![Thủ tướng: Ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/img7498-17392541113781286105115-17392576623092127278164.jpg)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực HDBank, cho biết tập trung vốn hỗ trợ lĩnh vực công nghệ - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Sáng 11-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng dành vốn cho công nghệ, làm dự án hạ tầng
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề nghị các giải pháp trọng tâm, đột phá. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực HDBank, cho biết sau cuộc gặp Tổng thống Donald Trump, hiện nay HDBank và các đối tác đang phối hợp thực hiện các hợp đồng 48 tỉ USD với các tập đoàn lớn của Mỹ và đang thương lượng tăng lên 64 tỉ USD, tạo ra 500.000 việc làm.
Cùng với các chương trình chuyển đổi số, HDBank đã hỗ trợ hoạt động quỹ đầu tư AI và Blockchain, sẵn sàng vốn tài trợ doanh nghiệp lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao. Theo đó, bà Thảo kiến nghị thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn; giữ ổn định lãi suất, điều hành tỉ giá linh hoạt.
Ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch TP Bank, mong muốn góp phần để đất nước có 3.000km cao tốc. Vì vậy ngân hàng đã tham gia nhiều dự án, như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và gần đây ký hợp đồng tín dụng 2.400 tỉ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và sẽ giải ngân ngay trong tuần này. Vì vậy ông kiến nghị tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Giao cho Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất từ 8% trở lên thì tăng trưởng tín dụng trên 16%. Vì vậy, ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
![Thủ tướng: Ngân hàng hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/img7509-17392541737541593994297-1739257662323960499.jpg)
Các ngân hàng cần hy sinh một phần lợi nhuận, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, giảm lãi suất - Ảnh: VGP
Giảm lãi suất, triển khai gói tín dụng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra các giải pháp là cần tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.
Tập trung tín dụng, góp phần làm mới ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn.
Các ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai đề án 06; triển khai nghị quyết 57 về khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, những biểu hiện tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động ngân hàng, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của những người làm ngân hàng vì mục tiêu chung là xây dựng đất nước, góp phần chia sẻ những khó khăn.
Các ngân hàng tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực.
Các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý ngân hàng cần góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì số doanh nghiệp này chiếm tỉ trọng rất lớn, giải quyết nhiều việc làm.
Các ngân hàng hoạt động đúng luật, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, bởi theo Thủ tướng những sai phạm vừa qua liên quan đến trái phiếu có phần trách nhiệm của các ngân hàng.
Việc này cần rà soát, chấn chỉnh lại đạo đức kinh doanh, phải loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể đẩy khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn, trục lợi từ khách hàng. Cơ quan thanh tra của ngành ngân hàng cũng cần hoạt động hiệu quả hơn.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời sửa đổi quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận