Trong khoảng thời gian người khác làm thay, bãi giữ xe bị mất xe. Vậy tôi có phải bồi thường không?
Bạn đọc gửi câu hỏi.
- Luật sư Lê Hà My (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:

Luật sư Lê Hà My
Hành vi nhận giữ xe cho khách hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản mà "bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công" theo quy định tại điều 554 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong đó trường hợp bên giữ làm mất, hư hỏng xe mà khách hàng gửi thì bên giữ tài sản có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 4 điều 557 Bộ luật Dân sự 2015.
Cá nhân có thể làm việc cho chủ thể khác thông qua xác lập quan hệ lao động (bằng việc ký kết hợp đồng lao động theo điều 13 Bộ luật Lao động 2019) hoặc không xác lập quan hệ lao động (bằng việc ký kết hợp đồng dịch vụ theo điều 74 Luật Thương mại 2005 hoặc các loại hợp đồng khác).
Tùy vào loại hợp đồng mà anh giao kết với bên thuê anh làm bảo vệ, trách nhiệm bồi thường của anh trong trường hợp này như sau:
- Trường hợp 1: Các bên ký kết hợp đồng lao động
Trong trường hợp này, bên thuê anh làm bảo vệ là người sử dụng lao động và anh là người lao động. Do đó người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại mà người lao động gây ra cho một bên thứ ba khác.
Trên cơ sở đã thực hiện việc bồi thường, họ có quyền yêu cầu anh (là người có lỗi) hoàn trả một phần tiền theo quy định tại điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".
Theo điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì "cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".
- Trường hợp 2: Các bên ký kết hợp đồng dịch vụ
Anh là cá nhân cung cấp dịch vụ bảo vệ, trông giữ xe và được trả tiền từng ngày theo hợp đồng dịch vụ với bên thuê dịch vụ là công ty, cửa hàng...
Khi anh nhờ người khác làm thay, thì đây là chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho bên thứ ba theo điều 283 Bộ luật Dân sự 2015 và anh chỉ được chuyển giao nghĩa vụ cho người thứ ba khi được bên sử dụng dịch vụ đồng ý.
Cụ thể "Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ".
Trong trường hợp này, dù anh nhận được sự đồng ý của bên thuê dịch vụ hay không thì anh vẫn là người phải chịu trách nhiệm chính với bên thuê dịch vụ nếu thiệt hại khi ủy quyền cho người khác làm thay nhưng xảy ra mất tài sản.
Như vậy, anh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, trừ khi anh chứng minh được việc để mất xe của khách hàng là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại là khách hàng (khoản 2 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015).
Đối với người làm thay cho anh, người này chỉ buộc phải bồi thường thiệt hại nếu có thỏa thuận rõ ràng với anh khi nhận công việc được ủy quyền từ anh.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận