TTCT - Những chạm trán trên Biển Đông ngày càng mang tính bạo lực hơn, nhưng những đụng độ đó có thể dẫn đến xung đột, thậm chí chiến tranh, phải chăng chỉ là chuyện giữa hai siêu cường? Vấn đề không đơn giản là “tránh chỗ nào khi trâu bò húc nhau?”, mà là trong tất cả những sự cố đó, pháp luật ở đâu? Một va chạm nhỏ giờ có thể đi kèm những hậu quả khôn lường ở Biển Đông. Ảnh: scmp.com Vụ một khu trục hạm Trung Quốc, chiếc Lan Châu, rượt theo khu trục hạm Mỹ USS Decatur hôm chủ nhật 30-9, qua mặt rồi tạt mũi chiếc Decatur ở khoảng cách 40m quả là quá dễ dẫn đến va chạm và xung đột. Người phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, Nate Christensen, nhận xét rằng tàu chiến Trung Quốc đã “áp sát một cách thiếu an toàn và không chuyên nghiệp”. Sẽ sớm có nạn nhân? Lịch sử hải chiến của loài người bắt đầu với chiến thuật lấy mũi tàu húc vào mạn tàu đối phương. Một trong những trận húc tàu đầu tiên được ghi nhận trong chính sử diễn ra ngày 10-3-241 trước Công nguyên, khi hạm đội La Mã do tư lệnh Gaius Lutatitus Catulus và phó tướng Quintus Valerius Falto chỉ huy, trong vị trí phòng thủ đã gỡ bỏ mọi vật dụng nặng như cột buồm, kho tàng dự trữ, để cho tàu thật nhẹ, di chuyển nhanh nhẹn chỉ với sức chèo của các nô lệ, nhắm vào từng con tàu một của hạm đội thành Carthage gồm đến 250 chiếc tàu buồm-chèo do Hanno đại đế chỉ huy mà húc. Tàu của quân Carthage, vừa chở lính đánh bộ, vừa chở quân nhu nặng nề do di chuyển xa, cứ thế mà bị húc chìm đến phân nửa! Trận đánh này đi vào lịch sử với tên gọi “trận Punic lần thứ nhất”. Từ đó tới nay, chiến thuật “xáp lá cà” trên biển đã không thay đổi nhiều. Trên mặt Biển Đông ngày 30-9 đó, những khả năng sau có thể đã xảy ra: (1) Nếu chiếc Decatur không “đảo tay lái hết cỡ qua trái” kịp thời, e rằng tàu đã húc vào thân phải chiếc Lan Châu. (2) Nếu chiếc Decatur trước đó không kịp đảo tay lái, mà cứ chạy tới trong khi chiếc Lan Châu đang ép từ trái qua phải, e rằng chiếc Decatur đã bị húc vào mạn trái, khoảng từ giữa thân tới mũi. (3) Cú húc từ những con tàu 7.000-8.000 tấn... sẽ không chỉ gây ra tổn thất ghê gớm cho tàu, mà chắc chắn sẽ kéo theo phản ứng. (4) Nếu “nạn nhân” là chiếc Lan Châu, với khả năng “nổi nóng trả đũa” (như đã có thể trù tính trước khi lên kế hoạch rượt ép), e rằng sẽ có súng nổ đạn bay. Tất nhiên, không chỉ từ khẩu hải pháo 100 li Type 210 trên chiếc Lan Châu, nhất là từ hai khẩu tiểu pháo 30 li Type 730 do hai tàu ở khoảng cách quá gần, mà còn cả các lực lượng hải-không quân khác đang chực sẵn... Lúc đó sẽ là một trận gió tanh mưa máu thật sự! Giả định này là khả dĩ căn cứ trên những kinh nghiệm năm ngoái khi hai khu trục hạm Mỹ USS Fitzgerald và USS John S. McCain liên tiếp bị tàu vận tải dân sự đụng “mém chìm” vào tháng 6 và tháng 8. Carl Schuster, một cựu sĩ quan hải quân, giải thích với CNN: “Dạo sau này, các tàu hải quân không còn hoạt động sát cạnh nhau nữa, nên thủy thủ đoàn mất bản năng và thiếu quan tâm khi có tàu khác chạy gần tàu họ”. Một cách nói “nhẹ nhàng” để mô tả tình trạng thiếu luyện tập các trường hợp cận chiến giả định như thực chiến, ỷ y rằng đã luyện hải hành theo đội hình, tập bắn đạn thật, kể cả tên lửa từ xa “bách phát bách trúng” là đủ rồi. Có thể, phía Trung Quốc, sau khi “nắm tẩy” của hạm đội 7 Hoa Kỳ, đã tập luyện ráo riết “tiếp cận” theo kiểu “không chuyên nghiệp” để tìm cơ hội “ra tay” sau khi đã mấy lần bực dọc chỉ biết bám theo các tàu hải quân Mỹ thực thi tự do hàng hải ngay trong phạm vi 12 hải lý các thực thể nhân tạo bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Vụ chiếc Decatur bị rượt húc cho thấy dường như nay là lúc mà Trung Quốc nhất định không còn có thể để yên cho hải quân Mỹ “tự do hàng hải” một cách nhởn nhơ và cười nhạo họ là “rồng giấy” được! Còn nếu như “nạn nhân” là chiếc Decatur, liệu tàu có nổ súng trả đũa, hoặc hơn nữa là được một lực lượng đồng đội nào đó ra tay trả đũa giùm và tiếp cận cấp cứu, bất chấp nguy cơ xung đột lan rộng? Liệu phe Mỹ đã được lệnh sẵn sàng “bắn trả” hay đã có nghiêm lệnh “không được bắn trả”? Tức là, siêu cường bằng giấy ở đây không chỉ có một bên mang tiếng! Cũng may trong vụ này, chiếc Decatur đã tránh kịp nên không có va chạm đáng tiếc xảy ra. Việc cách chức phó đô đốc tư lệnh hạm đội 7 Joseph Aucoin vào tháng 8-2017, và phó đề đốc Charles Williams - tư lệnh hải đoàn đặc nhiệm 70 cùng đại tá Jeffrey Bennett - chỉ huy hải đội tàu khu trục 15 cùng nhiều sĩ quan chỉ huy khác, ít ra đã khiến thủy thủ đoàn chiếc Decatur phải cảnh giác cao độ hôm 30-9. Nộ khí xung thiên Bốn ngày sau vụ va chạm, CNN loan tin: “Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ đã đưa ra một đề xuất mật, theo đó, họ sẽ tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng trên quy mô toàn cầu để cảnh cáo Trung Quốc, và để chứng minh Mỹ sẵn sàng ngăn chặn và chống lại hành động quân sự của Trung Quốc. Dự thảo đề xuất hạm đội Thái Bình Dương tiến hành một loạt hoạt động trong vòng một tuần vào tháng 11. Mục tiêu là hàng loạt cuộc diễn tập tập trung số đông tàu chiến, máy bay chiến đấu và quân đội để chứng tỏ Hoa Kỳ có thể chống lại những kẻ thù tiềm năng một cách nhanh chóng trên nhiều mặt trận. Kế hoạch đề xuất đưa các tàu thuyền và máy bay tới gần lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan trong các hoạt động tự do hàng hải để chứng tỏ quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế. Đề xuất này có nghĩa là tàu và máy bay Hoa Kỳ sẽ hoạt động sát các lực lượng Trung Quốc. Các quan chức quốc phòng nhấn mạnh rằng không có ý định gây chiến với Trung Quốc”. Một lần nữa, CNN được sử dụng như kênh thông tin “phi chính thức” của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngay lập tức, Hoàn Cầu Thời Báo cùng ngày trả lời: “Có phải Lầu Năm Góc sắp khởi động một cuộc khiêu khích quy mô lớn quanh Biển Đông và eo biển Đài Loan? Không thể xem tường trình của CNN như bằng chứng. Nhưng bài báo dường như khẳng định sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc. Rất có khả năng Mỹ sẽ tăng cường sự khiêu khích chống lại Trung Quốc”. Đánh giá tình hình xong, tờ báo lên giọng “cứng rắn” ngay như thường lệ: “Washington phải tự kiềm chế, bằng không Trung Quốc sẽ tăng tốc đối phó. Nếu Trung Quốc tăng cường các hoạt động để xua đuổi các tàu chiến Mỹ, Washington sẽ cảm thấy bị “khiêu khích”, thế là áp lực với Trung Quốc sẽ dịch chuyển sang phía Mỹ. Đó là cái giá mà Hoa Kỳ sẽ phải trả cho những khiêu khích leo thang”. Tờ báo so sánh xa - gần: “Sức mạnh của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) là đáng gờm ở các khu vực cận duyên của Trung Quốc. Trong khi quân đội Mỹ, về mặt chiến lược, dựa vào việc triển khai quân sự viễn dương, nên họ không thể nghĩ rằng họ ưu thế hơn Trung Quốc... Họ phải cân nhắc các phản ứng của Trung Quốc và điều đó không dễ dàng”. Quả thật là trên phương diện “cự ly”, Trung Quốc có thể coi như nắm ưu thế “sân nhà” ở các vùng biển kể trên. Hoàn Cầu Thời Báo dọa tiếp: “Chúng tôi kêu gọi Lầu Năm Góc nghĩ lại về áp lực mà Hoa Kỳ có thể cảm nhận thấy khi soạn thảo các kế hoạch khiêu khích Trung Quốc. Các khu vực ngoài khơi của Trung Quốc không phải là sân khấu cho các hành động đơn phương của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ”. Năm ngoái, khi hải quân Mỹ loan tin hạm đội 3 của họ đóng tại bờ Tây sẽ được chuyển sang Thái Bình Dương cùng hạm đội 7, tờ báo này từng có bài xã luận đại ý là Trung Quốc chấp luôn cả hai hạm đội đó. Hoàn Cầu Thời Báo kết luận: “Khi tiếp tục khiêu khích, Mỹ sẽ phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ hơn từ PLA, và tàu chiến hai bên sẽ được kéo đến sát nhau hơn trong tình huống đối đầu. Nếu điều đó xảy ra, quan hệ chiến lược Trung Quốc - Mỹ và hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ nằm trong tay các phi công, chỉ huy tàu, thậm chí cả các kỹ sư. Hòa bình và ổn định có thể ở trên bờ của sự sụp đổ tại một số thời điểm”. Thượng tôn pháp luật Cảnh cáo sau cùng này dễ tạo nên một tâm lý “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chịu”, thế cho nên phải tránh ra xa “cho lành”, và qua đó tự quên đi đâu là công lý, thậm chí quên đi luôn đó là công lý của chính bản thân. Xét cho cùng, mọi phân định đúng sai ở thời buổi này, nếu lại phải xử lý bằng súng đạn thì sẽ là một thảm kịch không với riêng nước nào hết. Các nước vẫn luôn phát biểu kêu gọi tuân thủ luật pháp, luật biển... và điều quan trọng là phải luôn suy nghĩ và hành động dựa trên luật pháp đó, mà mới nhất là phán quyết của Tòa trọng tài The Hague ngày 12-7-2016. Theo đó, “Tòa kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng chủ quyền biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất..., và kết luận rằng không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế”. Căn cứ phán quyết này thì mới thấy được đúng sai của mọi đụng độ. ■ Không chỉ có hai tay chơi Mới đây, Nhật Bản đã có những lên tiếng cần thiết kịp thời, như có thể thấy bên lề thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản hồi đầu tháng 10. Đáp lại, tham dự cuộc gặp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rõ ràng: “Việt Nam hoan nghênh lập trường và chia sẻ nhận thức của Nhật Bản về tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao góp phần thúc đẩy việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa một Biển Đông hòa bình và ổn định. Chúng tôi mong rằng: là một quốc gia có vị trí quan trọng trong khu vực và là một cường quốc trên thế giới, Nhật Bản tiếp tục thể hiện trách nhiệm và vai trò, cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, duy trì hòa bình, ổn định mang lại thịnh vượng cho khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung”. Tags: Biển ĐôngTrung QuốcTrên biển đông
Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định về 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, 3 cơ quan Đảng ở Trung ương THÀNH CHUNG 03/02/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm trao các quyết định thành lập 4 đảng bộ trực thuộc Trung ương Đảng, gồm Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ Quốc hội và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương.
Thủ tướng: Không để xảy ra vụ việc tương tự Ngân hàng SCB NGỌC AN 03/02/2025 Ngành ngân hàng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm chi phí để giảm lãi suất, tập trung tín dụng lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng.
Trấn Thành tự bênh Bộ tứ báo thủ; Sao Hoa ngữ tiếc thương Từ Hy Viên THƯỢNG KHẢI 03/02/2025 Một số tin nổi bật: Trấn Thành tự bênh khi Bộ tứ báo thủ bị chê; Sao Hoa ngữ tiếc thương sự ra đi của Từ Hy Viên; Vợ chồng Kanye West bị đuổi khỏi lễ trao giải Grammy 2025; Loạt sao nam bị tố quấy rối tình dục online nữ idol...
Bom nổ ở chung cư cao cấp giữa thủ đô Matxcơva TRẦN PHƯƠNG 03/02/2025 Một quả bom nổ tung sảnh của một tòa nhà chung cư cao cấp ở thủ đô Matxcơva của Nga, khiến ít nhất một người thiệt mạng và bốn người khác bị thương.