng tính chuyên nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh với các khách sạn khác trong khu vực.
Đưa hàng ngàn sinh viên và người lao động khó khăn về quê ăn Tết
Ngày 12-1 sắp tới (tức ngày 21 tháng chạp âm lịch), tại Nhà văn hóa Thanh niên, chương trình “Chuyến xe mùa xuân” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM (SAC) tổ chức sẽ đưa các bạn sinh viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết.
Các bạn sinh viên được hỗ trợ về quê ăn Tết vào dịp Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh: BẠCH NAM
Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động chăm lo một cái Tết ấm no cho các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố do SAC cùng với Đoàn, Hội Sinh viên TP.HCM và các đơn vị khác thực hiện.
Theo thông tin của ban tổ chức, chương trình dự kiến hỗ trợ cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết cùng gia đình với chi phí ước tính là 200 triệu đồng.
Mỗi học sinh, sinh viên sẽ được chương trình hỗ trợ một vé xe và một phần quà. Trị giá vé xe và quà tương đương 1 triệu đồng.
Hà Nội chuyển lạnh, ca mắc sốt xuất huyết giảm
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, số ca mắc sốt xuất huyết cả nước tiếp tục giảm so với tuần trước song vẫn ở mức cao.
Tuần qua, cả nước ghi nhận 7.350 người mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (9.671/0), số ca mắc giảm 24%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 354.282 ca mắc sốt xuất huyết và ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (70.383/26) số ca mắc tăng 5 lần, số ca tử vong tăng 107 người.
Tại Hà Nội, tuần qua ghi nhận 1.165 ca mắc sốt xuất huyết, 2 ca tử vong.
Hiện nay, thời tiết Hà Nội đã chuyển sang mùa lạnh với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. CDC Hà Nội dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Tuy nhiên người dân tuyệt đối không được chủ quan với sốt xuất huyết, cần tiếp tục thực hiện những biện pháp phòng chống bệnh.
200 ca COVID-19 mới
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.523.367 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.452 ca).
Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ lớp 6 - Ảnh: NAM TRẦN
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 59 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 39 ca. Ngày 19-12 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.180 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 19-12 có 28.805 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 265.197.934 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận