22/01/2025 11:13 GMT+7

Tiệc tùng cuối năm liên miên, sinh viên khấm khá nhờ làm biên đạo

Không ít sinh viên đam mê và có chút năng khiếu nghệ thuật ngày bình thường đã khấm khá nhờ công việc biên đạo.

Tiệc tùng cuối năm liên miên, sinh viên khấm khá nhờ làm biên đạo - Ảnh 1.

Trường Giang (bìa phải) vừa biên đạo vừa biểu diễn trong chương trình chào đón tân sinh viên của trường - Ảnh: NVCC

Cuối năm, các bữa tiệc, liên hoan nhộn nhịp, kéo theo đó là nhu cầu biên đạo các tiết mục biểu diễn văn nghệ cũng nở rộ, sinh viên càng tranh thủ tăng thu nhập.

Nói về công việc biên đạo của sinh viên cũng khá đa dạng, từ dàn dựng các tiết mục biểu diễn văn nghệ cho học sinh các trường đến lên sườn chương trình và tập dượt cho nhân viên công ty thi văn nghệ, biểu diễn trong liên hoan cuối năm.

Do không quá đòi hỏi chất lượng nghệ thuật của các chương trình dạng này nên sinh viên được tin tưởng vì chi phí sẽ mềm hơn nhiều so với thuê chuyên gia hay biên đạo chuyên nghiệp.

Tôi thấy hài lòng vì công việc biên đạo đang làm giúp mình có thể tự chủ tài chính mà còn được theo đuổi đam mê nghệ thuật bản thân vốn yêu thích.

Sinh viên LÊ THỊ THANH TÂM (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)

Chịu khó làm cũng rủng rỉnh túi

Lê Ngọc Bảo Ngân (sinh viên năm thứ tư ngành Trung Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) bén duyên với nghề biên đạo ngay từ năm đầu đại học. Cô từng gắn bó với các câu lạc bộ nhảy múa từ thời phổ thông nên có chút rành về món này.

Ngân bắt đầu với các sân chơi nhỏ như thi flashmob, liên hoan văn nghệ tại trường và đôi khi làm trợ lý biên đạo cho các chương trình lớn. Sau một số chương trình biểu diễn thành công, cô bạn dần được nhiều người biết đến và bắt đầu được mời nhiều hơn. Hiện mỗi tháng Bảo Ngân nhận được vài ba dự án, tùy quy mô mà thù lao mỗi dự án từ 2 - 5,5 triệu đồng. Tính ra thu nhập mỗi tháng cũng tròm trèm chục triệu.

Chỉ riêng từ tháng 11-2024 đến nay, Ngân nhận lời biên đạo hơn chục chương trình văn nghệ cuối năm khi mùa cao điểm nhiều nơi tổ chức các sự kiện, liên hoan, tiệc tất niên... Đó là chưa kể đôi khi bắt được sô kỷ niệm thành lập công ty, đơn vị thì còn ấm hơn nữa.

"Thời điểm này là cơ hội nhận thêm nhiều dự án biên đạo, tranh thủ kiếm thêm thu nhập song cũng trùng với giai đoạn cao điểm thi học kỳ.

Mình cũng căng khi phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, để vừa có thể nhận dự án nhưng vừa đảm bảo tốt nhất việc học vì đó vẫn phải là nhiệm vụ hàng đầu. Cũng may là kỳ thi vừa qua khá suôn sẻ", Ngân cười.

Khác với Ngân, Lê Thị Thanh Tâm (sinh viên năm thứ tư ngành quản lý văn hóa Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chỉ nhận biên đạo các dự án vào tháng cuối năm, khi việc học đã hoàn tất. Có năm tập trung cao độ thời điểm này, Tâm kiếm được cả chục triệu chỉ trong tháng 12.

Năm nay, lịch làm việc của Tâm đã kín đến hết tháng 1, không chỉ cận mà còn qua cả Tết Nguyên đán. Ngoài thu nhập từ việc biên đạo, cô bạn còn có thêm nguồn khác khi được mời làm dancer và diễn viên cho các sô diễn bên ngoài.

Dĩ nhiên Tâm cũng phải đánh đổi không ít thời gian, sức lực cho từng dự án nhận được. Mỗi dự án nhận biên đạo kéo dài một vài tuần khiến Tâm gần như phải tận dụng tối đa mọi khoảng trống trong ngày. Ngay cả lúc nghỉ trưa hay ngồi trên xe buýt cũng phải tranh thủ lên ý tưởng.

Sinh viên làm biên đạo, dễ mà khó!

Nhiều người vốn nghĩ công việc thời vụ này có vẻ "ngon ăn" nhưng Lê Vũ Trường Giang (sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) đã làm biên đạo hơn nửa năm thì không hẳn vậy. Để trở thành biên đạo giỏi, Giang nói trước tiên cần có giọng nói tốt rồi tính sáng tạo, thẩm mỹ và khả năng truyền đạt.

Chưa kể việc tạo dựng mối quan hệ, xây dựng uy tín cũng đóng vai trò quan trọng bởi hầu hết dự án Giang nhận được đều từ khách hàng, bạn bè và đồng nghiệp giới thiệu. Cạnh đó, việc vừa học vừa làm cũng là một áp lực cần vượt qua. Giang bộc bạch: "Sự hạn chế thời gian, thay đổi bất ngờ từ khách hàng hay bí ý tưởng sáng tạo đều là những thử thách cần phải dự phòng và tìm cách vượt qua nếu muốn làm tốt".

Trong khi Thanh Tâm cho rằng công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn. Làm việc với diễn viên múa nghiệp dư cần từ từ hướng dẫn để mọi người không bị nản. Đồng thời cân nhắc động tác phù hợp để mọi người dễ diễn nhưng vẫn cần tạo ấn tượng cho tiết mục.

Làm nghề có lúc vui lúc buồn song mỗi chương trình đều có vài kỷ niệm đáng nhớ. Giang nhớ lần làm việc với một đội học sinh đã phải liên tục chỉnh sửa, yêu cầu các bạn tập đi tập lại đến mức có người khó chịu ra mặt, thậm chí có lúc còn không thèm chú ý đến góp ý của cô.

Thế nhưng trong buổi diễn chính thức, tất cả đều vượt mong đợi, các bạn thực hiện tốt từng chi tiết mà cô đã chỉnh sửa, dặn dò. Hoàn tất tiết mục, cả đám học sinh ùa xuống sân khấu ôm Giang cảm ơn khiến cô bạn xúc động rơi nước mắt. "Làm nghề, chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến mình hạnh phúc và thấy như được đền đáp, vậy là đủ rồi", Giang chia sẻ.

Sẽ theo đuổi nghề trong tương lai

Thanh Tâm khẳng định chắc chắn sẽ theo đuổi công việc biên đạo chuyên nghiệp trong tương lai. Cô bạn bật mí đã lập kế hoạch rõ ràng, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi thêm kỹ năng để phát triển bản thân, chuẩn bị tốt nhất sẵn sàng bước vào môi trường chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Trường Giang khiêm tốn chia sẻ: "Hiện tại nghề biên đạo chưa phải là công việc chính của mình và bản thân thấy vẫn cần phải học hỏi thêm nhiều nữa để hoàn thiện bản thân. Nhưng nếu có cơ hội và may mắn, mình tin đây sẽ là con đường tương lai mình theo đuổi".

Cuối năm sinh viên khấm khá nhờ làm biên đạo - Ảnh 2.Cuối năm mong Tết ấm: Sinh viên tăng ca kiếm gấp 3-4 lần, đến Tết nhớ nhà kinh khủng

Cận Tết, không chỉ người lao động mà sinh viên cũng chạy nước rút với công việc bán thời gian từ phục vụ quán ăn đến bán hàng siêu thị, bảo vệ, shipper... có mức lương gấp đôi, thậm chí gấp bốn so với ngày thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên