Bản dự thảo Luật phí và lệ phí (*) mà Ủy ban Ngân sách của Quốc hội đưa ra cuối tuần qua để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực dẫu đã có nhiều điểm mới so với pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001, giảm nhiều loại phí và lệ phí không cần thiết, song nguyên tắc xác định mức thu phí vẫn quá hẹp và chưa phản ánh đúng vai trò cần có của công cụ này. Đồ họa: L.A.P Có ba mục tiêu phổ biến của phí đi kèm các nguyên tắc xác định mức phí đối với từng loại hình hay mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, phí nhằm mục tiêu tạo nguồn thu để bù đắp chi phí Bù đắp chi phí là mục tiêu thường được nhìn nhận phổ biến nhất của phí. Có lẽ đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 và dự thảo Luật phí và lệ phí hiện nay. Nguồn thu được sử dụng để bù đắp như chi phí giáo dục, bệnh viện, thoát nước, giao thông, công viên, hạ tầng kỹ thuật... Tùy loại hình dịch vụ mà phí có thể bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí liên quan. Ví dụ, phí sử dụng điện có thể bù đắp hoàn toàn các chi phí. Trái lại, học phí thường chỉ bù đắp một phần chi phí phát sinh và phần còn lại được tài trợ hay trợ cấp bởi Nhà nước hoặc cộng đồng. Ví dụ như ở Mỹ, tổng chi phí học đại học thông thường trong những năm 2000 vào khoảng 26.000 USD và phần đóng góp của người học là 16.000 USD. Về nguyên tắc xác định mức phí, đối với các loại hàng hóa dịch vụ không có các biến dạng hay thất bại thị trường (như ngoại tác hay độc quyền chẳng hạn) thì mức phí tối ưu được xác định giống như giá cả thông thường trên thị trường cạnh tranh. Lúc này, mức phí sẽ bằng chi phí biên của việc cung cấp thêm một đơn vị sản phẩm dịch vụ (tức là chi phí tăng thêm khi sản xuất hay cung cấp thêm một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ). Hiểu một cách đơn giản, nếu chi phí cho việc sản xuất thêm 1 kWh điện là 2.000 đồng thì mức phí sử dụng điện tối ưu sẽ là 2.000 đồng/kWh. Đối với những hàng hóa có những thất bại thị trường thì mức phí sẽ được xác định nhằm bảo đảm nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả, đồng thời đảm bảo việc thu hồi vốn cho người cung cấp. Thứ hai, phí dùng để phân bổ nguồn lực hiệu quả Nhưng thật ra mục tiêu quan trọng nhất của phí không phải để bù đắp chi phí, mà nhằm phân bổ nguồn lực hiệu quả. Có những hoạt động kinh tế mà bản thân cơ chế thị trường không làm cho việc phân bổ nguồn lực tối ưu. Lúc này cần có sự can thiệp của nhà nước. Phí là một công cụ cho mục tiêu này, nhất là trong việc khắc phục những ngoại tác tiêu cực do việc sử dụng quá mức. Giao thông cũng như một số dịch vụ khác ở lúc cao điểm là ví dụ điển hình. Đối với một con đường, ở giờ thấp điểm nó có thể coi như hàng hóa công với hai đặc điểm không có tính tranh giành (việc sử dụng của người này không ảnh hưởng đến việc sử dụng của người khác) và không có tính loại trừ (đường ai đi cũng được). Lúc này, ai có nhu cầu thì cứ sử dụng mà không ảnh hưởng đến người khác. Chi phí của toàn xã hội chính là chi phí mà mỗi cá nhân phải bỏ ra gồm thời gian và chi phí vận hành. Nhưng vào giờ cao điểm, khi cầu vượt quá công suất hiệu quả thì vấn đề hoàn toàn khác. Lúc này, việc sử dụng đường có tính tranh giành vì khi người này sử dụng sẽ làm người khác mất cơ hội sử dụng. Hơn thế, việc sử dụng con đường lúc này của mỗi cá nhân gây tác động tiêu cực cho những người khác hay nói rộng hơn là toàn xã hội. Cụ thể, khi lượng xe vượt quá mức tối ưu thì một người tham gia giao thông sẽ làm giảm tốc độ hay tăng chi phí của những người đang đi trên đường. Tác động tiêu cực mà người tham gia giao thông này gây ra cho những người xung quanh nên tổng chi phí của toàn xã hội (MSC) lớn hơn chi phí biên của người sử dụng (MPC). Nếu cứ để thị trường tự do vận hành sẽ gây ra tổn thất vô ích cho toàn xã hội. Để khắc phục tình trạng này, cần áp dụng một mức phí tắc nghẽn để chi phí của việc sử dụng phương tiện của các cá nhân bằng với chi phí của xã hội. Nguyên lý tính phí đối với đường giao thông nêu trên có thể áp dụng với nhiều loại hình dịch vụ khác như công viên hay bãi biển chẳng hạn. Vào ngày bình thường có thể mở cửa tự do để mọi người có thể vào, nhưng đến những thời điểm cao điểm như mùa hè hay lễ hội, việc sử dụng quá mức có thể gây ra những tác động tiêu cực làm giảm phúc lợi xã hội. Áp dụng một mức phí nào đó sẽ tạo ra số lượt sử dụng tối ưu cho toàn xã hội. Giảm tắc nghẽn hay phân bổ nguồn lực hiệu quả chính là vai trò quan trọng bậc nhất của phí. Hơn thế, với mục tiêu và cách tiếp cận tương tự, phí được sử dụng để hạn chế các tác động hay ngoại tác tiêu cực như phí để hạn chế sử dụng rượu bia hay những hoạt động gây ra ô nhiễm môi trường gây hại cho xã hội. Thứ ba, phí được sử dụng để bảo đảm công bằng Một mục tiêu quan trọng khác của phí chính là đảm bảo công bằng. Phí được dựa trên nguyên tắc người hưởng lợi hay người sử dụng trả tiền. Nói một cách đơn giản, ai dùng thì người đó trả. Tuy nhiên, việc áp dụng phí sử dụng cũng gây ra trục trặc về khía cạnh công bằng, nhất là công bằng dọc vì nhiều loại phí thường áp dụng đồng mức cho nhiều người. Một sắc thuế hay một loại phí tốt cần đảm bảo cả công bằng ngang và công bằng dọc. Công bằng ngang là những người có khả năng chi trả như nhau thì phải đóng một mức thuế hay trả một mức phí như nhau. Công bằng dọc là những người có khả năng chi trả khác nhau thì chịu các mức thuế hoặc phí khác nhau. Thuế và phí là hai nguồn bù đắp chi phí chính của nhà nước. Tuy nhiên, có sự khác biệt cơ bản giữa thuế và phí gồm: i) Thuế mang tính bắt buộc nhưng phí mang tính tự nguyện; ii) Thuế tổng quát gắn với khả năng chi trả và phí gắn với lợi ích nhận được; iii) Thuế nộp vào nguồn thu chung, phí sử dụng gắn trực tiếp vào hàng hóa sử dụng; và iv) Phí sử dụng thường sử dụng trong phạm vi các địa phương như phí cầu đường, viện phí, phí đậu xe, học phí trường công. Ưu điểm của phí sử dụng là thích hợp nhất khi phần lớn lợi ích của dịch vụ thuộc về người sử dụng trực tiếp. Phí sử dụng là một cách mà những người nơi khác phải trả khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, phí sử dụng bất lợi đối với người có thu nhập thấp do vấn đề công bằng dọc. Hơn thế, trong nhiều trường hợp, chi phí hành thu là rất lớn do chi phí quản lý và chi phí tuân thủ quá cao. Trục trặc của dự thảo Luật Phí và Lệ phí hiện nay Cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính đã đưa ra hai nguyên tắc xác định mức thu phí gồm: Thứ nhất, mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm bù đắp chi phí và thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ; Thứ hai, mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thời gian thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp. Đối chiếu với ba mục tiêu nêu trên sẽ thấy phí trong dự thảo hiện tại chỉ mới trong phạm vi của mục tiêu thứ nhất và vai trò quan trọng nhất của phí là nhằm phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn chưa được nhắc đến. Đây là khiếm khuyết rất lớn. Thêm vào đó, các nội dung hay nguyên tắc cho các loại phí mà khả năng xuất hiện trong tương lai như phí tắc nghẽn, phí phát triển... chưa được đề cập. (*): Do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Tags: Ngân sách địa phươngPhí và lệ phíLuật phí và lệ phíNguyên tắc thu phíPhân bổ nguồn lực
Tin tức sáng 24-1: Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây ăn Tết; Khai mạc hội hoa xuân TP.HCM TUỔI TRẺ ONLINE 24/01/2025 Tin tức đáng chú ý: Ngân hàng rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng cận Tết; Cách 'né' kẹt xe khi về miền Tây; Hôm nay khai mạc hội hoa xuân TP.HCM...
Kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP.HCM - Phan Thiết từ 3h sáng, phân luồng xuống quốc lộ 1 MINH HÒA 24/01/2025 Rạng sáng 24-1, người dân tiếp tục cuộc hành trình về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết lại kẹt xe kéo dài. Nhiều người đi từ 3h sáng cũng không thoát cảnh gian nan.
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Giá cao, khó bắt Grab ngày cận Tết: Tài xế than kẹt xe, vừa tới nơi 'thượng đế' hủy chuyến PHƯƠNG NHI 24/01/2025 Tình trạng kẹt xe, bị khách hủy chuyến bất ngờ, app cắt phần trăm cao... là những nguyên nhân khiến tài xế ngán ngẩm, tắt app thời gian qua.