Tất cả những điều này đang từng ngày, từng giờ gây thiệt thòi quyền lợi cho người bệnh BHYT, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng và sức khỏe của người bệnh. Đại diện Sở Y tế TP.HCM đã phải bức xúc kêu rằng người bệnh đang bị cơ quan BHXH đặt lên bàn cân tính toán chi phí từng đồng. Rất tiếc là những tồn tại trên ai cũng nhìn thấy, báo chí phản ánh rất nhiều, người bệnh kêu ca khẩn thiết, cơ sở điều trị kiến nghị kéo dài, cơ quan BHXH nhiều khi cũng “muối mặt” vì công luận !
Song nhiều năm qua những cơ quan có trách nhiệm vẫn cứ đổ qua đổ lại không giải quyết được triệt để việc mở rộng quyền lợi cho người bệnh BHYT là do... cơ chế, chủ trương, chính sách, chỉ có Chính phủ mới giải quyết được... Chưa kể BHXH còn cho là nguồn thu có giới hạn mà đòi chi vô hạn thì không được, cần phải tăng mức đóng BHYT lên...
Song thực tế không hẳn là vậy. Ai cũng biết, tính đến năm 2002, BHYT cả nước đang kết dư hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu tính theo lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Công thương VN là 8%/năm thì một năm cơ quan BHYT có thêm 80 tỉ đồng tiền lãi.
Có lẽ vì điều này mà giám đốc một bệnh viện tại TP.HCM đã ví von rất hình tượng rằng trong khi BHYT ngày càng béo phì thì người bệnh và bệnh viện ngày càng suy dinh dưỡng! Tiền dư thì nhiều như thế và tiền thu BHYT được trong năm 2003 cũng đã tăng 100% do Nhà nước tăng mức lương tối thiểu từ 144.000đ/tháng lên 290.000đ/tháng.
Thế mà theo số liệu của ban giám định y tế của BHXH VN, chi phí khám chữa bệnh (KCB) thực tế của sáu tháng đầu năm 2003 cho người bệnh BHYT so với kế hoạch chi năm 2003 mới có 29,6% tổng quĩ thu được trong năm 2003 (hơn 463 tỉ đồng). Trong khi cùng kỳ năm 2002 chi phí KCB là 40%. Dự báo sử dụng quĩ KCB BHYT cả năm 2003 so với kế hoạch cũng chỉ khoảng 80-85%. Như thế có nghĩa là tiếp tục kết dư 15-20%. Trong khi đó chi phí KCB ngoại trú bình quân cả nước cho một bệnh nhân BHYT chỉ có 25.500đ/lần và nội trú là 428.000đ/đợt điều trị (trung bình 9,6 ngày).
Ai cũng biết BHYT là một bộ phận của chính sách an sinh xã hội, là biện pháp huy động sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng xã hội, đề cao tính nhân đạo, đảm bảo công bằng trong KCB cho mọi người dân. Tìm kiếm một giải pháp thích đáng, tích cực, phù hợp với tình hình thực tế để mở rộng và thực thi quyền lợi của người tham gia BHYT là trách nhiệm của cơ quan BHXH VN. Không thể tiếp tục kéo dài mãi tình trạng quĩ KCB BHYT cứ luôn kết dư, còn người bệnh thì mỏi mòn trông chờ quyền lợi được mở rộng... nhỏ giọt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận