12/11/2003 23:42 GMT+7

Hỏi: gay gắt, đáp: lòng vòng

ĐÌNH LONG
ĐÌNH LONG

TT - Sáng 12-11, người mở đầu phần các bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến. Bà bộ trưởng đã phải đối diện với hàng loạt câu chất vấn gay gắt về các vấn đề bức xúc của cử tri cả nước: từ chuyện giá thuốc tăng vô tội vạ đến chuyện y đức của một bộ phận bác sĩ. Và nhiều câu trả lời của bà đã không làm người chất vấn thỏa mãn, còn các cử tri thì... thất vọng!

j7cTOz9a.jpgPhóng to
Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến tỏ ra rất căng thẳng trước các câu hỏi chất vấn gay gắt của các đại biểu về giá thuốc
TT - Sáng 12-11, người mở đầu phần các bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến. Bà bộ trưởng đã phải đối diện với hàng loạt câu chất vấn gay gắt về các vấn đề bức xúc của cử tri cả nước: từ chuyện giá thuốc tăng vô tội vạ đến chuyện y đức của một bộ phận bác sĩ. Và nhiều câu trả lời của bà đã không làm người chất vấn thỏa mãn, còn các cử tri thì... thất vọng!

Bộ Y tế có... mấy bộ trưởng?

Về vấn đề bức xúc của nhiều cử tri là giá thuốc tăng cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Trung Chiến thừa nhận: “Để giá thuốc tăng trong thời gian vừa qua trước hết là trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Tài chính”.

Nhưng ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) thấy chưa thỏa đáng nên yêu cầu: “Bộ trưởng phải nói rõ trách nhiệm cụ thể của mình đến đâu. Mặt khác, nói rõ đâu là giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề giá thuốc hiện nay. Nói rõ đã xử lý các đơn vị vi phạm đến đâu, đã có đơn vị nào bị xử lý?”.

48rAt14y.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái): “Tôi thấy chưa thỏa đáng. Việc nhận trách nhiệm cụ thể của bộ trưởng chưa rõ. Trong phần trả lời, bộ trưởng vẫn thiên về lý giải những nguyên nhân khách quan, còn yếu tố chủ quan thế nào thì nêu rất ít”
Bộ trưởng Chiến: “Giá thuốc tăng do chưa dự báo, dự đoán được tình hình, chưa đáp ứng được nhu cầu thuốc. Chúng tôi sẽ kiểm điểm về trách nhiệm cụ thể”.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) chưa chịu: “Bộ trưởng vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của mình trong việc quản lý, chỉ đạo và điều hành”. Bởi thế ông chỉ ra: “Cục Quản lý dược... có vấn đề trong quản lý điều hành: tại sao không cho phép nhiều hãng dược nổi tiếng nước ngoài vào để chống thế độc quyền, đầu cơ, tích trữ để tăng giá thuốc của một số hãng nước ngoài?”.

Người đứng đầu Bộ Y tế trả lời lấp lửng: “Xin tiếp thu ý kiến của ĐB Hoàng và sẽ tính toán vai trò của Cục Quản lý dược”

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng: “Nguyên nhân khiến giá thuốc tăng do chưa coi thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc thù, mà coi đó là mặt hàng bình thường nên chưa có giải pháp đặc thù. Đồng thời trong những biện pháp đưa ra chưa thấy có sự hợp tác quốc tế”.

2ACeDv0y.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): “Nếu còn thời gian chất vấn, tôi sẽ hỏi: “Có hay không tiêu cực ở Cục Quản lý dược? Năm năm nay tại sao không chống được độc quyền?...
Bộ trưởng Chiến lại phân bua: “Quản lý thuốc thật sự khó. Khi giá thuốc tăng, tôi ngồi đọc lại tất cả các văn bản pháp qui thì thấy thuốc là sản phẩm không nằm trong danh mục các mặt hàng Nhà nước định giá và quản lý giá. Lần này sẽ mời chuyên gia nước ngòai, kể cả Tổ chức Y tế thế giới giúp bộ về giá thuốc, kể cả xây dựng luật dược”.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) sau khi tiết lộ “bà xã tôi cũng là bác sĩ”, đã nhận xét “ vấn đề giá thuốc nói đi nói lại nhưng không thấy lối ra”. Ông ví von: “Nó giống như chiếc máy bay trực thăng bay vòng vòng mà... không biết đáp xuống chỗ nào”.

Theo ông Thanh: “Mấu chốt nằm ở chỗ phải chống độc quyền và ngày nào còn độc quyền ngày đó người dân còn khổ, ngày đó còn không kiểm soát được giá thuốc. Như cái máy điện thoại lúc đầu mới nhập vào rất đắt, sau khi cho nhiều công ty vào cạnh tranh với nhau giá lập tức rẻ. Còn việc niêm yết giá, đi kiểm tra, khảo sát hàng chục ngàn đại lý thuốc chỉ là cái ngọn, làm sao làm nổi. Chẳng khác nào qui định giá phở bán tại Hà Nội!”.

Tuy nhiên, ông Thanh có cảm giác: “Ngoài bộ trưởng còn có những bộ trưởng khác ngay trong bộ này - bộ trưởng dược - và ông bộ trưởng này chi phối chuyện nhập thuốc”.

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến “nhất trí, cám ơn” ĐB Thanh và thông báo: “Đã chỉ đạo cho nhập khẩu song song, đa dạng hóa mặt hàng để người dân lựa chọn”. Song bà Chiến lưu ý QH: “Phải cẩn thận vì nếu cho nhập nhanh và nhập nhiều thuốc sẽ không bảo đảm. Hơn nữa, giá mỗi nước mỗi khác nhau, làm sao phân tích được điều này thì phải có đủ năng lực, trình độ, thông tin”.

Nếu có tiền bác sĩ sẽ “nhẹ tay”!

ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) nói: “Cử tri rất bức xúc về y đức của thầy thuốc, nhất là trong việc điều trị, khám chữa bệnh cho người nghèo và cán bộ công chức. Nếu có tiền thì được tiêm chích, thay băng... nhẹ tay!”. Trước thực tế nhức nhối này, ông đề nghị: “Phải có biện pháp nâng cao y đức bằng hành động cụ thể chứ không phải bằng hô khẩu hiệu suông!”.

Người đứng đầu Bộ Y tế thừa nhận: “Khi bị bệnh bà con thường không trả giá thuốc, miễn là chữa khỏi bệnh. Chính vì thế một số thầy thuốc thiếu lương tâm lợi dụng, tiêu cực lâu nên trở thành... thói quen”.

Để giải quyết, bà hứa “sẽ công khai tất cả các khoản thu phí tại các cơ sở y tế để bà con giám sát nhưng... các lãnh đạo nên quan tâm chỉ đạo tích cực hơn cùng với Bộ Y tế thì mới giải quyết được”.

Trong giải trình của mình, Bộ trưởng Chiến cũng cho biết: “Cơ chế quản lý nhân sự còn phức tạp, chồng chéo, dẫn tới việc thủ trưởng đơn vị khó thải các nhân viên vi phạm kỷ luật. Vì vậy, hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu bệnh nhân vẫn còn tồn tại trong các cơ sở khám, chữa bệnh”.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa ( Nghệ An) hỏi gay gắt: “Thừa nhận điều này thì đó có phải là sự bất lực của ngành y tế? Thời gian tới việc sa thải nhân viên tiêu cực vi phạm kỷ luật có được thực hiện?”.

Bộ trưởng Chiến trả lời do dự: “Vấn đề xử lý cán bộ chúng tôi thực hiện theo nghị định 10, tức là tăng quyến tự chủ, chủ động cho giám đốc bệnh viện cơ sở”. Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Chiến cho rằng: “Bộ Y tế đang trực tiếp quản lý 30 bệnh viện nên khó theo dõi sát tình hình của các bệnh viện. Bộ ở xa, địa phương ở gần nên khó quản lý sâu sát được”.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn tiếp: “Việc bác sĩ móc nối với trình dược viên để hưởng hoa hồng trên người bệnh thực chất là chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của bệnh nhân. Đây là trách nhiệm chủ quan của ngành y tế chứ không thể đổ lỗi cho khách quan nhưng bộ trưởng lại chưa có giải pháp gì”.

Bộ trưởng Y tế đáp: “Để giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng để không xảy ra sự việc này là rất khó, đòi hỏi cán bộ phải có y đức”. Nhưng bà phản bác lại ý kiến của nhiều ĐB: “Nếu không có bước đột phá trong đầu tư cho y tế thì QH chất vấn tôi, tôi cũng không làm sao giải quyết được”.

ĐB Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam): “Vấn đề là phải có biện pháp mạnh chứ không thể kêu gọi y đức của bác sĩ mãi”. Bà Chiến xuống giọng: “Đây là vấn đề khó vì công ty nước ngoài trả hoa hồng cao hơn, quảng cáo, khuyến mãi nhiều hơn... Một ngành y tế không làm nổi”.

ĐB Nguyễn Bá Thanh đề xuất dứt khoát: “Cần xã hội hóa y tế thì mới giải quyết được tình trạng này”. ĐB Thanh dẫn chứng: “Ở Đà Nẵng có bốn bệnh viện tư nhân, họ làm rất nghiêm túc, trả lương cao cho bác sĩ. Từ đó nếu anh nào nhận tiền của bệnh nhân là sa thải ngay”.

Các đại biểu nghĩ gì về trả lời của Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến?

Chủ tịch QH Nguyễn Văn An:

Bộ trưởng trả lời chưa đúng, nhiều ĐB lắc đầu

Bộ trưởng đã nói rõ ngay từ đầu trong báo cáo giải trình rằng trách nhiệm trước hết là vai trò quản lý nhà nước về (ngành) dược (tức Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế - PV). Nói như thế thì chưa trực tiếp lắm. Đứng trước QH, trước cử tri và nhân dân cả nước người ta chỉ biết bộ trưởng, không ai khác ngoài bộ trưởng. Còn các thứ trưởng, viện này viện nọ, vụ nọ vụ kia... đều thuộc quyền bộ trưởng và do bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước QH. Cho nên tôi theo dõi thì thấy bộ trưởng trả lời chưa đúng, nhiều ĐB lắc đầu.

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái):

Tôi thấy chưa thỏa đáng

Việc nhận trách nhiệm cụ thể của bộ trưởng chưa rõ. Trong trả lời bộ trưởng vẫn thiên về lý giải những nguyên nhân khách quan, còn yếu tố chủ quan thế nào thì nêu rất ít.

Văn bản chỉ đạo của Chính phủ đã qui rõ Bộ Y tế có “trách nhiệm chính” trong việc quản lý, kiểm soát không để đầu cơ, tăng giá thuốc đột biến. Mà đứng đầu Bộ Y tế là đồng chí bộ trưởng nhưng tôi không hiểu tại sao đồng chí bộ trưởng lại không nêu được trách nhiệm cụ thể của mình khi chỉ đạo, giải quyết vấn đề bức xúc đang được cử tri quan tâm. Tôi băn khoăn vì nếu không chỉ rõ được nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, không đề xuất được giải pháp đủ mạnh, có tính khả thi thì rồi bức xúc này cũng khó có thể khắc phục được.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (TP Hà Nội):

Còn thời gian, tôi còn chất vấn

Chuyện giá thuốc bộ trưởng nói phụ thuộc vào nhà sản xuất. Vậy vấn đề quản lý nhà nước đâu? Phải đặt trách nhiệm quản lý bằng pháp luật, bằng thuế, bằng đơn đặt hàng..., phải đứng trên quan điểm phục vụ người nghèo chứ! Nhưng bộ trưởng không nhận trách nhiệm, lại “đá” qua Cục quản lý dược, khiến Chủ tịch Nguyễn Văn An phải nhắc.

Nếu còn thời gian chất vấn, tôi sẽ hỏi: “Có hay không tiêu cực ở Cục Quản lý dược? Năm năm nay tại sao không chống được độc quyền? Vai trò quản lý nhà nước của bộ ở chỗ nào?”.

ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên