Theo ông Nguyễn Văn Đạo - giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), hiện công ty đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi quyết định thu hồi đất của hai huyện Long Hồ và Bình Tân (Vĩnh Long) với khoảng 9,5ha đất.
Nói về nguồn gốc diện tích đất bị thu hồi tại huyện Bình Tân, ông Đạo cho biết vào năm 2011 Công ty cổ phần Gò Đàng làm hợp đồng sang nhượng với ông Nguyễn Đình Quốc Việt (ngụ TP.HCM) với giá 5 tỉ đồng.
Sau khi nhận chuyển nhượng, ông Đạo đã đầu tư hàng chục tỉ đồng vào đây để nuôi cá tra nhằm cung cấp nguyên liệu cho công ty.
Tương tự, tại huyện Long Hồ, Công ty cổ phần Gò Đàng cũng thuê lại hơn 4ha đất từ người dân để nuôi cá tra nhằm cung cấp nguyên liệu cho chính công ty này.
Do đã làm hợp đồng thuê đất lâu dài và một phần đã được sang nhượng nên ông Đạo đầu tư hàng chục tỉ đồng vào ao nuôi cá để khai thác.
Tuy nhiên, năm 2022 ông Đạo bất ngờ nhận được thông báo của UBND huyện Bình Tân và huyện Long Hồ buộc phải di dời cá nuôi và tài sản trên đất của toàn bộ khu đất.
"Hiện chúng tôi đã đầu tư tiền của trên đất với số vốn rất lớn. Nếu phải di dời lúc này rất khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động của công ty.
Nếu chính quyền địa phương tổ chức đấu thầu lại khu đất cho đúng quy định nhà nước, tôi cũng sẽ dự thầu để được tiếp tục khai thác. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn được duy trì việc nuôi cá trên phần ao tôi đã đầu tư trong thời gian chờ đấu thầu", ông Đạo nói.
Ông Đạo cho biết thêm trước quyết định thu hồi đất tại hai huyện Long Hồ và Bình Tân, hơn 100 lao động trực tiếp của công ty tại địa phương đang rất hoang mang vì sẽ bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, nếu thu hồi hơn 9,5ha đất hiện đang cung cấp khoảng 5.000 tấn nguyên liệu cá tra cho công ty cũng sẽ ảnh hưởng đến gần 1.000 lao động vì không còn việc để làm.
"Tổn thất lớn nhất là đơn hàng đã ký kết với các đối tác nước ngoài sẽ phải thay đổi dẫn đến mất uy tín của ngành cá tra Việt Nam", ông Đạo nói.
Ông Đạo cho biết trong số khoảng 9,5ha đất bị thu hồi, huyện Bình Tân có 5ha và huyện Long Hồ hơn 4ha.
Nói về lý do thu hồi diện tích đất tại huyện Bình Tân, ông Nguyễn Văn Tập - chủ tịch UBND huyện Bình Tân - cho biết lý do thu hồi đất bãi bồi bởi đất này không được chuyển nhượng, cho, tặng nhưng người được giao đất lại chuyển nhượng quyền sử dụng.
Còn tại huyện Long Hồ, bà Phan Thị Mỹ Hạnh - chủ tịch UBND huyện Long Hồ - cho hay trước đây đất cho một số cá nhân thuê. Sau đó các cá nhân này giao cho một người đứng ra làm hợp đồng cho thuê với Công ty cổ phần Gò Đàng.
"Vừa rồi huyện có mời các cá nhân, đơn vị đến thông báo về việc thu hồi đất. Các hộ dân cũng không còn nhu cầu thuê đất nữa. Thanh tra Chính phủ cũng đã ra thông báo về việc sử dụng đất không đúng mục đích. Có nghĩa người thuê không sử dụng nhưng người khác sử dụng.
Vì vậy huyện đã làm theo quy trình là thông báo cho những cá nhân trực tiếp thuê đất trước, sau đó ra thông báo cho phía công ty đang khai thác diện tích đất đã thuê lại của người dân", bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, trước những khó khăn của công ty đang khai thác trên diện tích đất nói trên, trong quá trình xử lý huyện đã ghi nhận ý kiến về việc kéo dài thời gian thả cá cho phía công ty để trình UBND tỉnh Vĩnh Long xin gia hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận