Nhằm góp thêm một góc nhìn cho chuyên mục Bạn đọc làm báo , Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết này:
"Gần 30 năm trước, trong tác phẩm "Một người Hà Nội", nhà văn Nguyễn Khải đã phải thốt lên trước những hành động cư xử không đẹp của một số người đại ý rằng: Đó là rác đấy, kinh tế càng phát triển thì rác rưởi càng nhiều chứ có gì lạ đâu!
Để dẹp được những câu văng tục chửi thề cần sự vào cuộc của cả xã hội. Hãy lên án những thói tật này ở mọi lúc, mọi nơi; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước và giới trí thức phải là người làm gương trước".
Vũ Trung Kiên
Cũng trong tác phẩm này, Nguyễn Khải đã kể về những con người một thời của Hà Nội. Đó là những người hết sức thanh lịch với những ứng xử tinh tế rất "Thăng Long - Hà Nội".
Đã có nhiều mổ xẻ về nguyên nhân của thói tục này mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đã chỉ ra như sự xô bồ trong phát triển; không gian, lối sống đô thị bị phá vỡ; mặt trái của kinh tế thị trường v.v…
Những nguyên nhân mà các nhà văn hóa, các chuyên gia chỉ ra không hẳn không đúng, song trên thế giới đâu phải chỉ có Việt Nam ta mới vấp phải những vấn đề này trong quá trình phát triển?
Có lẽ, ngoài những nguyên nhân kể trên thì những nguyên nhân như là chất "xúc tác" góp phần làm cho vấn nạn này trở nên báo động như hiện nay.
Không thể không kể tới, đó là đã có một thời gian dài, xã hội chạy theo những giá trị của đồng tiền mà xem nhẹ những giá trị văn hóa nhân bản cốt lõi; giáo dục đạo đức, giáo dục công dân gần như bị xem nhẹ; những nét đẹp, những chuẩn mực văn hóa, ứng xử không được tôn vinh một cách xứng đáng.
Đội ngũ cán bộ, công chức chưa gương mẫu và đặc biệt do ức chế nhiều vấn đề trong cuộc sống nên nhiều người không biết bày tỏ, giãi bày nơi đâu nên văng tục, chửi thề như là một cách để giải tỏa tâm lý…
Lo lắng về vấn nạn này trong lúc này là cần thiết. Song, ra tay, "tuyên chiến" lại càng cần thiết hơn bao giờ hết!Thế nhưng không phải lo lắng quá để bi quan, xã hội vẫn còn nhiều cái hay, cái đẹp mà phải đi sâu vào trong "lòng" nó ta mới hiểu hết.
Những người chân chính, thanh lịch vẫn rất nhiều. Hãy nhìn cách hành xử của những người trẻ Hà Nội trong những ngày diễn ra lễ tang đại tướng Võ Nguyên Giáp để tin rằng những thói hư tật xấu hôm nay chỉ là nhất thời.
Những giá trị văn hóa cốt lõi vẫn còn đó, những ứng xử tinh tế, nhân văn, rất tình người vẫn còn đó, nó chưa mất đi mà chỉ bị những lớp bụi hôm nay phủ mờ. Những giá trị văn hóa nền tảng cốt lõi này sẽ trở lại và sẽ rực sáng hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, để đến được điều này cần sự vào cuộc của cả xã hội. Hãy lên án những thói tật này ở mọi lúc, mọi nơi; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức Nhà nước và giới trí thức phải là người làm gương trước.
Hãy quan tâm nhiều hơn đến giáo dục của gia đình, nhà trường xã hội; tạo những phong trào sâu rộng lên án thói tật này và tôn vinh, cổ vũ những nét đẹp văn hóa, ứng xử trong cuộc sống, trong cộng đồng".
Làm sao hạn chế được việc nói tục chửi thề? Bạn có đồng ý với tác giả Vũ Trung Kiên: thay vì lo lắng về vấn nạn này hãy ra tay "tuyên chiến" với nó? Hãy gửi ý kiến của mình quan phần bình luận dưới bài viết hoặc gửi về email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận