
Thu gom rác dân lập tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN
Đây là mức thu áp dụng khi TP.HCM chưa triển khai phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy ủng hộ nhưng nhiều người cho rằng rất khó phân định khối lượng rác nếu không có cách xác định cụ thể và áp dụng hợp lý.
2 hướng đơn giá rác, 3 cách tính khối lượng
Nếu như trước đây UBND TP.HCM ban hành giá sàn chung, các quận huyện căn cứ để xây dựng đơn giá thu gom và vận chuyển, thì nay điểm mới là việc ban hành mức giá cụ thể cho từng khu vực.
Theo đó, toàn TP.HCM được chia làm ba khu vực gồm Bình Chánh - Củ Chi, Cần Giờ - Nhà Bè - Hóc Môn, TP Thủ Đức và các quận còn lại.
Khung giá được xây dựng chủ yếu dựa trên tổng khối lượng rác sinh hoạt phát sinh của hộ gia đình/chủ nguồn thải với mốc xác định từ nhỏ hơn hoặc bằng 126kg rác/tháng. Còn trên 420kg rác/tháng sẽ áp dụng tính tiền rác và vận chuyển theo kg.
Chẳng hạn như ở TP Thủ Đức sẽ là 485,97 đồng/kg rác và 180,07 đồng/kg vận chuyển đối với khối lượng rác phát sinh trên 420kg/tháng.
Theo quy định mới nhất này, TP.HCM đặt ra hai trường hợp để ban hành mức thu tiền rác. Đó là khi TP.HCM chưa triển khai phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và khi TP.HCM triển khai thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đối với mức thu áp dụng từ ngày 1-6 là theo trường hợp TP.HCM chưa triển khai phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện nay tại TP.HCM thí điểm nhóm thu là chủ nguồn thải có phát sinh nhiều chất thải thực phẩm như chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại có dịch vụ ăn uống... sẽ phân loại rác tại nguồn thành ba loại. Riêng đối với các nhóm còn lại vẫn tiếp tục thực hiện phân loại rác tại nguồn thành hai loại như đã thực hiện trước đây.
Một vấn đề đặt ra là trường hợp nào TP.HCM thu tiền rác theo khối lượng (theo kg)? Trong quyết định mới ban hành, TP.HCM thông tin về mức giá với việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt trong trường hợp UBND TP.HCM triển khai phân loại tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải nhỏ thực hiện phân loại đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, UBND cấp quận huyện tổ chức thống kê khối lượng rác phát sinh sau phân loại (không bao gồm chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng và chất thải nguy hại đã được phân loại riêng) của hộ gia đình, cá nhân trong một khoảng thời gian do các bên tự thỏa thuận làm cơ sở xác định khối lượng.
Khối lượng rác sẽ được xác định theo 1 trong 3 cách thức gồm cân xác định khối lượng, thống kê số lượng, loại thể tích thiết bị chứa đựng rác; áp dụng hệ số quy đổi dung tích thiết bị lưu chứa rác thải sinh hoạt (1m3 ~ 420 kg) hoặc theo quy định pháp luật hiện hành khác. Cách thức khác do địa phương chủ động áp dụng phù hợp.

Thu gom rác tập kết khu vực đường Tân Phước, quận 10, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Băn khoăn cách tính khối lượng rác
Ông N.V.C. (ngụ hẻm 25, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) cho biết trung bình rác sinh hoạt mỗi ngày của gia đình 4 người nhà ông chỉ khoảng 1-2kg. Hiện gia đình ông đóng khoảng 80.000 đồng tiền rác, mức giá này ông đánh giá là khá cao so với trước đây.
"Tôi thấy TP.HCM ban hành mức giá cụ thể cho từng quận huyện là khá tốt, không còn lo chuyện loạn giá rác hay bị nhì nhằng xin thêm. Còn lâu dài hơn nếu TP.HCM thu tiền rác theo kg, tôi rất băn khoăn về cách tính chính xác khối lượng rác.
Đặc biệt là hầu hết các gia đình ở TP.HCM đều đóng cửa đi làm cả ngày, không thể giữ rác đến khi thu mới cân được. Tôi nghĩ bài toán này khó không kém câu chuyện phân loại rác thải", ông C. nhận định.
Còn chị X.T. (42 tuổi), kinh doanh nước uống giải khát tại khu vực quận 1, cho hay mỗi tháng chị đóng khoảng 120.000 đồng tiền rác. Theo chị T., mức giá này hợp lý do chị ước lượng rác của mình khá nhiều.
Trước thông tin TP.HCM có thể triển khai thu tiền rác theo kg trong tương lai, chị T. nói bản thân khá nghi ngại. Mỗi ngày rác thường được chị T. mang ra trước nhà để tiện cho công nhân thu gom. Nếu thu tiền rác theo kg, chị T. không biết kiểm soát khối lượng thế nào. "Lỡ mình không để ý, người khác bỏ rác ở nhà mình thì sao?", chị T. lo lắng.
Trong khi đó, ông Quang Phú (phường 12, quận Tân Bình) cho hay ông ủng hộ việc thu tiền theo kg nhưng không biết sẽ thu theo cách nào vì nhà ông mỗi ngày lượng rác khác nhau và hàng xóm của ông mỗi nhà cũng có lượng rác khác nhau.
"Tôi được biết mô hình của Hội An phân loại rác và tính giá theo kg rất hay là phát bao ni lông theo màu khác nhau để hộ dân tự phân loại, rác bao nhiêu thì mua loại bao nặng bấy nhiêu. Như vậy rất tiện lợi và văn minh, TP.HCM nên nghiên cứu cách làm này thay vì để người dân băn khoăn cách tính như hiện nay", ông Phú đề xuất.
Quy định về giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt tại TP.HCM - áp dụng từ ngày 1-6 (chưa VAT):

*Chưa thu giá dịch vụ xử lý rác sinh hoạt đối với đối tượng nhóm 1 gồm hộ gia đình, cá nhân và các chủ nguồn thải nhỏ.*Đối với chủ nguồn thải lớn chịu thêm tiền xử lý rác với giá 420,45 đồng/kg rác.
Tại sao thu thêm tiền vận chuyển rác?
Trước đây người dân TP.HCM chỉ phải trả tiền cho dịch vụ thu gom rác, còn tiền vận chuyển và xử lý rác được thành phố bao cấp. Đến năm 2018, UBND TP.HCM ban hành quyết định 38 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Người dân ngoài trả tiền thu gom còn phải trả tiền vận chuyển, xử lý rác.
Nhưng đến năm 2021, TP.HCM ban hành quyết định 20 sửa đổi quyết định 38, trong đó có quy định giai đoạn 2021 - 2025 chưa thực hiện thu giá dịch vụ xử lý rác.
Do đó người dân ngoài đóng tiền thu gom phải đóng thêm tiền phí vận chuyển, tiền này sẽ nộp về ngân sách TP, còn tiền xử lý rác vẫn do ngân sách chi trả.
Tuy nhiên do có địa phương triển khai trước, địa phương triển khai sau nên dẫn tới câu chuyện những năm gần đây (giai đoạn 2023 - 2024) có địa phương truy thu tiền vận chuyển rác từ người dân. Từ đầu năm 2025 trở đi, các quận huyện đều thực hiện thu tiền vận chuyển ngay từ đầu, có nơi thu theo tháng, có nơi thu theo quý hoặc năm. Do đó người dân phải đóng hai khoản tiền rác bao gồm thu gom và vận chuyển.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 14-5, UBND quận Phú Nhuận cho hay vừa họp bàn xong với các phường để chuẩn bị triển khai tới người dân về quyết định mới của TP.HCM. Tại quận này, tiền vận chuyển giảm so với mức thu cũ nhưng tiền thu gom sẽ tăng.
Quận cho biết với các phường đã thu tiền vận chuyển theo quý hoặc năm sẽ tính toán để hoàn trả lại cho người dân. Còn đối với các chủ nguồn thải lớn ngoài tiền thu gom, vận chuyển thì quận sẽ thu thêm tiền xử lý rác theo quy định mới.
Bà Dương Kim Cúc (thành viên Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Phương Lan):
Rất khó cho lực lượng thu gom
Hiện chúng tôi đang phụ trách thu gom rác cho khoảng 400 hộ dân tại quận 7. Trường hợp UBND TP.HCM triển khai thực hiện phân loại tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ đó làm cơ sở tính tiền rác theo kg hoặc thể tích thiết bị chứa đựng rác thì rất khó thực hiện cho lực lượng thu gom.
Không thể cân rác từng ngày cũng như rác ngày nắng và ngày mưa sẽ khác nhau về khối lượng. Hơn nữa đặc thù người dân TP.HCM thường đi làm cả ngày nên gặp để cân là không thể. Còn nếu thỏa thuận khối lượng trong một khoảng thời gian cũng sẽ xảy ra chuyện người dân lấy lý do có thời điểm ở nhà nhiều, thời điểm ở nhà ít.
Theo tôi, TP.HCM nên áp dụng theo cách hiện tại là ban hành mức giá riêng cho từng quận huyện. Còn hộ dân nào bỏ rác nhiều hơn lực lượng thu gom sẽ thỏa thuận trực tiếp để tiền thu gom nhỉnh hơn một chút. Việc cân kg chỉ có thể áp dụng với các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, chủ nguồn thải lớn chứ còn với nguồn thải nhỏ, hộ gia đình thì hầu như không thể.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường TP.HCM):
Chấm dứt tình trạng loạn giá
Việc TP.HCM thống nhất mức thu tiền rác cho từng địa phương là rất hợp lý, sẽ chấm dứt được tình trạng loạn giá rác mỗi nơi thu một kiểu.
Tuy vậy, tôi góp ý thêm về cách triển khai. Khi đã có đơn giá và các khung cụ thể thì địa phương nên cho người dân đăng ký để dễ quản lý. Hộ nào phát sinh khối lượng rác trong khung nào thì thu theo giá đó, thấp hơn thì vẫn thu ở khung thấp nhất, còn nếu cố tình gian lận thì chế tài.
Cách thu mà TP.HCM áp dụng chưa triển khai phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hợp lý hơn cách còn lại. Bởi hạ tầng xử lý, phương tiện thu gom của TP.HCM chưa thể đáp ứng được phương án phân loại rác tại nguồn thành ba loại như Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Kinh nghiệm thu tiền rác theo bao ni lông từ Hội An

Bao đựng rác phát cho các hộ dân tại đường Nguyễn Tri Phương (Hội An, Quảng Nam) khi dự án còn thí điểm - Ảnh: B.D.
Câu chuyện Hội An (Quảng Nam) áp dụng hình thức phát túi ni lông để dân phân loại rác, tính tiền phí dựa trên kg rác thải ra hằng tháng được sự quan tâm vài năm qua. Hội An là nơi đầu tiên trên cả nước trả phí rác bằng bao ni lông thay vì đóng tiền trực tiếp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-5, ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết phương án thu phí chất thải sinh hoạt theo khối lượng phát sinh được Hội An thí điểm thành công và dự kiến trình lên cấp trên để nhân rộng ra toàn thành phố.
"Đã có trên 50% hộ dân thay đổi thói quen, sẵn sàng đóng phí rác bằng cách dùng bao ni lông theo khối lượng", ông Hùng khẳng định.
Ai nhiều rác thì mua nhiều bao đựng
Theo ông Hùng, năm 2023 Hội An được tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương cùng sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) để thí điểm thu phí rác thải theo khối lượng phát sinh. 450 hộ dân ở trục đường Nguyễn Tri Phương (phường Cẩm Nam), khu vực tiếp giáp với khu phố cổ, được chọn làm thí điểm.
Các hộ gia đình được mua túi ni lông 10 lít, 15 lít, 20 lít và lớn nhất là 40 lít. Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít giá 5.000 đồng, loại 20 lít 7.500 đồng, loại 30 lít 10.000 đồng và loại 40 lít giá 15.000 đồng.
Với mức thu bình quân 30.000 đồng/hộ gia đình như đang áp dụng, mỗi hộ thay vì trả tiền mặt thì sẽ mua túi ni lông tương đương với mệnh giá. Với 30.000 đồng thì sẽ mua được 16 túi loại 10 lít, với loại 15 lít thì sẽ mua được 6 túi, loại 20 lít sẽ mua được 4 túi...
Rác thực phẩm sẽ được đựng vào túi ni lông màu trắng trong, chữ xanh. Rác tái chế, tái sử dụng thì các hộ dân sẽ tự thu gom và xử lý tại nhà. Rác thải rắn sẽ được bỏ vào túi chất thải màu trắng, chữ đen và xe rác sẽ đến thu gom theo lịch.
Theo lãnh đạo phường Cẩm Nam, về nguyên tắc thì ai dùng nhiều rác phải tự mua thêm bao ni lông và số tiền phải bỏ ra sẽ gia tăng. Tuy nhiên với mức bình quân 30.000 đồng mỗi hộ gia đình như lâu nay, số túi rác mà người dân được phát để đựng cũng đa phần vừa đủ nhu cầu thu gom của bà con. Hầu như không có hộ dân nào nói sẵn sàng mua thêm bao mà chỉ có nói rằng... dư dùng.
Thay đổi hẳn thói quen xả rác trong từng gia đình
Theo UBND TP Hội An, trong giai đoạn đầu của dự án, các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình rất ủng hộ phương thức thu phí rác theo kg dùng. Cuối 2023, phường Cẩm Nam quyết định nhân rộng ra 1.571 hộ dân.
Nói với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Mỹ Hội (số nhà 37 Nguyễn Tri Phương) cho biết gia đình bà rất ủng hộ chủ trương phân loại rác thải và tính tiền dựa trên số bao ni lông được cấp. Với 30 bao được cấp, số lượng rác nếu dùng "vô tội vạ" như trước nay thì sẽ không chứa đủ. Do đó mỗi gia đình cần phải cân đối, tự tiết giảm để làm sao thải rác càng ít càng tốt.
Tương tự, hộ bà Trần Thị Phượng (số nhà 192 Nguyễn Tri Phương) cũng nói gia đình bà tự "gò" thói quen xả rác của mình dần bằng cách sử dụng đúng số bao đã được cấp phát. "Lâu nay rác thải nhựa, túi ni lông hay vỏ trái cây gì chúng tôi đều vứt vô thùng rác chung rồi đưa ra xe thu gom. Nhưng từ khi phường phát bao rác thì mình phải tự tiết giảm lại" - bà Phượng nói.
Dù ủng hộ việc thu gom rác bằng bao ni lông tính khối lượng, nhiều hộ dân cũng thừa nhận rằng việc này có đi vào thực tế được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức từng hộ dân và sự trung thực của cơ quan xử lý rác. "Lỡ sau này quy định siết chặt, tiền rác tăng nhiều lần thì chắc chắn không tránh khỏi việc người ta lách luật bằng cách giấu rác, lén đổ ra môi trường" - một người dân ở Cẩm Nam nói.
Đang tạm dừng do vướng... sáp nhập

Do đang tạm dừng thu phí rác bằng cân ký nên bà Trần Thị Phượng (số nhà 192 Nguyễn Tri Phương, TP Hội An) phải bỏ rác ra đường chờ xe đến thu gom trở lại - Ảnh: B.D.
Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết mới đây khi dự án đang trong giai đoạn xúc tiến các thủ tục để nhân rộng ra toàn thành phố thì phải tạm dừng vì sáp nhập bộ máy.
"Trong điều kiện bình thường, không sáp nhập thì UBND TP Hội An sẽ căn cứ trên định mức chung để đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đơn giá mỗi kg rác sẽ phải đóng tiền bao nhiêu, từ đó cho triển khai toàn TP Hội An. Tuy nhiên như giờ thì không được vì bộ máy cấp thành phố không còn, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng sáp nhập lại. Do đó các công việc sẽ nối lại sau khi sáp nhập xong" - ông Hùng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận