
Nhân viên có các hành vi "giả bận rộn" để che giấu mục đích tìm việc làm mới - Ảnh do AI tạo
Xu hướng này được gọi là "ghostworking" đang tái định hình văn hóa công sở và phản ánh tâm lý luôn sẵn sàng rời đi của người lao động trong thị trường việc làm bất ổn. Báo cáo Work Change 2025 của LinkedIn cũng cho thấy gần 3/5 lao động toàn cầu dự định tìm việc mới trong năm nay.
Theo báo cáo State of Work Innovation 2024 của Asana, 65% nhân viên thừa nhận họ thực hiện các công việc không thiết thực "chỉ để tỏ ra bận rộn" mà người làm vậy có nguy cơ kiệt sức cao hơn 13%.
Nguyên nhân được cho là khủng hoảng trong việc tìm ý nghĩa công việc. Khi không thấy rõ vai trò của mình đóng góp gì cho mục tiêu chung, nhân viên dễ mất động lực.
Thêm vào đó, bất ổn kinh tế và nỗi lo mất việc khiến nhiều người trong trạng thái "phòng thân". Họ không chờ bị sa thải mới tìm cơ hội mới mà chủ động chuẩn bị trước. Không ít người cảm thấy bị đánh giá thấp, lương không tương xứng hoặc công việc không phù hợp mục tiêu nghề nghiệp.
Vấn đề lớn hiện nay là doanh nghiệp đang trả lương cho nhân viên để họ dành thời gian lên kế hoạch rời đi. Ghostworking dẫn đến lãng phí nguồn lực, bào mòn niềm tin và khiến việc đầu tư vào nhân viên trở nên vô nghĩa.
Khi quản lý giám sát nghiêm còn nhân viên luôn tìm cách che giấu, mối quan hệ lao động chuyển từ hợp tác sang đối đầu, nhân viên "trông có vẻ bận" chứ không làm việc thực sự.
Thay vì tập trung kiểm soát, người sử dụng lao động nên xem xu hướng ấy là dấu hiệu của mục tiêu công việc mơ hồ, thiếu cơ hội phát triển, cách quản lý kém hiệu quả, cấu trúc lương thưởng bất hợp lý hoặc công việc thiếu ý nghĩa.
Giải pháp được khuyến nghị là xây dựng môi trường làm việc dựa trên kết quả thay vì tính thời gian hiện diện, cung cấp lộ trình thăng tiến rõ ràng, điều chỉnh chế độ đãi ngộ phù hợp với giá trị nhân viên mang lại.
Nhưng ghostworking vẫn được dự báo gia tăng do các yếu tố như làm việc từ xa trở nên phổ biến, bất ổn nghề nghiệp, nhân viên chủ động dự phòng công việc và công nghệ hiện đại giúp tìm việc kín đáo, hiệu quả hơn.
Khảo sát của Resume Now hé lộ 24% người chỉnh sửa CV trên máy tính công ty, 23% nộp đơn xin việc trong giờ làm, 20% nghe điện thoại từ nhà tuyển dụng ngay tại văn phòng và 19% nghỉ ốm giả để đi phỏng vấn.
Ngoài ra còn có hành vi "giả bận rộn" như 23% vờ đi quanh văn phòng và cầm sổ tay, 22% gõ máy tính nhưng không phải giải quyết công việc, 15% đưa điện thoại lên tai nhưng không gọi ai, 15% mở màn hình nhưng xem nội dung không liên quan và 12% đặt lịch họp giả để tránh làm việc thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận