Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại chợ Thiếc (quận 10) - chợ "cõi âm" nổi tiếng nhất TP.HCM - vào chiều 21-1 (22 tháng chạp), các loại vàng mã, quần áo cúng ông Công, ông Táo được bày bán đa dạng mẫu mã, chủng loại.
Theo đó, bộ Táo Quân có giá dao động từ 20.000 - 250.000 đồng/bộ, tùy vào chất liệu và mức độ cầu kỳ. Ngoài ra, tiền vàng, thỏi vàng Thần Tài cũng được bán với giá từ 10.000 - 25.000 đồng/lễ.
Tương tự, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), các gian hàng bán vàng mã, bánh kẹo, trái cây và hoa cũng sôi động hơn song nhiều tiểu thương cho biết sức mua vẫn kém xa so với các năm trước.
Ông Trần Trọng Lâm - tiểu thương bán cá tại chợ Bà Chiểu - chia sẻ năm nay ông chỉ nhập khoảng 40-50kg cá để phục vụ nhu cầu của khách hàng mua cúng, bằng một nửa năm ngoái.
"Những năm trước, sát Tết khách mua đi cúng đền nhiều nhưng năm nay lượng giảm hẳn. Vào Tết ông Công, ông Táo, tôi phải thuê thêm người phụ bán nhưng năm nay chỉ có tôi và người nhà", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, một tiểu thương bán vàng mã tại chợ, tâm sự: "Những năm trước, người dân mua sắm từ rất sớm, còn năm nay dù ngày lễ đã cận kề nhưng khách vẫn vắng".
"Những bộ đồ ông Công, ông Táo cầu kỳ, giá hàng trăm ngàn đồng giờ khó bán. Khách chỉ chọn những bộ đơn giản giá 20.000 - 30.000 đồng. Trước đây họ còn mua thêm tiền vàng rời để cúng, nhưng năm nay chỉ mua đúng những gì cần thiết", bà Hoa nói thêm.
Không riêng vàng mã, mặt hàng hoa tươi cũng "ế" hơn so với mọi năm. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Anh Đào và ông Huỳnh Minh Tuấn, tiểu thương bán hoa tại chợ Thiếc, cho biết: "Những năm trước chúng tôi nhập cả ngàn bó cúc vạn thọ, nhưng năm nay chỉ dám nhập khoảng 200 bó. Từ sau dịch, việc buôn bán vẫn khó khăn, sức mua thấp hẳn".
Theo các tiểu thương, kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính khiến người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những món đồ cơ bản, vừa đủ để giữ nếp truyền thống. Bên cạnh đó, xu hướng sống xanh, giảm thiểu đốt vàng mã cũng góp phần làm sức mua giảm sút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận