![Thời tiết lạnh hơn có phải nguyên nhân khiến vi rút cúm dễ lây lan? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/nguoi-lon-tiem-vac-xin-cum-tai-vnvc-1739265497245402614388.jpg)
Người dân TP.HCM đổ xô đi tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP - Ảnh: P.L.
Vi rút cúm mùa không thay đổi về độc lực
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - cho hay cúm mùa năm nay không có sự thay đổi về độc lực hay mức độ lây lan. Tuy nhiên, cũng như các bệnh lý truyền nhiễm khác, sẽ có sự thay đổi về tỉ lệ mắc mới ở vùng địa lý theo từng năm.
Cụ thể, hiện nay ở các quốc gia Bắc bán cầu như Bắc Mỹ tỉ lệ xét nghiệm cúm dương tính trên tổng số bệnh nhân chiếm từ 20 - 30% hoặc ở châu Âu, Đông Á là trên 30%.
Ngoài ra, ở các quốc gia Nam bán cầu tỉ lệ xét nghiệm cúm dương tính lại thấp do các quốc gia này hiện đang ở mùa hè.
Riêng ở các quốc gia Đông Nam Á vùng nhiệt đới, tỉ lệ nhiễm cúm cũng ở mức độ thấp và tại một số quốc gia, tỉ lệ nhiễm cúm thấp hơn so với thống kê của năm trước.
Tóm lại, cúm mùa năm nay không tăng bất thường so với các năm trước, ngoại trừ ở các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và một phần của Trung Quốc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay cúm mùa, thường do vi rút cúm A hoặc B gây ra, có các triệu chứng như sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi.
Ho có thể nghiêm trọng và kéo dài trên hai tuần. Hầu hết mọi người khỏi bệnh trong vòng một tuần, nhưng cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong ở những nhóm có nguy cơ như: trẻ em, phụ nữ có thai, người lớn tuổi...
Vì sao thời tiết lạnh, vi rút cúm dễ lây lan?
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, cơ chế truyền nhiễm chủ yếu của bệnh cúm và một số bệnh hô hấp khác là sự lây lan từ người qua người theo giọt bắn nhỏ.
Khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói to sẽ tạo ra các hạt nhỏ và các hạt khí dung có thể mang mầm bệnh đến người lành và lây cho người lành.
Vào mùa lạnh người dân ở xứ lạnh có thói quen ở trong phòng kín, trong nhà nhiều hơn, do đó làm tăng khả năng lây lan cúm giữa người với người.
Không khí lạnh làm các giọt nhỏ và hạt khí dung bị bay hơi chậm hơn nên vi rút tồn tại lâu khiến khả năng lây lan cúm và các bệnh hô hấp cao hơn.
Tuy nhiên, các cơ chế làm tăng nguy cơ lây lan không thể hiện rõ đối với thời tiết mát mẻ ở các nước vùng nhiệt đới nên khả năng gây dịch cúm ở các xứ vùng nhiệt đới cũng ít hơn.
Ông Dũng khuyến cáo, phương pháp phòng ngừa cúm hoàn toàn tương tự với việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do siêu vi.
Nhưng do cúm có đặc điểm là bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin và điều trị với thuốc kháng vi rút nên bệnh có thể điều trị, dự phòng bằng tiêm chủng vắc xin, dùng thuốc dự phòng sau phơi nhiễm cho những người có nguy cơ diễn tiến nặng.
Theo các chuyên gia y tế, điểm khác biệt năm nay là thời tiết lạnh hơn, độ ẩm cao hơn, tạo điều kiện cho vi rút tồn tại lâu hơn ngoài môi trường. Điều này khiến số ca mắc tăng lên.
Số ca cúm mùa tại Việt Nam gia tăng cục bộ
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam dù số ca cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với hằng năm, các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận